Để du lịch đêm thành sản phẩm chủ đạo

Đề án phát triển một số sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng trên cả nước đang 'làm nóng' trở lại việc phát triển sản phẩm đêm của ngành du lịch ...

 

Đề án phát triển một số sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng trên cả nước đang “làm nóng” trở lại việc phát triển sản phẩm đêm của ngành du lịch nhằm góp phần phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam. Song nhiều người lo ngại sản phẩm giữa các địa phương dễ rơi vào cảnh na ná, đơn điệu, kém hiệu quả.

Xúc tiến nhiều mô hình thí điểm

Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu xác định quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó, Bộ cũng ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế.

Các sản phẩm du lịch đêm cần đa dạng để thu hút khách du lịch.

Theo đề án, mục tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 1 mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 tỉnh, thành phố. Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt; đến năm 2030 mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại 9 tỉnh, thành phố; phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel khẳng định, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm mới đáng kể, chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong chuyến đi của du khách. Nhưng chúng ta lại thiếu các hoạt động, sản phẩm về đêm. Đó cũng là lý do khách đến Việt Nam chi tiêu vẫn còn rất ít.

Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mức chi tiêu của du khách khi đến Việt Nam sau 10 năm (giai đoạn trước Covid-19) chỉ tăng lên 1,2 lần. Theo đó, năm 2009 mức chi tiêu trung bình của du khách nước ngoài khi lưu trú ở Việt Nam là 1.000 USD/khách, đến năm 2019, con số này chỉ nhích lên 1.200 USD/khách.

Từ ngày 15/8, cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 14/8 về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.

Tránh đơn điệu phát triển du lịch đêm

Thực tế, nhiều địa phương đã rất tích cực trong việc xây dựng các giải pháp phát triển kinh tế đêm, trong đó tập trung nhiều vào phát triển du lịch.

Tại Đà Nẵng có nhiều hoạt động như khai thác bãi biển đêm Mỹ An, phố đi bộ An Thượng, bổ sung ngày phun nước/lửa cho cầu Rồng, tổ chức các hoạt động tại chợ đêm Helio, chợ đêm Sơn Trà… Thành phố Hà Nội rất tích cực trong việc phát triển các sản phẩm du lịch đêm, ngoài điểm nhấn “phố tây Tạ Hiện”, thời gian qua Hà Nội đã rất thành công với các tour đêm tại di tích nhà tù Hỏa Lò, tour đêm Hoàng thành Thăng Long, tour du lịch văn học tại Bảo tàng Văn học Việt Nam... TP.HCM đang nỗ lực khẳng định thương hiệu “thành phố không ngủ” với những điểm đến quen thuộc như phố Bùi Viện, Nguyễn Huệ, chợ đêm Bến Thành… cùng hàng loạt dự án chợ đêm, phố đi bộ.

Việc các địa phương quan tâm phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm là tín hiệu rất tích cực.

“Việc các địa phương quan tâm phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm là tín hiệu rất tích cực. Song phải nhìn nhận một thực tế, các sản phẩm đêm của nhiều địa phương hiện đang dùng chung một mô hình phát triển, đó là phố đi bộ và phố ẩm thực, chợ đêm hoặc một số hoạt động văn hóa, giải trí, nên khó kéo dài đến nửa đêm chứ đừng nói tới sáng”, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Điều hành The Outbox Company nhận định.

Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp du lịch bày tỏ lo ngại trước sự vào cuộc theo phong trào của các địa phương. Thực tế đã chứng minh, chính vì phát triển theo “mẫu số chung”, na ná nhau nên một số phố đi bộ, phố ẩm thực của một vài địa phương đã nhanh chóng “chết yểu”. Do đó, mỗi địa phương cần sáng tạo sản phẩm, dịch vụ dựa vào nguồn lực và thế mạnh của mình.

Phát triển sản phẩm du lịch đêm, kinh tế đêm còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách đặc thù bởi tính nhạy cảm của nó. Những con số khổng lồ đầy hấp dẫn kinh tế đêm mang về cho các nước trong khu vực và trên thế giới là động lực lớn để Việt Nam triển khai mô hình này.

Từ ngày 15/8, nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh

Cũng trong ngày 14/8, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân 13 nước, gồm: Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Pháp, Cộng hoà Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thuỵ Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hoà Phần Lan và Cộng hoà Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận