Tìm thị trường cho gốm Chu Đậu

Đẹp, thuần Việt nhưng kén khách là lời nhận xét mà khách hàng dành cho Gốm Chu Đậu. Đó là thách thức với doanh nghiệp khi xử lý bài toán thị trường

 

Gốm Chu Đậu đã xuất hiện ở khu vực Nam Sách, Hải Dương từ khoảng thế kỷ 13 và thất truyền 408 năm cho đến năm 2000, khi Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro - Công ty cổ phần bắt tay phục hồi dòng gốm cổ này và cho ra đời sản phẩm đầu tiên năm 2003. Đây là dòng gốm có hoa văn và men riêng biệt mang đậm dấu ấn Việt Nam nên ngay từ thời điểm đó, Hapro đã xác định là phải phục hồi và phát huy được giá trị văn hóa bên trong mỗi sản phẩm gốm cũng như xác định phân khúc tầm trung và cao cấp, đầu tư vào giá trị tinh thần trên từng sản phẩm. Ông Nghiêm Đình Sơn (Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần gốm Chu Đậu, Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro - Công ty cổ phần) cho biết: “Nếu mình đi theo những sản phẩm thị trường đang làm thì không cạnh tranh được với một số dòng gốm sứ khác, do đó Công ty xác định rõ bước đi của mình: trước hết là đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề vẽ thủ công bằng tay; thứ hai là phát huy lợi thế thương hiệu Chu Đậu đã được cha ông để lại và phát triển loại men đặc biệt được lưu giữ qua nhiều thế kỷ: loại men chế từ tro trấu, không sử dụng hóa chất. Khi cuộc sống phát triển thì khách hàng lựa chọn những sản phẩm cao cấp, tinh xảo. Những năm đầu tiên rất khó khăn, nhưng giờ thị trường đã chấp nhận và có thể cạnh tranh trên thị trường. Người đã xác định chơi gốm Chu Đậu là người đã chấp nhận cái kết tinh của lao động trí óc, lao động nghệ thuật trong từng sản phẩm”

Nói thì rất dễ, nhưng giải quyết vấn đề thị trường hoàn toàn không đơn giản. Theo ông Nguyễn Doãn Thái - đại lý Hải Nam, thành phố Bắc Ninh - không phải ngay lập tức sản phẩm gốm Chu Đậu được khách hàng chấp nhận, bởi thị hiếu của khách hàng nói chung thường thiên về những sản phẩm hoặc cầu kỳ, màu mè bắt mắt, hoặc bình dân, đơn giản, giá rẻ. Chỉ những người thực sự am hiểu về gốm, về men và muốn tìm kiếm văn hóa Việt trong từng nét gốm mới lựa chọn sản phẩm Chu Đậu. Nhưng, ông Thái hào hứng cho biết: “Một khi đã dùng Chu Đậu rồi thì không muốn dùng sản phẩm khác nữa. Khách hàng của tôi có những người tháng nào cũng ghé vào mua một vài sản phẩm Chu Đậu, dù vẫn “than” với chúng tôi rằng cứ vào là mất tiền”.

Những người khách ghé đại lý Hải Nam của ông Nguyễn Doãn Thái không phải là cá biệt. Chị Lê Mai Anh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: gia đình chị chỉ chuyên dùng sản phẩm gốm Chu Đậu trong bữa cơm, từ lu đựng gạo, đến bán đĩa cốc chén…vì men của gốm Chu Đậu không sử dụng hóa chất mà vẫn lưu giữ được công thức men tro từ nửa thiên niên kỷ trước nên rất an toàn cho người sử dụng. Đồ sứ gia dụng là một trong ba dòng sản phẩm chủ lực của gốm Chu Đậu được cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Ông Nguyễn Hữu Thức (giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro - Công ty cổ phần) cho biết: “Điều mà gốm Chu Đậu đã làm được là khi mua sản phẩm gốm Chu Đậu, khách hàng nước ngoài và các khách hàng trong nước đều có thể nhận ra sự khác biệt giữa sản phẩm gốm Chu Đậu của Việt Nam với sản phẩm của các nước khác ở châu Á cũng có nghề gốm sứ như Nhật Bản, Trung Quốc vì chất men đặc biệt của Chu Đậu đã được gìn giữ qua gần 5 thế kỷ. Chúng tôi cũng đầu tư cho thay đổi mẫu mã sản phẩm, concept của các cửa hàng để khách hàng có thể nhận biết được vẻ đẹp của gốm Chu Đậu. Để duy trì được truyền thống của Chu Đậu, chúng tôi đặc biệt chú trọng yếu tố con người và coi trọng việc truyền nghề, đào tạo tay nghề. Ở công ty chúng tôi có nghệ nhân 80 tuổi ngày ngày vẫn đi xe máy đến xưởng trực tiếp vẽ và truyền lửa, truyền nghề cho thế hệ trẻ”

Sản phẩm Gốm Chu Đậu được làm ra từ nguồn nguyên liệu địa phương - nơi có vùng thổ nhưỡng trầm tích - cùng chất liệu men tro độc đáo (tro lấy từ vỏ trấu của hạt lúa vàng), rồi qua bàn tay khéo léo, óc thẩm thấu nghệ thuật cao của các nghệ nhân… tất cả, đã được truyền tải, được “thổi hồn” vào gốm qua từng đường nét thật uyển chuyển tinh tế mà không mất đi sự mềm mại, lãng mạn. Điều quan trọng hơn cả, muốn thị trường và khách hàng chấp nhận, từng người làm gốm Chu Đậu, từ người thợ thủ công cho đến người bán hàng, đều cần truyền được ngọn lửa đam mê đến với khách hàng. Chị Mai Anh cho biết: “Khi tôi mua lần đầu, người bán có đọc câu: “Có Gốm Chu Đậu trong nhà - Như là có cả ông bà, tổ tiên”. Bản thân tôi dường như cũng cảm nhận thấy điều đó, và đó là lý do tôi tiếp tục mua và dùng”.

Nhờ chọn đúng cách để giải bài toán thị trường, 5 năm trở lại đây tăng trưởng bình quân của Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu khoảng 20%/năm, tăng trưởng cả về sản lượng, doanh thu và đời sống người lao động. Doanh nghiệp luôn cải tiến mẫu mã, hoa văn hoạt tiết trang trí để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian đầu, tỉ lệ sản phẩm 70% phục vụ cho xuất khẩu, nhưng đến nay thì đến 80% được tiêu thụ tại thị trường nội địa, cho thấy khách hàng trong nước đã chấp nhận và ngày càng yêu thích các sản phẩm của Chu Đậu. Ở trong nước, sản phẩm gốm Chu Đậu đã được các đại lý tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Nam Định, Vĩnh Phúc giới thiệu đến người tiêu dùng. Đối với xuất khẩu là hướng đi được lựa chọn ngay từ đầu, Chu Đậu tập trung khai thác thị trường truyền thống: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, thị trường Đông Âu và Nga …, mở rộng thị trường tiềm năng sang trên 100 quốc gia trên thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gốm sứ đạt 509,32 triệu USD, tăng 9,8% so với năm 2017 với các thị trường chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Campuchia.

Theo định hướng của Tập đoàn BRG, doanh nghiệp đang nắm giữ cổ phẩn chi phối Tổng công ty thương mại Hà Nội, mong muốn gốm Chu Đậu đầu tư đào tạo nguồn nhân lực,mở rộng sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu để đưa sản phẩm gốm Chu Đậu thuần Việt tới được với nhiều khách hàng trong nước và quốc tế./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận