'Nóng' dịch vụ đổi tiền mới dịp Tết

Dù hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới với mục đích kiếm lời bị cấm nhưng hoạt động này vẫn ngang nhiên diễn ra trong nhiều năm qua.

 

Thị trường “chợ đen” vẫn nóng

Còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, nhu cầu đổi tiền mới của người dân đang tăng cao. Là nhân viên một cửa hàng thời trang tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chị Phạm Hạnh đang muốn đổi tiền mới, nhất là loại mệnh giá từ 20 nghìn đồng trở xuống để mừng tuổi trong dịp Tết. Dù từ cuối tháng 11 Âm lịch, chị Phạm Hạnh đã liên hệ với một số người quen làm tại các ngân hàng để đổi tiền mới nhưng hiện vẫn chưa đủ số tiền mong muốn. “Hằng năm, gia đình tôi đều có nhu cầu đổi tiền lẻ, nhưng năm nay có vẻ tiền mệnh giá nhỏ hiếm hơn. Tôi đã nhờ người quen ở nhiều nơi, nhưng họ đều bảo, năm nay ngân hàng không có tiền mới để đổi. Nếu không có tiền mới đi mừng tuổi, mình cảm thấy thiếu thiếu trong ngày Tết”, chị Hạnh chia sẻ.

          Trong khi các ngân hàng giới hạn việc đổi tiền lẻ, tiền mới in thì giao dịch ngoài thị trường lại diễn ra khá sôi động, càng tới thời điểm cận Tết càng “nóng”. Mức phí giao dịch cũng khá đa dạng. Phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được coi là điểm “nóng” về dịch vụ đổi tiền. Tuy không còn hoạt động công khai như trước, nhưng các đối tượng này luôn sẵn sàng mời chào khách đổi tiền. Một bà đầu mối đổi tiền tại phố Đinh Lễ cho biết, tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng có mức phí 20-30%. Còn tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, mức phí từ 10-15%. Bà cho biết: “Tiền mới chúng tôi có nhiều loại, khách hàng lấy loại nào có giá chênh lệch loại đấy. Tiền mệnh giá nhỏ thì chênh lệch nhiều hơn. Còn thích tiền nguyên seri, tiền nguyên đai, nguyên kiện đổi bao nhiêu tôi cũng được”.

Không chỉ có các điểm đổi tiền lẻ, rất nhiều trang mạng xã hội cũng công khai dịch vụ đổi tiền lẻ, mệnh giá rất phong phú. Tại những trang cá nhân cũng cung cấp dịch vụ đổi những tờ tiền có seri đẹp, hay là số seri trùng với ngày tháng năm sinh. Số càng độc, càng hiếm, mức phí đổi lại càng cao. Những loại tiền lì xì "độc lạ" theo con giáp của năm, đồng 2 USD may mắn và nhiều loại tiền quà tặng của các quốc gia khác nhau... cũng được rao đổi. Trong vai một khách hàng cần đổi tiền, gọi theo số điện thoại trên trang mạng xã hội, chúng tôi được người bán hàng tư vấn về dịch vụ rất nhiệt tình. “Hiện nay, tiền 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng có phí đổi từ 10-15%, còn mệnh giá nhỏ hơn vẫn có nhưng sẽ cao hơn. Khi đổi tiền mức phí trên dưới 10 triệu, sẽ có người giao hàng tận nơi. Nếu đổi nhiều hơn, chỉ cần báo trước vài tiếng, chúng tôi sẽ gom đủ”.

Tại sao vẫn có nguồn tiền tuồn ra thị trường?

Tại cuộc họp báo diễn ra mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, không đưa ra thị trường tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Theo ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục phát hành kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước, dù không đưa lượng tiền mới in ra thị trường nhưng tổng lượng tiền lẻ đã qua lưu thông cung ứng cho dịp này dự kiến tăng 25%, trong đó gồm cả tiền mới in trong năm và tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế dịp Tết.

“Việc điều hòa tiền mặt là điều hòa cả năm chứ không chỉ riêng dịp tháng 12 và tháng giêng để đáp ứng đủ tiền cho nhu cầu của nền kinh tế. Đối với tiền mới in, từ 10.000 đồng trở xuống đến hết tháng 11, chúng tôi cung ứng ra thị trường rất tích cực. Từ tháng 11 trở đi, tiền mệnh giá nhỏ 10.000 đồng trở xuống sẽ không đưa ra tiền mới in, mà chỉ đưa tiền đã qua lưu thông, đảm bảo vẫn cung ứng đầy đủ nhu cầu nền kinh tế”, ông Phạm Bảo Lâm cho hay.

Chỉ thị số 34 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế. Chỉ thị cũng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên Đán và đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích để hạn chế tiêu cực, nâng cao nếp sống văn minh, tiết kiệm chi phí xã hội. Tuy nhiên, dịch vụ đổi tiền lẻ dịp Tết vẫn diễn ra hết sức rầm rộ. Tại sao những đối tượng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch vẫn có nguồn để cung cấp cho thị trường? Cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp giải quyết triệt để tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật trong việc đổi tiền lẻ, tiền mới diễn ra công khai như hiện nay.

Với kết quả không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông trong dịp tháng 12 và tháng giêng, dự kiến Ngân hàng Nhà nước tiết kiệm được chi phí cho ngân sách nhà nước 390 tỷ đồng. Tổng số đã thực hiện từ năm 2013 đến nay, chi phí tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước là gần 2.600 tỷ đồng”, ông Phạm Bảo Lâm, Ngân hàng Nhà nước.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận