Nâng thời hạn thị thực điện tử: Mở rộng cánh cửa để thu hút khách quốc tế

Thị thực nhập cảnh là một trong những chính sách của Chính phủ có tác động lớn nhất đến lượng khách quốc tế.

 

Khi áp dụng thị thực điện tử có giá trị nhập cảnh nhiều lần, khách du lịch sẽ chủ động thời gian, lịch trình tham quan nghỉ dưỡng; đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút du khách so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Trước thông tin tới đây, du khách khi nhập cảnh Việt Nam sẽ được nâng thời hạn thị thực điện tử, chị Alla - du khách Anh cho rằng đây là cơ hội được ở lại Việt Nam lâu hơn, có thời gian đi du lịch, khám phá nhiều vùng đất mới: "Tôi cảm thấy việc chính phủ Việt Nam gia hạn thêm visa là điều rất có lợi cho du lịch Việt Nam, cũng tạo điều kiện cho du khách. Tôi rất muốn dành nhiều thời gian hơn ở Việt Nam và tôi cảm thấy vài tuần là không đủ để du lịch tại tất cả các điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam".

Thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày cũng là tin vui với anh Martin - du khách người Ireland cùng những người bạn khi tới du lịch tại Việt Nam: "Chắc chắn việc gia hạn thêm visa rất tốt đối với du khách, bởi 30 ngày chắc chắn là không đủ để chúng tôi có thể đi du lịch tại đất nước xinh đẹp này. Đây là một tin rất là tốt đối với chúng tôi nói riêng và với rất nhiều du khách đã, đang và sẽ muốn đến Việt Nam trong thời gian tới".

Du khách tham quan phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.Chính sách thị thực nhiều rào cản chính là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam không đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022. Hiện tại, tỷ lệ du lịch quốc tế phục hồi chỉ bằng 23% năm 2019. Theo báo cáo triển vọng du lịch Việt Nam năm 2023, tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ phục hồi trung bình của thế giới là 55%. Vì thế, việc Quốc hội thông qua chính sách thị thực mới và có hiệu lực ngay từ tháng 8 tới đây sẽ tạo thuận lợi cho cả du khách và doanh nghiệp lữ hành, tăng tính cạnh tranh cho du lịch Việt Nam và góp phần thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ hơn trong tình hình mới.

Trước đây, việc có ít thời gian ở Việt Nam khiến cho khách quốc tế bị giới hạn trong một vài tuyến du lịch phổ biến và cũng khó có thể chi tiêu nhiều hơn. Sau đại dịch Covid-19, xu hướng đi du lịch của du khách có nhiều thay đổi, từ việc lập kế hoạch, lựa chọn và tổ chức chuyến đi. Thay vì những chuyến đi du lịch ngắn ngày, du khách có xu hướng đi những chuyến du lịch dài ngày hơn. Thời hạn thị thực dài hơn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thiết kế được những sản phẩm cho dòng khách chi trả cao, với thời gian lưu trú dài ngày.

Ông Phạm Anh Vũ - Giám đốc truyền thông Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt cho biết: "Về phía góc độ công ty lữ hành, chúng tôi thấy chính sách sẽ có tác động tích cực. Việc nâng thời hạn thị thực tại Việt Nam là một điều kiện rất cạnh tranh trong bối cảnh du lịch hiện tại, giúp du khách khi lựa chọn điểm đến ở Việt Nam thì sẽ có nhiều thời gian để tham gia các chương trình du lịch, không chỉ ở Việt Nam cũng như các nước lân cận".  

Để thu hút khách quốc tế cần rất nhiều yếu tố nhưng chính sách visa là một phần quan trọng tạo nên sức hút của điểm đến. Bên cạnh chính sách visa, Việt Nam cũng cần quan tâm đến nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mở các đường bay thẳng để tạo thuận lợi trong việc đón khách quốc tế, xúc tiến du lịch hiệu quả đến những thị trường mục tiêu. Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: "Mở cửa như thế này là rất vừa phải. Chúng ta chuẩn bị các điều kiện để khai thác tốt nhất những cái đã có. Phải quảng bá nhiều hơn nữa và tất cả những thông tin này phải lan tỏa ra toàn thế giới".

Thị thực nhập cảnh là một trong những chính sách của Chính phủ có tác động lớn nhất đến lượng khách quốc tế. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng lượng khách quốc tế, các chính sách cần hỗ trợ để doanh nghiệp tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới và tăng cường liên kết vùng. Đồng thời, công tác quản lý điểm đến cần được nâng cao để giúp phát triển du lịch bền vững, phù hợp với xu thế hiện đại.

Huyền Trang/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận