Tại sao gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô khá lớn tại các địa phương khiến người dân không khỏi lo lắng?
Mối lo về ngộ độc do độc tố tự nhiên
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong quý I/2024, toàn quốc ghi nhận 16 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm 637 người mắc và 6 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ giảm 3 vụ, nguyên nhân gây NĐTP chủ yếu do vi sinh vật và độc tố tự nhiên.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết trong thời gian qua, tuy tình trạng NĐTP vẫn xảy ra nhưng đang có xu hướng giảm dần. Trong năm 2024, nhìn chung số vụ NĐTP hiện thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Việc đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học vẫn được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng tích cực triển khai. Tuy nhiên vừa qua đã ghi nhận một số vụ NĐTP xảy ra tại cửa hàng, quán ăn và một số các cơ sở, cá nhân kinh doanh thực phẩm, nhất là trong khu vực gần trường học.
TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chia sẻ, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận một số vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên trong nấm độc, nhộng ve sầu nhiễm nấm, cà độc dược. Đây là những động thực vật có sẵn chất độc (chất hữu cơ) là sản phẩm của quá trình chuyển hóa, có khả năng tồn tại cả sau khi chế biến, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người ăn.
“Các chất độc này thường gây ngộ độc cấp tính, thời gian nung bệnh trung bình 2 - 4 giờ sau khi ăn thực phẩm có độc. Biểu hiện lâm sàng NĐTP chủ yếu là các triệu chứng của hội chứng thần kinh (buồn nôn, nôn, rối loạn cảm giác, vận động, đau đầu…) kèm các triệu chứng của hội chứng tiêu hoá (đau bụng, tiêu chảy)… Tình trạng ngộ độc phụ thuộc vào loại chất độc, liều lượng ăn, thể trạng của mỗi người, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời”, TS. Nguyễn Hùng Long cho hay.
Để phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên đặc biệt do nấm độc và các loại hoa quả rừng…, Cục An toàn thực phẩm đã hướng dẫn các cơ quan chức năng địa phương triển khai các biện pháp sau: Thứ nhất, phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao hoặc đặc điểm vùng miền (dễ xảy ra ngộ độc).
“Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP và biện pháp phòng chống NĐTP do độc tố tự nhiên cho cộng đồng, khuyến cáo người dân không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ... đóng vai trò rất quan trọng; Chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương. Tập trung vào các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Sử dụng các vật liệu truyền thông bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc”, ông Long lưu ý.
Đảm bảo an toàn từ nơi sản xuất tới bàn ăn
TS. Nguyễn Hùng Long cho rằng mùa hè có nhiều yếu tố nguy cơ cao gây mất ATTP, nhất là tại các bữa ăn đông người, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp. Mùa hè nhiệt độ cao, là một trong các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, sự phát triển của động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…). Để làm tốt công tác ATTP đối với thức ăn đường phố cần phải có sự quan tâm phối hợp của cả 3 đối tượng, đó là: Người quản lý, người kinh doanh, người tiêu dùng.
Trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người kinh doanh về vấn đề bảo đảm ATTP và trách nhiệm đối với sức khỏe người tiêu dùng, phải tuân thủ các quy định pháp luật đối với thức ăn đường phố. Thứ hai, người tiêu dùng phải có kiến thức về ATTP và bảo vệ sức khỏe chính bản thân mình, phản đối việc kinh doanh thực phẩm không an toàn, không mua và sử dụng thực phẩm tại các cơ sở không bảo đảm vệ sinh. Thứ ba, chính quyền, người quản lý phải tăng cường kiểm tra, giám sát tuyên truyền vận động người dân chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP trong kinh doanh cũng như tiêu dùng thức ăn đường phố; kiên quyết trong việc xử lý các vi phạm về ATTP, tuyệt đối không để các cơ sở không thực hiện hoặc không đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh ATTP thực hiện kinh doanh; cần phải có sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực ATTP cả về con người cũng như vật chất. Người đứng đầu chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề ATTP trên địa bàn quản lý.
Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh vấn đề thực phẩm an toàn có đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Vì vậy, để bảo đảm ATTP từ sản xuất tới bàn ăn, nhất là trong tình hình mới, theo TS. Nguyễn Hùng Long cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới, cụ thể: Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP, bảo đảm truy xuất rõ nguồn gốc. bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định.
“Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát ATTP ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh cho tới khâu cuối cùng cũng rất quan trọng. Song song với đó, cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ Trung ương tới địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các đoàn thể chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, giám sát, cung cấp thông tin về bảo đảm ATTP”, ông Long nhấn mạnh.
Trong quý I/2024, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 1 cơ sở với 6 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 11.086.425.000 đồng; chuyển cơ quan công an 1 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; 1 vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe là hàng giả; công bố công khai trên website của Cục (https://vfa.gov.vn) và cổng công khai y tế (https://congkhaiyte.moh.gov.vn).
|
Hương Giang