Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân quay trở lại trạng thái bình thường. Tính chung quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại, các địa phương, doanh nghiệp duy trì nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng nhằm kết nối, mở rộng tiêu dùng nội địa.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý 1 năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 1 triệu 537 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với thời kỳ trước dịch Covid-19, mức độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I năm nay vẫn chưa đạt như thời điểm trước dịch. Cụ thể, mức độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 giảm 3,3 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân giai đoạn 2015-2019, là mức tăng trưởng thấp so với thời điểm trước dịch.
“Nên nhìn không phải chỉ là câu chuyện khó khăn mà như một cơ hội. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp thì lúc này cần phải theo những giải pháp đặc biệt, không phải là giải pháp tháo gỡ thông thường. Chúng ta phải quan tâm đến thị trường trong nước như là một lực lượng để mà bảo đảm cho nền kinh tế có nền tảng phát triển vững chắc”, PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế khuyến nghị.
Thực tế, khảo sát mới đây của một số tổ chức nghiên cứu thị trường cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn với thói quen chi tiêu của mình. Cụ thể, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết, chú trọng vào nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, hóa mỹ phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày. PGS.TS Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nhấn mạnh, doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ các xu hướng và kịp thời thích ứng để có thể duy trì cạnh tranh trong bối cảnh thị trường không ngừng thay đổi.
“Xu hướng người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, trở nên cẩn trọng, quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, quan tâm đến thành phần, quan tâm đến tính bền vững, câu chuyện xanh sạch thì tất cả sẽ đẩy cuộc cạnh tranh của doanh nghiệp trở nên khốc liệt hơn. Bởi vì bây giờ câu chuyện chất lượng rất quan trọng, thị trường sẽ thay đổi rất nhanh. Câu chuyện chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng những cầu tiêu dùng sẽ là câu chuyện sống còn”, PGS.TS Phan Chí Anh nêu rõ.
Để gia tăng hiệu quả hoạt động tại thị trường trong nước, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hoá sản phẩm với giá cả cạnh tranh, tạo sự liên kết vững chắc để có chi phí hợp lý nhất ở các công đoạn, tiếp cận người tiêu dùng nhanh và hiệu quả. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp cho rằng, nếu doanh nghiệp không kiểm soát chất lượng tốt thì rất khó tiếp cận thị trường.
“Bản thân doanh nghiệp, việc đầu tiên chúng ta phải tập trung vào các hoạt động sản xuất, các quy trình sản xuất phải chặt chẽ, đặc biệt là ở khâu kiểm soát đầu ra sản phẩm, phải đảm bảo đúng chất lượng, tiêu chuẩn. Vì nếu chúng ta chỉ biết sản xuất, không kiểm soát chất lượng tốt thì chắc chắn sản phẩm đầu ra không đạt mà đã không đạt thì khi phân phối sẽ bị ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước với các chương trình kích cầu tiêu dùng, trong đó ưu tiên phát triển các nền tảng thương mại và kỹ thuật số hiện đại. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử sẽ được khuyến khích với trọng tâm là sử dụng công nghệ kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng như xây dựng các phương thức bán lẻ mới để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình liên quan, trong đó có Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.
Bá Toàn/VOV1