Cam kết chống gian lận trong thương mại điện tử

Hội thảo nhằm tăng cường công tác chống hàng giả - hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet…

 

Sáng 19/4, tại Hà Nội, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”.

Hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” được tổ chức nhằm tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong chống hàng giả - hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet; nâng cao vai trò trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử trong bảo vệ người tiêu dùng.

Các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận thực trạng phát triển thương mại điện tử, thông tin các hành vi vi phạm phổ biến, đồng thời đề xuất các giải pháp, định hướng công tác đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.

bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (ảnh: Petro Times)Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, đối với thương mại điện tử nếu không kiểm soát từ đầu nguồn thì sẽ không có cách gì mà kiểm soát được. Chúng ta phải bắt đầu ngay từ thái độ của những người làm chủ các sàn thương mại điện tử. “Hiên nay, vấn đề rất lớn là 75% thương mại điện tử diễn ra trên mạng xã hội (như Zalo, Facebook, Twiter, tin nhắn…) chứ không phải diễn ra trên sàn. Đấy là thực trạng cần giải pháp tốt hơn khi hiện nay các chế tài, cơ sở pháp lý, công cụ xử lý chưa đủ mạnh và công tác tuyên truyền ý thức người bán - người mua còn bất cập”, ông Đặng Hoàng An chia sẻ.

Tại đây Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” với sự tham gia của 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam: Adayroi, Lazada, Sando, Shopee, tiki. Theo cam kết, các sàn này sẽ phải gắn logo nói không với hàng giả trên website nhằm minh bạch thông tin các số hotline cùng quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh khiếu nại của người tiêu dùng về hàng gian - hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.

Tại hội thảo, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chô biết, năm 2018, riêng Cục quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra xử phạt gần 350 vụ với số tiền khoảng hơn 7 tỷ đồng, TP. Hà Nội xử phạt gần nửa tỷ đồng và gần đây nhất, vào tháng 2, cơ quan chức năng TP. Hà Nội bắt giữ, xử lý 1 lượng lớn hàng gian - hàng giả trị giá hơn 2 tỷ đồng. Chống gian lận thương mại ở ngoài đời - thế giới thực đã rất vất vả, việc kiểm tra - chống gian lận thương mại trên môi trường internet còn khó hơn rất nhiều.

“Trước tiên cần điều chỉnh về mặt chính sách bởi đặc điểm của thương mại điện tử - internet là khởi tạo rất nhanh nhưng cũng biến mất rất nhanh. Chúng ta đã có Nghị định 52 năm 2013 nhưng sau 6 năm cần xem xét để có thể đáp ứng tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng mới Nghị định về xử phạt hành chính trong thương mại điện tử đang được nghiên cứu cần có chế tài mạnh. Các sàn thương mại điện tử cần tăng cường trách nhiệm và có sự phối hợp tốt hơn giữa các bộ ngành, lực lương vì mỗi Bộ Công Thương không làm xuể. Cuối cùng là công tác tuyên truyền phổ biến để các chủ sàn và người tiêu dùng nhận biết được các website thương mại điện tử uy tín”, ông Trần Hữu Linh đề xuất.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận