Cơ quan quản lý và chủ sàn thương mại điện tử phải kiểm soát được chất lượng

Việc kiểm soát, quản lý các kênh như nào để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, nhà sản xuất và để thương mại điện tử phát triển nhanh, hiệu quả...

 

Hiện nay, thương mại điện tử phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng 2 con số. TP.HCM là nơi phát triển sôi động nhất cả nước với gần 20.500 website thương mại điện tử bán hàng, hơn 570 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử...

Vấn đề đặt ra là việc kiểm soát và quản lý các kênh này như thế nào để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và để thương mại điện tử phát triển nhanh, hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh.

Giá chênh lệch, người mua hoang mang

Thương mại điện tử hiện đã trờ thành kênh mua sắm của nhiều người dân ở TP.HCM. Điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất là hàng hóa mua qua mạng được đảm bảo đúng chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ… Thực tế, đã có không ít người mua hàng trên một số sàn, nền tảng số nhưng khi nhận thì hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không phải hàng chính hãng.

Khi xảy ra trường hợp mua hàng không đúng chất lượng, thậm chí hàng nhái, hàng giả…thì người mua cũng ngại khiếu nại, vì mất rất nhiều thời gian, lòng vòng và chưa chắc được giải quyết thỏa đáng. Thậm chí, có trường hợp sàn giao dịch đẩy hết trách nhiệm cho người bán hàng.

Các mặt hàng được bán trên các sàn thương mại điện tử. (Ảnh: Lệ Hằng)

Thêm vào đó, giá bán hàng trên các sàn thương mại, nền tảng mua bán trực tuyến chênh lệch nhau lớn khiến người tiên dùng không khỏi băn khoăn.

Ví dụ, tìm mua một chiếc tai nghe không dây, cùng một mẫu mã- thương hiệu- thông số kỹ thuật, có nơi bán 3 triệu đồng/chiếc, có chỗ chỉ 300.000 đồng/chiếc.

Tuyết Mai, sinh viên ở TP.HCM thường mua hàng trên mạng chia sẻ: “Trước đây, tôi có mua 1 headphone không dây của chính hãng với giá hơn 1 triệu, còn bạn tôi đã mua headphone ở 1 sàn thương mại điện tử chỉ có 200- 300.000 đồng, cùng thương hiệu. Sau khi bạn mình dùng nó khoảng 2 tuần thì đã bị hư nhưng không khiếu nại được, trong khi tai phone của tôi dùng đến giờ hơn 1 năm vẫn dùng được”.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Không chỉ hàng điện tử mà nhiều mặt hàng tiêu dùng khác như: điện thoại, mắt kính, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm…cũng có trường hợp người mua hàng qua sàn hoặc các nền tảng số nhận hàng không đảm bảo nguồn gốc, chất lượng. 

Vừa qua, tại buổi đối thoại của chính quyền TP.HCM về thương mại điện tử, doanh nghiệp cũng nêu vấn đề hàng hóa bán hàng trên sàn không đúng nguồn gốc, chất lượng và có hàng nhái…Điều này gây thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng, nhà sản xuất và ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh của thương mại điện tử.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Việt - Phó Trưởng Phòng nghiệp vụ - Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, đơn vị này cũng đã có nhiều chương trình ký kết, phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường quản lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên các kênh thương mại điện tử. Đồng thời, Cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra các kho hàng lớn ở Thành phố và yêu cầu các sàn phối hợp chặt chẽ khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để kiểm tra, xử lý.

Thương mại điện tử đang là kênh mua sắm được nhiều người dân TP.HCM lựa chọn vì tiện lợi. (Ảnh: Lệ Hằng)Tuy nhiên, hiện nay công tác này cũng gặp cũng không ít khó khăn vì có sàn cung cấp thông tin người bán hàng rất sơ sài.

“Khi thông tin của người bán rất sơ sài thì cơ quan chức năng phải thẩm tra, xác minh. Khi chúng tôi thẩm định thì thường cá nhân đó họ nói không phải của họ, cái này là do giấy chứng minh nhân dân của họ mất và bị lấy cắp để đăng ký kinh doanh. Những cá nhân thường ở vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên hay ở một số tỉnh miền Tây nên có khi chúng tôi đi vào ngõ cụt” - ông Nguyễn Xuân Việt nói.

Chủ sàn phải chịu trách nhiệm với hàng hóa

Theo ông Nguyễn Quách Nhi- Giám đốc Ngành hàng thực phẩm- Sàn thương mại điện tử Tiki thì hiện nay, khung pháp lý của Nhà nước cũng khá đầy đủ để quản lý, kiểm soát việc đảm bảo nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, do nguồn lực của cơ quan chức năng có hạn nên có khi việc kiểm soát, quản lý và xử lý còn hạn chế. Vì vậy, để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên sàn, gốc của vấn đề là cần tăng cường trách nhiệm của các sàn.

Trách nhiệm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc hàng hóa bán trên sàn, đầu tiên phải thuộc về sàn. Chính sàn phải kiểm tra để đảm bảo hàng bán của nhà bán trên kênh của mình phải là hàng chính hãng, đúng nguồn gốc.

Ông Nguyễn Quách Nhi cho biết, ở Tiki yêu cầu nhà bán hàng phải cung cấp các chứng từ chứng minh hàng chính hãng, nguồn gốc hàng hoá, hợp đồng phân phối chính thức với hãng, hoá đơn nhập hàng... Tiki chỉ cho doanh nghiêp, hộ kinh doanh đăng ký bán hàng, không cho cá nhân bán hàng trên Tiki.

“Khi sàn đã công nhận một nhà bán là 'Official' hoặc 'Mall', là chỉ dấu cho người dùng rằng Sàn đã thực hiện thủ tục kiểm tra và công nhận nhà bán đó bán hàng chính hãng, chất lượng. Thì khi đó, Sàn phải có trách nhiệm với cam kết và thông điệp đó với người tiêu dùng. Cơ quan quản lý nhà nước nên có một vài đợt chấn chỉnh, chọn những trường hợp gây dư luận xấu xử lý để làm gương, tuyên truyền cho người tiêu dùng” - ông Nguyễn Quách Nhi nói.

Thương mại điện tử là xu hướng phát triển tất yếu, tháng 6/2023, TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 2450 về Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn đến năm 2050. Hiện nay, ở TP.HCM thương mại điện tử còn dư địa rất lớn để phát triển.

Tuy nhiên, để kênh này cạnh tranh lành mạnh, phát triển nhanh, hiệu quả hơn nữa thì chính các sàn thương mại phải nêu cao trách nhiệm của mình. Còn cơ quan chức năng thì cần tăng cường nguồn lực quản lý để đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, người mua hàng ưu tiên chọn mua hàng từ những sàn và nhà bán chính hãng, uy tín để tránh rủi ro cho mình.

Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận