Ngành du lịch liên tục đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Những con số thống kê trong tháng 7 vừa qua khiến nhiều chuyên gia dự báo du lịch sẽ sớm hoàn thành mục tiêu năm 2023. Tuy nhiên, du lịch hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Thiếu và yếu
Từ trước đến nay, kể cả khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, nhân lực du lịch Việt Nam luôn luôn bị đánh giá còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đặc biệt nhân lực bị hạn chế về kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ. Sau đại dịch, mặc dù đang trên đà phục hồi và phát triển, thế nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực càng nghiêm trọng và trở thành rào cản trên chặng đường khôi phục tiếp theo, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cần thu hút, nâng cao chất lượng dịch vụ để đón cơ hội phục hồi mạnh mẽ.
Đại dịch Covid-19 khiến 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, 35% doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép kinh doanh, 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, công suất phòng trung bình năm của toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt 5%, hàng triệu lao động du lịch bị mất việc làm. Điều này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc phục hồi nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng nhu cầu thực tế khi khách du lịch tăng trở lại.
Khi đại dịch không còn là “bóng ma” đe dọa sự phát triển trở lại của du lịch thì xuất hiện nhiều thay đổi về xu hướng, cách thức đi du lịch của du khách, dẫn đến những thay đổi về thị trường và dịch vụ du lịch. Những thay đổi này khiến số lượng lao động trong ngành du lịch vừa thiếu thốn sau dịch vừa gặp nhiều khó khăn về chuyên môn để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Thông tin từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, mỗi năm du lịch cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Trong khi đó, hằng năm các trường du lịch chỉ đào tạo được khoảng 20.000 sinh viên. Tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch, gần một nửa không biết ngoại ngữ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn còn thấp, cụ thể năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/10 Nhật Bản và 1/5 Malaysia. Cùng với đó là nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như: Thái Lan, Philippines và Malaysia…
Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết: “Trước khi dịch bùng phát, năm 2019, du lịch Quảng Ninh có 100.000 lao động. Đến năm 2022, lao động trực tiếp chỉ khoảng 20.000 người. Năm 2023, khi du lịch đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng, nguồn nhân lực du lịch đã gia tăng trở lại, tuy nhiên số lượng lao động trực tiếp chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2019. Về chất lượng, số lượng lao động chất lượng cao và được đào tạo đúng chuyên ngành chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 22%), số lao động được đào tạo ở chuyên ngành khác và chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao hơn (khoảng 46%), còn lại khoảng 32% số lao động chưa xác định được trình độ.
“Lỗ hổng” nhân lực quản lý
Có thể nhận định rằng, ngành du lịch Việt Nam đang phải giải quyết bài toán về nhân lực du lịch trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 với nhiều thách thức, yêu cầu phục hồi và phát triển nguồn nhân lực cả về chất lượng, số lượng, tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn, kỹ năng đáp ứng tốt nhu cầu tăng trưởng ngày càng nhanh của ngành.
PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng, Trưởng khoa Du lịch - Khách sạn, Trường Đại học Thương mại Hà Nội, cho biết: “Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mỗi năm ngành cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng lượng sinh viên, học viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 20.000 người/năm. Trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Tuy nhiên, hiện nay chưa có dự báo cụ thể về nhu cầu nhân lực cho từng ngành, nghề ở các trình độ khác nhau để chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức đào tạo nhân lực theo nhu cầu tại các cơ sở giáo dục nói chung và các trường trung cấp, cao đẳng nói riêng”.
Bà Vũ Thị Mai Oanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái cho biết, Yên Bái sẵn sàng bố trí kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngắn hạn của mình. Tuy nhiên, có một thực trạng là khoảng cách giữa người đào tạo và người cần đào tạo là quá xa. “Địa phương cũng có “lỗ hổng” rất lớn về nguồn nhân lực khi 100% nhân sự đang tham mưu lĩnh vực du lịch ở các huyện không người nào có chuyên môn. Vì thế, chúng tôi cần thay đổi nhận thức về phát triển du lịch ở địa phương cho tất cả các cấp, ngành và người dân; khoanh vùng tài nguyên du lịch; quy hoạch du lịch và chuyên nghiệp hoá nhân sự du lịch”, bà Mai Oanh cho biết thêm.
Các chuyên gia cho rằng, địa phương cần chủ động tìm kiếm giải pháp tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao năng lực nhân lực du lịch; liên kết, hợp tác trong đào tạo nhân lực du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phục hồi, phát triển nhân lực du lịch. Cơ quan chức năng cần xây dựng những chính sách ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để phát triển nguồn nhân lực du lịch và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch chủ động đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hoạt động của chính doanh nghiệp.
“Việt Nam rất thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành du lịch. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp, vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong nước, càng khó để cạnh tranh với nguồn nhân lực du lịch nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam”.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa
|
Thay đổi cách đào tạo đáp ứng nhu cầu mới
Ông Vũ An Dân, Khoa Du lịch, Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường cũng đồng nghĩa với việc phát triển thêm các sản phẩm mới. Từ đó xuất hiện thêm các kỹ năng, kiến thức mới, các công việc hay phần việc mới. Điều này đặt ra yêu cầu triển khai đào tạo để trang bị các kỹ năng và kiến thức mới cho nhân lực du lịch.
“Tất cả những yếu tố mới này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải xác định xem sẽ đào tạo gì và đào tạo như thế nào để đội ngũ lao động du lịch bắt kịp xu hướng, duy trì được vị thế của mình trong ngành và cũng để chuẩn bị cho việc mở rộng thị trường”, ông Vũ An Dân nhấn mạnh.
Mở rộng thị trường có thể bao hàm việc mở rộng thị trường địa lý mới hoặc hướng tới các nhóm khách hàng mới với các nhu cầu mới trong các thị trường địa lý hiện tại. Với mỗi thị trường các yêu cầu về trang bị các kỹ năng kiến thức cho hướng dẫn viên cũng sẽ khác nhau.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, vấn đề lớn đối với du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện tại là sự thiếu hụt không chỉ đội ngũ hướng dẫn viên mà là đội ngũ đào tạo viên, giảng viên đào tạo về nghiệp vụ hướng dẫn. Do sự thiếu hụt này nếu triển khai theo cách truyền thống với việc sử dụng con người sẽ khó đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Do vậy, cần phải kết hợp công nghệ trong công tác đào tạo./.