Liên kết điện ảnh và du lịch: Chủ động hợp tác 'tạo đà cất cánh'

Quảng bá du lịch qua điện ảnh là điều không mới đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Quảng bá du lịch qua điện ảnh là điều không mới đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, việc quảng bá du lịch thông qua các tác phẩm điện ảnh đã trải qua khá nhiều lần “mai mối” với những phim mang lại thành quả rõ rệt. Tuy nhiên, mối lương duyên này chưa đủ đậm đà như mong đợi.

Hiệu quả nhìn từ những phim ăn khách

Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh thực sự đã mang lại hiệu quả thiết thực về lợi nhuận cho cả hai lĩnh vực là điện ảnh và du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, giá trị văn hóa con người của nhiều đất nước.

Sự thành công của nhiều bộ phim ăn khách đã khiến những địa danh phim đề cập, phim trường nơi quay phim trở thành điểm đến du lịch thu hút du khách, mang lại lợi ích to lớn. Có thể kể đến trường hợp như hiệu ứng thu hút du khách đến với di sản thế giới Angkor Wat (Campuchia), phim trường chính của bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” do nữ diễn viên Angela Jolie thủ vai chính. Hay như quần đảo Koh Phi Phi (Phuket, Thái Lan) trở thành điểm đến có sức hấp dẫn du khách nhờ bộ phim “Nhiệm vụ bất khả thi”. Thành công nhất có thể phải nhắc đến loạt phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” của đạo diễn Peter Jackson đã đưa New Zealand trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới. Theo một khảo sát khách quốc tế vào năm 2013 của quốc gia này, 14% khách du lịch trả lời, phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” là một yếu tố khiến họ quyết định du lịch New Zealand.

Phim trường “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã đưa Phú Yên trở thành điểm đến “hot” của ngành du lịch.

Thành công nhất trong việc quảng bá du lịch thông qua các tác phẩm điện ảnh không thể không nhắc đến “xứ sở kim chi” với hàng loạt bộ phim truyền hình ăn khách như: “Nàng Dae Jang Geum”, “Khu vườn bí mật”, “Bản tình ca mùa Đông”  hay “Vườn sao băng” đã góp phần đưa đảo Jeju, đảo Nami, công viên Lotte World, bến phà Abai… trở thành sự lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến du lịch Hàn Quốc. Điển hình là thành công của phim “Bản tình ca mùa Đông” đã mang lại cho Hàn Quốc 3.000 tỷ won, trong đó có 840 tỷ won từ du lịch, 20 tỷ won từ phát hành sách ảnh của Bae Yong Joon (nam diễn viên chính) và 10 tỷ won từ các cuốn lịch có hình ảnh nam diễn viên này. Từ sau hiệu ứng từ “Bản tình ca mùa Đông”, chính phủ Hàn Quốc đã xác định điện ảnh, truyền hình sẽ là ngành công nghiệp để phát triển kinh tế du lịch.

Trưởng đại diện Văn phòng Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kang Sung Ghil cho biết, sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch được ngành chức năng nước này rất coi trọng. Những bộ phim truyền hình xuất khẩu ra nước ngoài đã giúp du khách trên thế giới biết đến Hàn Quốc nhiều hơn.

“Đảo đầu lâu” là một phim của điện ảnh Hollywood mang lại hiệu quả rõ ràng nhất đối với quảng bá du lịch sau khi ra mắt khán giả.

Tại Việt Nam, quảng bá điểm đến du lịch thông qua điện ảnh đã đem lại hiệu quả bất ngờ và mạnh mẽ. Từ cách đây hàng thập kỷ, nhiều bộ phim nước ngoài đã được quay tại Việt Nam, gây sửng sốt với khán giả trên thế giới, bởi hình ảnh đất nước con người Việt Nam được thể hiện tuyệt đẹp trên phim. Có thể kể đến các tác phẩm điện ảnh như “Người tình” (L’Amant, 1991), “Đông Dương” (Indochine, 1992) của điện ảnh Pháp; “Người Mỹ trầm lặng” (The Quiet American, 2002)… Trong đó, phim “Kong: Đảo đầu lâu” là một phim “bom tấn” của điện ảnh Hollywood mang lại hiệu quả rõ ràng nhất đối với quảng bá du lịch sau khi ra mắt khán giả. Một loạt địa danh là bối cảnh phim đã trở thành điểm đến “hot” thu hút du khách như Quần thể Di sản thế giới Tràng An - Vân Long - Tam Cốc (Ninh Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).

Mới đây nhất, Netflix (một dịch vụ truyền hình, phim trực tuyến trên thiết bị có kết nối internet) đã phát sóng bộ phim “Hành trình tình yêu” (A tourist’s guide to love). Đây là dự án phim quốc tế đầu tiên được quay tại Việt Nam từ sau dịch Covid-19 và là bộ phim Mỹ đầu tiên quay hoàn toàn tại Việt Nam với bối cảnh thực, không sử dụng kỹ xảo, trường quay. Trong phim, nhiều danh lam thắng cảnh, địa điểm quen thuộc với khách du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Hà Nội, Hà Giang... đã hiện lên một cách sống động và đầy chất thơ. Bộ phim đã lọt top phim ăn khách trên Netflix ngay sau 4 ngày đầu công chiếu.

Phim “Hành trình tình yêu” được quay tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Bên cạnh các phim nước ngoài lấy bối cảnh tại Việt Nam, nhiều phim trong nước cũng có những dấu ấn mạnh mẽ trong việc quang bá du lịch, giới thiệu điểm đến. Có thể kể đến các phim: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mà phim trường của bộ phim tại Phú Yên đã trở thành một điểm đến “hot” của nhiều du khách, góp phần đưa du lịch Phú Yên tăng trưởng 30% so với năm trước đó.

Mặc dù đã qua gần 20 năm kể từ khi công chiếu, nhưng cho đến nay, phim trường “Chuyện của Pao” tại thôn Lũng Cẩm, xã Sũng Là, huyện Đồng Văn, vẫn là điểm đến mà bất cứ du khách nào cũng ghé thăm khi đến với cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.

Chủ động hợp tác để phát triển

Một sự thật là Việt Nam đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua các tác phẩm điện ảnh trong những năm qua. Còn nhớ, vào năm 1995, chúng ta đã bỏ lỡ siêu phẩm điện ảnh “Bond 18 - Tomorrow Never Dies” vào tay người Thái khi đã gần như nắm chắc phương án quay tại Việt Nam. Không những thế, một số phim ăn khách có nội dung cốt truyện về Việt Nam nhưng lại chọn phim trường tại Philippines như “Platoon” (1986), “Apocalypse Now” (1979) và tại Thái Lan như phim “Heaven & Earth” (1993) cùng của đạo diễn Oliver Stone (đạo diễn phim “Sinh ngày 4 tháng 7” với 2 giải Oscar).

Bên cạnh việc bỏ lỡ nhiều cơ hội trong những năm qua, ở Việt Nam, những thước phim đẹp về các vùng miền xuất hiện trong phim phần lớn là bối cảnh đơn thuần, làm nền cho nội dung mà chưa được chủ động đưa vào phim với mục đích quảng bá du lịch. Hơn nữa, sau khi bộ phim thành công, cả chính quyền địa phương và ngành du lịch đều chưa có giải pháp để khai thác, phát huy và duy trì hiệu quả quảng bá của bối cảnh đó. Từ đó có thể thấy, một chiến lược phối hợp phát triển giữa hai ngành điện ảnh và du lịch với cơ chế, chính sách rõ ràng là cần thiết.

Chúng ta cần giới thiệu rõ ràng về cảnh đẹp, cơ sở vật chất; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khi họ đến làm phim ở Việt Nam

Mới đây, sau khi Netflix phát sóng bộ phim “Hành trình tình yêu” (A tourist’s guide to love) hồi tháng 4 vừa qua, nhận thức được tầm quan trọng của điện ảnh trong quảng bá hình ảnh đất nước, cũng như việc cần có chính sách phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển điện ảnh quốc gia. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động xúc tiến “mối duyên” giữa hai lĩnh vực này tại Diễn đàn liên kết phát triển thương hiệu du lịch và điện ảnh Việt Nam năm 2023 có chủ đề “Du lịch và Điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh” với nhiều nội dung thiết thực.

Tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, bà Hoàng Thị Điệp cho rằng, để mỗi khán giả điện ảnh trở thành một du khách thì ngành du lịch và điện ảnh cần ngồi lại với nhau, từ khi xây dựng đề án làm phim, xây dựng kịch bản, chọn cảnh quay cho đến khi chọn góc máy, hướng tới mục đích giới thiệu được bối cảnh đẹp nhất, qua đó phản ánh giá trị di sản văn hóa, thắng cảnh, sinh hoạt văn hóa, nền nghệ thuật dân tộc...

Bà Phan Cẩm Tú, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ cho rằng: “Cảnh đẹp ở Việt Nam có rất nhiều, và con người cũng đầy tài năng. Tuy nhiên, chúng ta thiếu những lời mời cụ thể đối với các nhà làm phim nước ngoài. Chúng ta cần giới thiệu rõ ràng về cảnh đẹp, cơ sở vật chất; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khi họ đến làm phim ở Việt Nam… Có thể đưa lên website những lời mời, những thông tin cụ thể để các nhà làm phim tiếp cận, tìm hiểu dễ dàng hơn”.

Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nêu quan điểm, trong thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống chính sách thiết thực và có khả năng thực thi để xây dựng môi trường làm phim thu hút các nhà đầu tư, nhà sản xuất đến Việt Nam; hỗ trợ các tài năng, đầu tư xây dựng và sản xuất thành công các dự án phim có chất lượng tốt, mang bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo… Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận