Thị trường xuất khẩu gặp khó - Làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó

4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Kinh tế thế giới hồi phục chậm, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia khiến sức mua suy giảm đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn khi tình trạng thiếu đơn hàng tiếp diễn. Việc lựa chọn mở rộng thị trường mới hay nỗ lực giữ thị trường cũ là bước đi mang tính quyết định đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở thời điểm này.

4 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Không chỉ tôm, các mặt hàng khác như các loài cá biển, mực, bạch tuộc... cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu thủy sản từ các nước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm dẫn đến lượng và giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm theo. Dự báo, nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sẽ đối mặt nhiều khó khăn bởi đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều giảm mạnh.

4 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)Từ thực tế biến động thị trường, nhiều doanh nghiệp đã có điều chỉnh chiến lược xuất khẩu như tìm kiếm cơ hội ở thị trường mới hay nâng cao chất lượng sản phẩm... nhưng doanh nghiệp rất mong đợi các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là viêc triển khai cho vay với lãi suất ưu đãi cho bà con và doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề xuất: "Chúng tôi đề xuất xem chủ yếu là lãi suất cho vay ngoại tệ USD đối với doanh nghiệp xuất khẩu, vì doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vay USD là chủ yếu. Chúng tôi đề nghị giảm lãi suất cho vay này xuống dưới 3,5% như trước đây".

Với các ngành công nghiệp chủ lực, để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, cần tận dụng các cơ hội từ nguồn vốn đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, năng lượng để tạo thị trường cho một số ngành hàng như thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải, cơ khí xây lắp và chế tạo…

Đối với các ngành xuất khẩu chủ lực (như dệt may, da - giày, điện tử…) ông Nguyễn Ngọc Thành nhấn mạnh, cùng với tích cực tìm kiếm những cơ hội, đơn hàng mới doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn “xanh” của các thị trường xuất khẩu.

Theo ông Thành: "Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo với các doanh nghiệp, các đơn hàng dệt may, da giày đầu tiên là chất lượng, thứ hai là phải nhanh. Do vậy, hơn ai hết các doanh nghiệp phải tìm kiếm đầu tư một cách bài bản; công nghệ cũng như là về con người, phải rất bài bản thì mới đáp ứng được các yêu cầu mới đặt ra. Chúng tôi cũng tiếp tục theo dõi và cùng phối hợp với các doanh nghiệp, ngành hàng để cùng đưa ra giải pháp trong thời gian tới, thậm chí kiến nghị các chính sách liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay…".

Bộ Công Thương đang thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. (Ảnh minh họa)Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước phần nào phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, dự báo, tình hình xuất khẩu vẫn chịu nhiều tác động do ảnh hưởng bởi giá năng lượng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Bộ Công Thương đang tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị hỗ trợ các giải pháp về chính sách, nhất là vốn vay, giãn thuế, giãn nợ để doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: "Chắc chắn là tổng cầu thế giới còn giảm và sự cạnh tranh sẽ còn tăng lên. Hiện đã và đang khó nhưng tình hình sẽ còn khó hơn… Tôi nghĩ cần phải đặt ra tình huống xấu nhất để giải quyết. Trước hết là tập trung củng cố các hiệp hội, khắc phục tình trạng mạnh ai nấy chạy, việc ai nấy làm, vì vô hình chung lại làm khó cho nhau… Bên cạnh vừa chú trọng khai thác thị trường truyền thống, vừa phải quan tâm khai mở thị trường mới có tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa và thúc đẩy sản xuất trong nước".

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Trong đó, Bộ Công Thương thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Triển khai hoặc xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất quốc tế; tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống; đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới./.

Bá Toàn/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận