Kết thúc năm 2023 với những thành quả đáng khích lệ, thậm chí vượt ra ngoài mong đợi ở một số chỉ tiêu. So sánh kết quả này với giai đoạn trước đại dịch Covid và so với các nước trong khu vực, PGS có nhận định gì?
Năm 2023 đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19 ngành du lịch Việt Nam như: Nghị quyết 82 về phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch bền vững; Chính sách mới về visa và thị thực điện tử; Nghị quyết 922 về phát triển du lịch nông thôn, hay là đề án phát triển du lịch đêm của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. Năm 2023 cũng là năm nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ…giúp cải thiện đáng kể về cơ chế, chính sách, tạo hành lang phát triển tốt cho ngành du lịch thời hậu Covid-19.
Nhìn vào kết quả của năm 2023, có thể thấy ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, đặc biệt là về mặt định lượng. Mục tiêu đặt ra đầu năm là đón được khoảng 110 triệu khách, trong đó có 102 lượt triệu khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế. Về cơ bản, đến tháng 11 chúng ta đã hoàn thành và vượt qua chỉ tiêu này, đặc biệt là khách quốc tế đã đón được 12,5 triệu lượt. Con số này lớn hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu. Số lượng khách du lịch nội địa cũng khả quan hơn so với mục tiêu đặt ra đầu năm.
Đó là những con số thống kê về số lượng khách, còn về doanh thu, lợi nhuận, về chất lượng dịch vụ hay tốc độ phục hồi trở lại của ngành du lịch ở góc độ của doanh nghiệp thì còn nhiều công việc phải làm trong thời gian tới đây.
Tính kết nối từ các khâu dịch vụ, ẩm thực, lưu trú, đi lại, cho đến vui chơi giải trí, đến mua sắm…Nếu tạo được chuỗi liên kết giá trị tốt và vận hành, bổ trợ cho nhau thì sẽ làm tăng về chất lượng, giá trị gia tăng, và sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.
Giáo sư có thể nói rõ hơn những tồn tại, yếu kém của du lịch Việt Nam trong năm 2023 và cách khắc phục?
Vấn đề tồn tại thì nhiều, tuy nhiên có thể chỉ ra mấy vấn đề cơ bản cần giải quyết như sau.
Sau đại dịch các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị bị lỏng lẻo, không liên kết tốt, thậm chí đứt gãy. Do vậy, vấn đề mấu chốt là tăng khả năng kết nối các sản phẩm trong chuỗi giá trị. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ngành du lịch có kế hoạch tổng thể, giải pháp cụ thể để liên kết các chuỗi giá trị du lịch.
Lấy ví dụ từ Thái Lan, tại sao tour rất rẻ, mới nhìn là không có lãi nhưng họ vẫn bán, ngành du lịch vẫn phát triển mạnh như vậy? Trên thực tế, khách du lịch đến Thái Lan mua tour rẻ nhưng mua sắm và sử dụng dịch vụ rất nhiều, đấy chính là cái được của ngành du lịch Thái Lan, các công ty du lịch, điểm đón khách… nhận được lợi ích từ các trung tâm mua sắm, siêu thị, cơ sở dịch vụ, giải trí… Điều này có nghĩa lợi nhuận trong cả chuỗi giá trị được chia sẻ, tạo nên sức mạnh cạnh tranh, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch.
Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật là nền tảng cho tất cả sự phát triển của xã hội. Đơn cử như mới đây tôi đi miền Tây, xuống tràm chim Đồng Tháp, cảnh rất đẹp, chim rất nhiều, khách du lịch đến cũng sẽ rất thích, thế nhưng đi từ TP Hồ Chí Minh xuống mất rất nhiều thời gian, đường xóc ghê gớm khiến du khách ngại ngần, không muốn đi.
Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện đang rất thiếu và yếu. Vấn đề lớn về nguồn nhân lực du lịch Việt Nam sau đại dịch không nằm ở nhân lực đào tạo đại học hay là thạc sĩ, tiến sĩ mà là nguồn nhân lực nghề. Các trường đại học không thể làm thay công việc của các trường cao đẳng và trung cấp nghề được. Đào tạo nghề chỉ cần ba tháng, sáu tháng là có thể làm tốt. Vấn đề là giới trẻ, học sinh sau tốt nghiệp PTTH bây giờ không lựa chọn học nghề mà chỉ đặt mục tiêu vào các trường đại học, nơi đào tạo người làm trong các lĩnh vực quản lý, nghiên cứu mang tính học thuật chứ không đào tạo nghề, đào tạo những người lao động trực tiếp trong ngành du lịch.
Về xúc tiến quảng bá, mặc dù ngành du lịch Việt Nam có quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã nhiều năm, nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có một văn phòng đại diện du lịch nào ở nước ngoài. Các chương trình xúc tiến có phần rời rạc, chưa có chiến lược tốt và chưa mang lại kết quả như mong muốn. Chỉ cần nhìn sang Thái Lan, họ có 29 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, riêng khu vực Châu Á có 8 văn phòng, bao gồm cả văn phòng ở Việt Nam.
Chúng ta phải làm gì trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo của thời kỳ hậu Covid-19 để khắc phục khó khăn và tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo, thưa PGS?
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã có những việc làm thiết thực, thu được thành quả ngoài mong đợi và tạo lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới. Đây là tiền đề để chúng ta tin tưởng rằng, năm 2024 sẽ là năm “bứt tốc” phát triển của du lịch Việt Nam và tạo đà cho giai đoạn tiếp theo. Để làm được điều đó, bên cạnh việc từng bước khắc phục những tồn tại, yếu kém đã nêu, ngành du lịch cần tập trung vào những công việc quan trọng. Trong đó, việc có thể làm ngay là nâng cao chất lượng, hiệu quả xúc tiến du lịch.
Như chúng ta đã thấy, sau đợt kích cầu du lịch lần thứ nhất, hiệu ứng khách du lịch nội địa mùa hè 2024 tới thậm chí sẽ còn đông hơn năm 2023. Điều đó đã đánh thức nhiều điểm đến mà từ trước đến nay mọi người chưa hề biết đến do trước đó nhiều người Việt Nam đã bị thu hút từ các tour du lịch nước ngoài hoặc có tâm lý thích đi những điểm quen thuộc. Cũng có thể do chưa tiếp nhận thông tin từ những chương trình khuyến mại hay quảng bá nên không lựa chọn.
Các chương trình kích cầu du lịch đã tạo ra những ý nghĩa rất quan trọng cho ngành du lịch như truyền thông hiệu quả một thông điệp đến chính người dân Việt Nam về vẻ đẹp của đất nước mình. Đồng thời các điểm đến cũng có động lực, cơ hội để tạo ra các sản phẩm du lịch tốt hơn. Bên cạnh đó, người nước ngoài cũng có được cái nhìn thiện cảm hơn về du lịch Việt Nam.
Đối với thị trường ngoài nước, chúng ta cần tập trung kích cầu đối với những thị trường truyền thống vẫn đang hoạt động hiệu quả, đồng thời chuẩn bị cho sự trở lại của một số thị trường đã bị gián đoạn do đại dịch.
Thị trường trọng điểm trong năm 2024 của chúng ta là Hàn Quốc, Nhật Bản. Thị trường Hàn Quốc vẫn đang đứng đầu và sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong vài năm tới. Nhật Bản cũng là thị trường trọng điểm và đang có những dấu hiệu tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, cần khai thác tốt thị trường Đông Nam Á và đặc biệt kỳ vọng sự trở lại của thị trường Trung Quốc. Thị trường Ấn Độ và Trung Đông dù có nhiều tiềm năng nhưng sẽ tăng chậm, do đây không phải là thị trường khách dễ dàng./.