Cơ quan nào bảo vệ người tiêu dùng?

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 sẽ bảo đảm ngày càng tốt cả sức khỏe và tính mạng, đặc biệt với người tiêu dùng dễ bị tổn thương...

 

Người tiêu dùng Việt Nam được bảo vệ dưới 2 góc độ: bảo vệ trực tiếp bằng các quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ gián tiếp thông qua các quy định của pháp luật cạnh tranh.

Quản lý chặt bán hàng qua mạng

Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện có nhiều quảng cáo hàng hóa của người nổi tiếng sai sự thật, sàn thương mại điện tử tràn ngập hàng dỏm, giao hàng sai, kém chất lượng. Vấn đề các cơ sở kinh doanh online đăng ký trên sàn, tức có pháp lý nhưng vẫn khó xử lý.

Tại dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, Bộ Công Thương đề xuất bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập.

Chị Linh (trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) cho rằng hiện chị cũng như rất nhiều người tiêu dùng có thói quen đặt, mua hàng online (mua hàng qua mạng) đang gặp nhiều khó khăn như mua hàng không đúng, giao hàng sai, kém chất lượng, có tình trạng giao hàng chỉ có vỏ chứ không có ruột. Khi khiếu nại gặp nhiều khó khăn, kéo dài lâu, nên người tiêu dùng nản.

“Tình trạng hàng gian, hàng giả của những gian thương đang gây ra thiệt hại kinh tế, phá hỏng môi trường làm ăn của doanh nghiệp làm ăn chân chính. Khi hàng order (đặt) trên mạng một kiểu, khi nhận ship hàng về một kiểu, giống như đánh lừa người mua. Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý để mua bán qua mạng, thương mại điện tử đảm bảo thuận tiện như mua hàng ngoài của hàng, cơ quan quản lý Nhà nước thu được thuế, người dân cảm thấy yên tâm”, chị Linh nói.

Tương tự, chị Đào ở Thanh Xuân đặt vấn đề, cơ quan nào sẽ bảo vệ người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng nhái hay thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm? “Để bán sản phẩm, có hiện tượng quảng cáo sản phẩm sai sự thật bởi người nổi tiếng. Ngay cả việc quảng cáo bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... cơ quan chức năng có biện pháp để trích xuất đâu là hàng gian, hàng giả đang kinh doanh trên nền tảng online, tránh thất thu thuế của Nhà nước”, chị Đào kiến nghị.

Người tiêu dùng lại là bên yếu thế trong mối quan hệ với chủ thể kinh doanh khi mua bán hàng qua mạng.

Chị Đào mong muốn có thêm những cơ quan tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về việc gặp phải hàng rởm, hàng nhái, kém chất lượng thuận tiện hơn. Vì hiện nay nhiều người gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi của mình.

“Công tác quản lý thị trường cần tính toán thêm ứng dụng công nghệ kiểm tra trên không gian mạng, chứ không thể lực lượng quản lý thị trường lên mạng xem livestream, từ đó rà soát thu giữ hàng rởm”, chị Đào nói.

Bảo vệ người tiêu dùng yếu thế

Luận sư Nguyễn Đức Quang, đoàn luật sư TP Hà Nội cho răng, trong môi trường cạnh tranh, người tiêu dùng có vai trò quan trọng, lựa chọn của họ quyết định đến thị phần cũng như vị trí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại là bên yếu thế trong mối quan hệ với chủ thể kinh doanh.

“Do đó, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng bằng Luật cạnh tranh, mang tính kỹ thuật và bổ trợ cho việc bảo vệ người tiêu dùng thông qua việc xác định các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhằm lượng hóa các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm có tương xứng. Hiện nay hoạt động bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam dưới 2 góc độ: bảo vệ trực tiếp bằng các quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ gián tiếp thông qua các quy định của pháp luật cạnh tranh”, luật sư Nguyễn Đức Quang phân tích.

Bên cạnh đó, xem xét các vụ việc liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh để có biện pháp can thiệp phù hợp; chủ động thu thập, xác minh thông tin, dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh ở một số thị trường, ngành, lĩnh vực để xử lý nghiêm minh.

Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023. Đây là đạo luật quan trọng bảo đảm quyền lợi cơ bản cũng như sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng. Với việc tăng thêm quyền cho người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 sẽ bảo đảm ngày càng tốt cả sức khỏe và tính mạng, đặc biệt với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, gắn chặt với bảo đảm môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích của người sản xuất, phân phối.

Nguyễn Hoàng/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận