Ngày 25/4/2023, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) diễn ra hội thảo “Hợp tác hàng không - du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”. Đây là hội thảo quan trọng nhằm triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về du lịch với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” nhằm góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Hội thảo là cơ hội để các đại diện cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương gặp gỡ, thảo luận để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển bứt phá trước những cơ hội sắp tới; tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp.
Phối hợp để đạt mục tiêu
Trong thời gian vừa qua, ngành hàng không và du lịch luôn luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Về hàng không, ngày 28/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế; và ngày 22/01/2019 phê duyệt đề án tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch.
Về du lịch, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”. Trước đó, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử, đưa du lịch Việt Nam phát triển bứt phá, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 80% vào năm 2019). Do vậy, hàng không và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển. Trong các giai đoạn khác nhau, ngành du lịch và các hãng hàng không luôn luôn có những chương trình hợp tác để cùng nhau phát triển.
Trong suốt thời gian ứng phó với dịch Covid-19, hai ngành hàng không và du lịch đã phối hợp rất chặt chẽ để tìm ra các giải pháp khôi phục ngành, bao gồm nghiên cứu phối hợp xây dựng lộ trình mở cửa du lịch tương ứng với mở đường bay thương mại quốc tế cũng như thống nhất chính sách đối với khách du lịch giữa ngành du lịch và ngành hàng không để tạo thuận lợi cho khách du lịch và doanh nghiệp. Sau hơn 1 năm mở lại đường bay quốc tế và mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch, hàng không đã góp phần hiệu quả thúc đẩy vận tải, giao thương, kết nối, hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng, năm 2022 chỉ đạt 3,5 triệu lượt, tương đương 70% so với kế hoạch đề ra. Vì vậy, để ngành du lịch đạt được mục tiêu phục vụ 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 thì vai trò phối hợp, hỗ trợ của hàng không là rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt mong muốn và đề nghị, hội thảo cần tập trung thảo luận xây dựng kế hoạch, định hướng của hàng không trong việc kết nối đường bay quốc tế, mở cửa bầu trời kịp thời đón bắt nhịp phục hồi của thị trường du lịch quốc tế; giải pháp liên kết, phối hợp giữa hàng không và du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam; đồng thời tìm giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đến Việt Nam; cải cách hành chính, cắt giảm quy trình thủ tục phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh phát triển.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề xuất các giải pháp như: mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam, nâng cao năng lực điều hành tại các cảng hàng không của Việt Nam; mở rộng, nâng cấp kết cấu hạ tầng ngành hàng không, xây dựng hệ sinh thái ngành hàng không - du lịch trên cơ sở cùng phát triển và kết nối với các ngành khác, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; phát triển đội ngũ nhân lực hàng không và du lịch; tăng cường áp dụng công nghệ mới, tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá...
Chung tay tìm giải pháp
Tại phiên thảo luận, các diễn giả, đại biểu cùng nhau làm rõ hơn thực tế thu hút khách quốc tế, giải pháp thu hút khách quốc tế ở các địa phương; xây dựng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong tình hình mới; xúc tiến du lịch tới các thị trường quốc tế trọng điểm và hợp tác để cùng nhau xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn với giá cả cạnh tranh... nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn’’, đưa ra các giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch ổn định, bền vững trong tương lai.
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm cũng nêu lên những quan điểm, các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, gia tăng lượng khách quốc tế và nâng mức chi tiêu của du khách khi tới Việt Nam; đồng thời đề xuất các chính sách phù hợp, cắt giảm những quy trình thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch. Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế vi phạm và xâm hại tài nguyên du lịch, làm ảnh hưởng đến vấn đề môi trường sinh thái, bảo đảm lợi ích lâu dài đối với cộng đồng, khách du lịch trong nước và quốc tế.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Cục Hàng không Việt Nam cần có cơ chế thông thoáng tạo điều kiện cho việc phát triển các đường bay mới; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành trong cả nước và các hãng hàng không nhằm phối hợp quảng bá, xúc tiến; nghiên cứu để có chính sách giá vé máy bay cho các công ty du lịch và khách du lịch một cách hợp lý.
Chủ tịch HĐTV Công ty lữ hành Saigontourist là ông Nguyễn Hữu Y Yên cho rằng: “Cần đưa ra quy hoạch tổng thể về du lịch tầm nhìn 2025 - 2030 với các chỉ tiêu lớn và cụ thể. Đặc biệt cần đưa mục tiêu tăng xếp hạng của điểm đến trên các bảng xếp hạng du lịch trong khu vực để phục vụ công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh hiệu quả và đồng bộ sản phẩm, trong đó quy hoạch nguồn nhân lực, tài chính và các công tác quảng bá sản phẩm”.
“Các công ty du lịch Việt Nam đang đóng vai trò trung gian, tổng hợp dịch vụ từ các ngành mà chưa có cơ chế và sự tham gia của cơ quan quản lý để liên kết các sản phẩm dịch vụ, tạo thành chuỗi sản phẩm với mức giá cạnh tranh nhằm kích cầu thị trường quốc tế. Đối với vấn đề này, Vietravel đang từng bước giải quyết với sự tham gia của Vietravel - Vietravel Airlines - VinaCapital (Dịch vụ - Vận chuyển - Lưu trú) để tạo thành chuỗi dịch vụ du lịch, nhưng mô hình này cần có cơ chế và sự tham gia của cơ quan quản lý, đặc biệt là tại địa phương, để thực sự tạo nên chiến dịch kích cầu nhằm thu hút khách quốc tế”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel Holdings nêu ý kiến.