Dân thu hoạch trái đắng…
Để tập trung đầu tư xây dựng vùng cam theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xóa đói giảm nghèo, năm 2012 UBND huyện Tam Đường phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển trồng cam. Theo đề án này, UBND huyện Tam Đường phê duyệt mở rộng và cải tạo vùng cam với quy mô 28ha; địa điểm thực hiện tại các xã Bản Giang, Bản Hon, Bình Lư, Bản Bo, Sùng Phài; cơ cấu giống 89% cam sành, 11% ổi tại xã Bản Giang, các xã còn lại 100% cam sành.
Bên cạnh việc đưa ra mục tiêu, UBND huyện Tam Đường đã đề ra một loạt các giải pháp: Quy hoạch vùng dự án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân; các giải pháp kỹ thuật; Nhà nước hỗ trợ 100% giống cam, ổi, thuốc mối trong năm đầu, diện tích hỗ trợ đầu tư không quá 1ha/hộ cho các hộ tham gia dự án; tăng cường quảng bá tiếp thị, giới thiệu sản phẩm.
Về vốn và nguồn đầu tư, tổng mức đầu tư từ 2012 - 2020 là 1,506 tỷ đồng. Về hiệu quả kinh tế, UBND huyện Tam Đường dự báo sau 4 năm trồng cây bắt đầu cho ra bói, từ năm thứ 5 trở đi cây cho năng suất ước đạt 55 tạ/ha, thu nhập đạt 110 triệu đồng/ha; đến năm thứ 8 năng suất 85 tạ/ha, thu nhập 170 triệu đồng/ha; trừ chi phí giống vật tư 8 năm lãi bình quân 67 triệu đồng/ha/năm; các năm tiếp theo năng suất tăng thêm 15%. Tin tưởng vào tính khả thi của dự án, lại được sự hỗ trợ nên nhiều hộ dân ở Tam Đường hồ hởi trồng cam. Thế nhưng khi những vườn cam trĩu quả thì cũng là lúc người dân lo lắng đầu ra cho sản phẩm.
Gia đình chị Vàng Thị Tình, bản Nà Bỏ, xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có trên 1ha cam Valencia (gọi tắt là V2), với khoảng 600 gốc cam. Năm nay là năm thứ 2 gia đình chị Tình thu hái cam chín rộ, nhưng thay vì niềm vui, sự hào hứng để thu hái cam mang đi bán, thì lại là sự mệt mỏi, lo lắng và đượm buồn, bởi cam được mùa nhưng giá bán lại thấp. Giá thời điểm hiện tại thu mua tại vườn chỉ 7 nghìn đồng/kg. Trong khi đó cùng dòng với giống cam V2 là cam Cao Phong, cam Vinh có giá bán thị trường từ 30 nghìn đồng trở lên. Sự bất cập trong vụ cam năm nay, khi mới vào vụ nhà chị Tình bán được 15 nghìn đồng/kg, nhưng ra Tết, khi cam chín ngọt sắc hơn, mọng hơn thì giá bị giảm đi một nửa. Gia đình chị Tình và nhiều hộ dân khác chỉ bán lẻ từng ít một, chứ chưa có sự liên kết doanh nghiệp để thu mua tập trung. Trong lúc cam rớt giá, chị Tình không còn mặn mà gì với hơn 1ha cam đang cho thu hoạch, mặc dù chị đã chờ ngày hái quả 6 năm nay.
Chia sẻ với phóng viên, chị Vàng Thị Tình vẫn chưa khỏi buồn phiền: “Sau vụ cam này thì gọi người về chặt gốc đi sang năm trồng chè thôi, chứ trồng cam chăm sóc vất vả cả năm mà bán được từng ít một thế này, lại ít người mua, giá không ổn định, không bõ công chăm sóc, mà chăm cam vất vả lắm, cả năm mới được thu một lần”.
Hiện nay toàn xã Bản Giang có trên 110ha cam V2, trong đó có khoảng trên 70ha cho thu hoạch. So với năm ngoái, mùa cam năm nay sai quả và to đều hơn nhưng giá cam lại giảm mạnh. Người trồng cam tại Bản Giang dù lợi nhuận không đáng là bao nhưng vẫn phải cố gắng thu hái vớt vát lại tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với mong muốn đỡ được đồng nào hay đồng ấy. Anh Sẻ A Páo - bản Nà Bỏ, xã Bản Giang chia sẻ: “Trồng khó khăn mà giá bán thấp thế này lại thuê người hái nữa thì không được bao nhiêu tiền”.
Theo quan sát của phóng viên, hiện cam đang ở giai đoạn cuối vụ không được thu hái sớm, hoa của lứa cam vụ tới nở trắng xen với cam chín. Hệ lụy người nông dân không chỉ thiệt đơn mà còn thiệt kép, bởi hoa đã đậu quả vụ mới mà chưa hái hết quả càng để lâu sẽ bị khô, không mọng và không ngọt cam. Mặt khác, thời điểm này khi thu hái cam sẽ có tác động khiến hoa bị rụng nhiều, ảnh hưởng đến sản lượng của vụ sau. Song do sức mua chậm, không có địa chỉ bao tiêu ổn định, thương lái không vào vườn mua dẫn đến thời gian thu cam kéo dài.
“Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm”
Với sản lượng cam lớn nhưng người dân đang phải tự bán với số lượng nhỏ lẻ. Ông Lò Văn Cheo, Phó chủ tịch UBND xã Bản Giang, huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: “Năm ngoái chúng tôi đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp nhưng không thành công, giữa đường thì doanh nghiệp bỏ dở không thu mua tiếp. Trong thời gian tới sẽ tham mưu các phòng ban của huyện để có liên kết với doanh nghiệp thu mua cam cho người dân, bởi cây cam được đưa vào trồng trên địa bàn 6 năm nay, đến nay đã cho thu quả, và là một trong những giống cây ăn quả giúp dân xóa đói giảm nghèo”.
Theo ông Trần Văn Sứng, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Đường: “Chất lượng cam Bản Giang không kém các sản phẩm cam khác nhưng mẫu mã chưa cạnh tranh được do kỹ thuật chăm bón còn hạn chế”. Điều đáng nói là ngay tại Lai Châu người dân hầu như không biết đến cam V2. Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ của thành phố Lai Châu (cách xã Bản Giang khoảng chừng 10km), không bày bán cam Bản Giang, các chủ cửa hàng bán hoa quả khi được hỏi đều có câu trả lời giống nhau, không được giới thiệu hay chào bán giống cam này. “Chúng tôi xác định khâu quảng bá còn yếu kém. Đây là bài học mà chúng tôi rút kinh nghiệm không chỉ cho mô hình cây cam mà còn cho các mô hình khác, đó là từ đầu cần kết nối doanh nghiệp với người dân, gắn kết trách nhiệm, quyền lợi tránh tình trạng được mùa rớt giá’ - ông Trần Văn Sứng cho biết.
Mong mỏi nhất của người trồng cam chắc chắn là chờ đến ngày hái quả, song với sự bấp bênh về giá và thị trường tiêu thụ như hiện nay, thì việc tiếp tục vận động người dân chăm sóc diện tích cam là một bài toán khó. Cần có sự đồng hành và vào cuộc thật sự của các cấp chính quyền để người dân thoát cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”, tiếp tục mặn mà với cây cam.