Cần 'nhạc trưởng' xúc tiến du lịch

Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể, mạnh mẽ cho chiến lược xúc tiến du lịch ra thế giới.

 

Dự báo của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) và Hội đồng Du lịch - Lữ hành thế giới (WTTC) cho thấy, hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024 nhưng không đồng đều ở các khu vực. Đây là lý do Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể, mạnh mẽ cho chiến lược xúc tiến du lịch ra thế giới.

Thiếu “nhạc trưởng”, đơn điệu, mạnh ai nấy làm

Xúc tiến du lịch là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và mới đây nhất là tại Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024. Tuy nhiên, Việt Nam lại thiếu gian hàng chung du lịch quốc gia tại 2 Hội chợ du lịch lớn hàng đầu thế giới là WTM London, Anh (tháng 11/2023) và ITB Berlin, Đức (tháng 3/2024).

Hội chợ ITB Berlin 2024 không có gian hàng chung du lịch Việt Nam.

CEO Lux Group Phạm Hà cho biết, tại Việt Nam, hoạt động xúc tiến du lịch là một điểm yếu, vì chúng ta chưa định vị thương hiệu du lịch quốc gia, cũng như chưa kể được câu chuyện văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, ẩm thực và con người một cách ấn tượng và chuyên nghiệp. Hiện tại, công tác xúc tiến du lịch ra thế giới theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có “nhạc trưởng” có năng lực thực thi, các quỹ du lịch không phát huy hiệu quả.

Theo các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có gian hàng tại ITB Berlin 2024, hầu hết các quốc gia tại Đông Nam Á đã có gian hàng quốc gia, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Campuchia… Một số nước không có gian hàng du lịch quốc gia là Việt Nam, Myanmar, Đông Timor… Thái Lan có hơn 170 đơn vị triển lãm, gấp hơn hai lần so với 70 đơn vị triển lãm của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Cường Bách, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Metta Voyage: Các nước chú trọng du lịch luôn xây dựng gian hàng chung tại hội chợ lớn nhằm gây ấn tượng, tăng hình ảnh quy mô quốc gia và định vị ngang hàng với những nước khác. Ngoài ra, một gian hàng du lịch quốc gia sẽ hỗ trợ DN giảm khó khăn về mặt thủ tục và tài chính để được có mặt tại những hội chợ tầm cỡ.

Tầm quan trọng của gian hàng quốc gia tại các hội chợ du lịch tiêu biểu là tạo nơi hội tụ đối tác quốc tế trong ngành

“Năm nay, không có gian hàng chung nên DN Việt Nam phải tự liên hệ và kết nối với nhau để tổ chức tham dự. Nhiều đơn vị không tìm được đối tác tham gia cùng nên phải bỏ ra chi phí rất cao, hoặc không thể đến được ITB Berlin. Ngoài ra, vì thiếu một chủ đề chung giữa các gian hàng nên khó tổ chức chương trình chung rầm rộ để thu hút khách từ khu vực khác của hội chợ”, ông Bách cho biết.

“Tại ITB Berlin 2024, Việt Nam chỉ có một số DN lớn, có tài chính, được tiếp xúc với nhiều kênh bán sản phẩm đến đối tác quốc tế, gia tăng hiện diện. Với DN nhỏ, không đủ tài chính, không trực tiếp tham gia, lẽ ra ngành du lịch Việt Nam cần hỗ trợ bằng cách giúp họ tham gia trực tuyến, chi phí có thể chỉ mất khoảng 10 - 20%”, ông Vũ Văn Tuyên, CEO Travelogy Việt Nam cho hay.

Công tác xúc tiến du lịch ở trong nước và nước ngoài của Việt Nam vẫn đơn điệu. Xu thế du lịch của khách quốc tế đã thay đổi nên kế hoạch xúc tiến, quảng bá cũng cần thay đổi theo. Hơn nữa, do ngân quỹ hạn hẹp nên Việt Nam chưa có chiến thuật khi xúc tiến, quảng bá.

Gian hàng chung tại các hội chợ lớn nhằm gây ấn tượng, tăng hình ảnh quy mô quốc gia và định vị ngang hàng với các nước khác.

“Tầm quan trọng của gian hàng quốc gia tại các hội chợ du lịch tiêu biểu là tạo nơi hội tụ đối tác quốc tế trong ngành, đồng thời là “cơ hội vô giá” để quảng bá văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, ẩm thực…với thế giới. DN cũng mong muốn là một phần trong gian hàng quốc gia để nâng cao nhận diện thương hiệu và giảm thiểu chi phí liên quan đến không gian triển lãm”, ông Martin Koerner, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đức tại Việt Nam, bày tỏ.

Ông Nguyễn Cường Bách nhận định, du lịch Việt Nam đã bỏ lỡ “cơ hội vàng” khi vắng mặt tại các hội chợ du lịch lớn: “Việc liên tiếp vắng mặt ở 2 hội chợ tốp đầu thế giới khiến chúng ta hụt hơi và có thể “đánh rơi” đối tác lớn cho những quốc gia khác”.

Vướng thủ tục

Theo chuyên gia du lịch Hoàng Nhân Chính, việc gian hàng du lịch Việt Nam không xuất hiện ở hội chợ WTM và ITB có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề thủ tục và mô hình hợp tác giữa các bên.

Cần đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý về du lịch

“Các hội chợ lớn và đông đơn vị triển lãm như WTM và ITB đương nhiên sẽ vận hành theo quy chế quốc tế. Đã chốt đăng ký, diện tích gian hàng thì phải chuyển tiền ngay. Có hội chợ phải tạm ứng trước 70% chi phí gian hàng, sau đó khi nghiệm thu (trước ngày khai mạc) thì thanh toán nốt 30% còn lại. Mỗi hội chợ lại có quy định riêng, khắt khe về phòng cháy chữa cháy, điện nước, kích thước gian hàng…, chỉ một số nhà đấu thầu chuyên nghiệp và kinh nghiệm thì mới đủ năng lực đấu thầu. Vì thế, nếu muốn nhiều đơn vị tham gia đấu thầu hay lấy đủ báo giá cũng không dễ dàng”, ông Hoàng Nhân Chính cho biết.

Để khắc phục thực trạng này cần đẩy mạnh sự kết nối giữa DN và cơ quan quản lý về du lịch, thiết lập kênh tương tác để thông tin sớm hơn và xuyên suốt, nên tận dụng các nền tảng số. Cần định vị rõ ràng thế mạnh và thương hiệu Việt Nam theo từng khu vực để tối ưu hiệu quả, đồng thời tổ chức truyền thông hoặc đào tạo các DN để có thông điệp tương đồng nhau, nhất là khi tham gia hội chợ quốc tế./.

Với 450 gian hàng, trong đó có 25% gian hàng quốc tế, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2024) chính thức khai mạc sáng nay 11/4, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ICE - Cung văn hóa Hữu nghị, số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.  Tại hội chợ có Diễn đàn “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, UNDP tổ chức.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận