Tinh bột chuối chín Hợp tác xã Bản Tuỳ - thương hiệu đón đầu xu hướng

Với khát khao nâng cao giá trị và đưa sản phẩm chuối vươn tầm quốc gia, ông Trần Bảo Cường, thành viên Hợp tác xã (HTX) Bản Tuỳ, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường, TP Hà Giang, đã dày công nghiên cứu và sản xuất thành công tinh bột chuối, ngay tại vùng trồng, được người tiêu dùng đánh giá cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 

Tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu sạch

Ông Trần Bảo Cường bén duyên với cây chuối từ năm 2017. Sinh sống tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, cách cửa khẩu Thanh Thuỷ chừng 20 km, ông Cường nhận thấy tiềm năng xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc. Nhưng sản phẩm chuối xuất khẩu phần lớn được đem lên từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Tuyên Quang. Ở Hà Giang, thậm chí những ngày lễ Tết người dân vẫn phải mua chuối từ các tỉnh khác mang lên bán để thắp hương. Trong khi, qua tìm hiểu ông Cường biết được, cây chuối phù hợp với thổ nhưỡng nơi ông đang sinh sống.

Trăn trở với việc tại sao nơi khác làm được mà Hà Giang có lợi thế về giao thương cũng như điều kiện tự nhiên lại không tận dụng cơ hội, ông bắt tay vào xây dựng mô hình trồng chuối. Ông chọn giống chuối tiêu hồng để trồng bởi mẫu mã đẹp, khi chín không bị mềm nhũn, rất phù hợp xuất khẩu. Trồng thử nghiệm trên 3.000m2 đạt hiệu quả, ông bắt đầu mở rộng mô hình vận động bà con cho thuê đất, tạo công ăn việc làm cho bà con và thành lập HTX Bản Tuỳ. Hiện diện tích chuối tiêu hồng của HTX khoảng 10ha, tập trung ở 2 thôn Lùng Càng và Lùng Pục, xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên, với trên 10.200 gốc chuối.

HTX Bản Tuỳ trồng chuối theo hướng an toàn, ưu tiên sử dụng các sản phẩm hữu cơÔng Cường cho biết: “Toàn bộ quy trình kỹ thuật được HTX thực hiện theo hướng an toàn, ưu tiên sử dụng các sản phẩm hữu cơ và đảm bảo theo tiêu chuẩn Global GAP. Để cho ra những buồng chuối mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, nâng cao giá trị xuất khẩu chúng tôi tuân thủ và kiểm soát rất kỹ từ khi chuối ra hoa. Buồng chuối được bọc rất kỹ bởi hai lớp nilon vừa bảo vệ quả chuối khỏi sâu bệnh, đảm bảo an toàn sản phẩm, vừa đem lại năng suất cao”.

Nhờ đó, chuối tiêu hồng của HTX Bản Tùy được thị trường trong nước và xuất khẩu tin tưởng, đón nhận, giúp đem lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Nhưng cũng như rất nhiều nông sản khác của Việt Nam, chuối Bản Tuỳ không tránh khỏi rủi ro, không chủ động được giá cả, cũng như thị trường tiêu thụ. Những năm Covid-19, xuất khẩu giảm, giá bị ép xuống thấp, sản lượng dư thừa nhiều.

Ông Trần Bảo Cường đã chọn tinh bột chuối là sản phẩm chủ lực của HTX.Những thách thức đó đã thôi thúc ông Cường tìm hướng đi bền vững cho sản phẩm. Đúng dịp tỉnh Hà Giang có chủ trương thành lập dự án nghiên cứu chế biến sâu để giảm bớt gánh nặng cho bà con trồng chuối trên toàn tỉnh với tổng diện tích lên tới cho 150ha. Bằng những ý tưởng manh nha của mình, HTX Bản Tuỳ đã được lựa chọn để thực hiện dự án: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình bảo quản, chế biến sản phẩm từ chuối tại tỉnh Hà Giang”.

Xây dựng thương hiệu từ kênh bán hàng trực tiếp

Sau gần 2 năm triển khai Dự án đã đạt được kết quả đáng ghi nhận như: tiếp nhận và làm chủ 03 quy trình bảo quản, chế biến một số sản phẩm từ chuối tiêu (Bột chuối, mứt chuối, thân cây chuối làm khay, cốc, đĩa thay thế nguyên liệu bằng nhựa); ứng dụng KHCN xây dựng mô hình chế biến 03 sản phẩm từ chuối (Bột chuối, mứt chuối, vật dụng từ thân cây chuối); xây dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm; đào tạo 07 cán bộ kỹ thuật sản xuất tại HTX, 08 người tại các mô hình sản xuất, cán bộ kỹ thuật cùng người dân được tập huấn đều nắm vững và làm chủ được quy trình kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn Global GAP, sản xuất các sản phẩm từ quả chuối, thân cây chuối...

Khách hàng được thưởng thức sản phẩm ngay tại gian hàng.

Bảo vệ thành công dự án với rất nhiều sản phẩm chế biến, gia công từ cây chuối, nhưng ông Cường đã lựa chọn tinh bột chuối chín làm sản phẩm chủ lực đưa ra thị trường. Ông Cường lý giải: “Nghiên cứu thị trường tôi thấy bột chuối xanh nhiều cơ sở sản xuất nhưng tiêu thụ kém hiệu quả. Hơn nữa quả chuối từ xưa đến nay hấp dẫn người tiêu dùng không chỉ bởi dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe mà còn bởi hương vị. Chính vì thế tôi đã mạnh dạn dầu tư hơn 1 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị máy móc để sản xuất chuối chín với mong muốn tạo ra sự khác biệt và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.

Sản phẩm tinh bột chuối chín của HTX Bản Tuỳ có thành phần sản xuất từ 70% chuối chín, 30% chuối xanh, giàu chất xơ, vị ngọt vừa phải, hương thơm lôi cuốn, được nhiều người ưa thích. Quy trình sản xuất sản phẩm công phu và tỉ mỉ. Chuối được chọn làm tinh bột có độ chín vào khoảng 90%. Sản xuất trải qua các bước: Trước khi cho vào thái, chuối được ngâm nước đá cho đỡ ôxy hoá. Sau khi thái cho vào máy sấy lạnh khoảng 10 tiếng, sau đó cho vào máy sấy nóng khoảng 15 tiếng. Tiếp theo chuối được cho vào máy phá tạp chất kết dính. Phá xong, chuối lại được sấy lạnh. Và cuối cùng cho vào máy nghiền thành bột.

Theo ông Cường để có được 1kg tinh bột chuối cần 15kg chuối tươi. Hiện sản phẩm được bán với giá 400.000 đồng/kg. Vì là sản phẩm mới chưa có nhiều trên thị trường nên ông Cường chọn cách bán hàng là trao tận tay người tiêu dùng. Ông bày bán sản phẩm tại gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm HTX tại TP Hà Giang, phố đi bộ Hà Giang và các hội chợ ở nhiều tỉnh. Khách đến mua hàng sẽ được trực tiếp hướng dẫn cách pha, và thưởng thức sản phẩm. Đây cũng là cách để ông lắng nghe phản hồi khách hàng để có một sản phẩm hoàn hảo nhất ra thị trường.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Cường muốn mở rộng vùng trồng, để tăng sản lượng chế biến. Cùng với đó, ông sẽ quy chuẩn xưởng sản xuất theo hướng hiện đại, khép kín, an toàn. Ông mong muốn tỉnh Hà Giang tiếp tục hỗ trợ để HTX có thể cho ra những sản phẩm phù hợp, đa dạng và tinh tế hơn.

“Ngành thực phẩm rất nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng nên chúng tôi luôn luôn đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Sản phẩm của chúng tôi trước khi đến tay ngườ tiêu dùng được kiểm tra kỹ lưỡng và tinh bột chuối được xử lý trong nhiệt độ 80 – 100 độ trước khi tiến hành đóng hộp”.                                                                                                                                                                                                     

                                                                                                                                                                                                                  Ông Trần Bảo Cường 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận