Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch đường sắt

Thời điểm giá vé máy bay nội địa tăng cao, du lịch bằng đường bộ còn nhiều bất cập, đây là cơ hội cho du lịch bằng đường sắt "trở mình"

 

Thời điểm giá vé máy bay nội địa tăng cao, du lịch bằng đường bộ còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách, đây là cơ hội cho du lịch bằng đường sắt “trở mình”, để những hành trình trên ray của du khách được như trong câu hát “đi suốt bốn mùa vui”.

“Hành trình đường sắt hoành tráng đáng kinh ngạc”

Tháng 5 vừa qua, tuyến đường sắt Thống Nhất được chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng Lonely Planet bình chọn đứng vị trí đầu tiên trong 9 hành trình du lịch bằng tàu hoả ngoạn mục nhất thế giới, được đánh giá là “hành trình đường sắt hoành tráng đáng kinh ngạc” và là tuyến đường sắt hoạt động xuyên đêm hoành tráng nhất thế giới.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam được đánh giá là “hành trình đường sắt hoành tráng đáng kinh ngạc”

Theo Lonely Planet, lựa chọn du lịch bằng đường sắt Bắc - Nam, du khách sẽ được trải nghiệm một Việt Nam đa sắc màu với một hành trình hội tụ đầy đủ những tinh hoa của cảnh quan, nhiên nhiên và con người. Tuy tiêu tốn nhiều thời gian di chuyển hơn các phương tiện giao thông khác, song chuyến hành trình xuyên Việt này chắc chắn sẽ mang đến những trải nghiệm thực sự khác biệt, ấn tượng và khó quên.

Trước đó, năm 2019, hãng tin Sputnik của Nga cũng đã bình chọn tuyến đường sắt Thống Nhất của Việt Nam là một trong 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới. Theo Sputnik, bằng cách đi tàu Thống Nhất Bắc - Nam, khách du lịch có thể khám phá Việt Nam qua những khung cảnh thơ mộng, đặc biệt là vùng biển miền Trung hoang sơ và tận hưởng cảm giác thoải mái trong những toa giường nằm được lắp điều hòa.

Năm 2022, tạp chí du lịch The Travel của Canada cũng liệt kê 10 hành trình tàu hỏa đêm ấn tượng nhất thế giới, trong đó có tàu Thống Nhất Bắc - Nam của Việt Nam.

Nói về du lịch đường sắt, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Marketing TST Tourist chia sẻ: “Hiện nay hệ thống giao thông Việt Nam khá đa dạng bao gồm vận tải đường thủy, đường sắt, đường bộ và hàng không. Tuy nhiên, ngành lữ hành du lịch sử dụng phổ biến hiện nay vẫn là đường bộ và hàng không, sau đó mới đến tàu hỏa bởi nhiều lý do, bao gồm sự tiện dụng, linh hoạt, tính sẵn sàng... Với nhu cầu ngày càng đa dạng, khi chi phí hàng không liên tục tăng cao, các tuyến cao tốc ngày càng thuận lợi, ngành đường sắt cần hiện đại hóa hệ thống giao thông đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc - Nam để không bỏ lỡ giá trị của “hành trình đường sắt hoành tráng đáng kinh ngạc” này”.

Tạp chí du lịch The Travel của Canada cũng liệt kê tàu Thống Nhất Bắc - Nam là 1 trong 10 hành trình tàu hỏa đêm ấn tượng nhất thế giới

Mỗi nhà ga là một điểm đến

Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã làm việc với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để hợp tác, thúc đẩy hoạt động du lịch bằng đường sắt. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao những đổi mới, nỗ lực của ngành Đường sắt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch.

“Hiện nay, Việt Nam đang phát triển 4 dòng sản phẩm chủ đạo gồm: Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị; trong đó có các nhánh sản phẩm: du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch golf, du lịch MICE… Thời gian tới sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch bằng đường sắt và tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch này ở các sự kiện quảng bá, xúc tiến trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Thời gian qua, ngành đường sắt đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm du lịch bằng đường sắt hấp dẫn, kết nối các điểm đến văn hóa, di sản, bao gồm các cơ sở công nghiệp, công trình hạ tầng, công trình kiến trúc nhà ga như: Ga Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt, Gia Lâm, Long Biên... nâng cấp các khu ga trở thành điểm đến văn hoá ở mỗi địa phương. Ngành đường sắt đã phát động phong trào “đường tàu - đường hoa” trên khắp 34 tỉnh, thành phố có đường tàu chạy qua với mong muốn hình thành đường hoa dài nhất Việt Nam.

Nâng cao chất lượng phục vụ hành khách là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành đường sắt.

Với các nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, ngành đường sắt muốn biến nhược điểm là thời gian hành trình dài, tàu chạy chậm thành các ưu điểm với việc gia tăng các dịch vụ, trải nghiệm, tiện ích trên tàu phục vụ khách như: trình diễn nghệ thuật, triển lãm, giới thiệu ẩm thực, trang bị wifi... Từ đó, tạo thành hệ sinh thái hoàn chỉnh để du khách trải nghiệm; thích thú, thoải mái với việc đi tàu, du lịch bằng tàu.

“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ ngành Đường sắt quảng bá trên các kênh truyền thông du lịch, các nền tảng số, định danh trên bản đồ số; phối hợp đào tạo nhân viên đường sắt trong nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch trên tàu, dưới ga; tổ chức các hội nghị, hội thảo và tổ chức các sự kiện famtrip, festival văn hóa, du lịch, ẩm thực tại các địa phương”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Ông Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, xác định nâng cao chất lượng phục vụ hành khách là mục tiêu xuyên suốt, Tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hạ tầng, nâng cao chất lượng phương tiện và gia tăng các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách, đồng thời đa dạng các dịch vụ cung cấp đến hành khách như: phát triển loại hình du lịch gắn với trải nghiệm ẩm thực vùng miền foodtour Hà Nội - Hải Phòng; triển khai mô hình “Đường tàu - đường hoa” nhằm cải thiện môi trường đường sắt, hướng đến hình thành một con đường hoa dài nhất Việt Nam, góp phần phát triển du lịch tại các tỉnh, thành có đường sắt đi qua… và mới đây thử nghiệm đưa vào khai thác phòng đợi tàu có dịch vụ tại ga Long Biên (cà phê Hoả xa) với mong muốn có không gian phòng chờ hiện đại, có dịch vụ hỗ trợ phục vụ hành khách, đảm bảo an toàn cho du khách có nhu cầu tham quan cầu Long Biên, kiến trúc nhà ga Long Biên và các hoạt động chạy tàu của ngành đường sắt một cách hợp pháp, an toàn, góp phần thu hút du khách đến với thủ đô Hà Nội. Đây cũng là dự án nằm trong kế hoạch đa dạng hoá các loại hình dịch vụ hỗ trợ vận tải; nâng cao chất lượng phục vụ; nâng cao đời sống người lao động và đầu tư nâng cấp nhà ga hướng tới mục tiêu “mỗi khu ga là một điểm đến” tại các tỉnh, thành có đường sắt đi qua.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đề nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam hỗ trợ, phối hợp xây dựng được mô hình du lịch liên kết các phương thức vận tải như: hàng không - đường sắt - đường bộ tạo thành chuỗi phục vụ khách du lịch theo hướng “một tấm vé cho cả hành trình” (One ticket - all trips). Tăng cường kết nối đầu- cuối và ngành đường sắt tham gia một phân khúc trong đó. Trên hành trình đó còn có các điểm đến, các dịch vụ du lịch; đi tàu giảm giá dịch vụ ăn, ngủ... nhằm chia sẻ lợi ích giữa các bên và đa dạng sản phẩm phục vụ du khách./.

“Cần phải có sự hợp tác linh hoạt hơn nữa, hướng tới các sản phẩm đặc thù và đối tượng hành khách riêng. Thời gian tới, ngành Đường sắt sẽ xây dựng các đôi tàu 5 sao hướng tới phục vụ phân khúc khách hạng sang; các tàu charter (thuê bao chuyến) với thành phần đoàn tàu, hành trình, tuyến theo yêu cầu của khách hàng”,

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận