Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 513 tỷ đổng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ, du lịch trong cơ cấu GDP, đưa ngành dịch vụ, du lịch trở thành ngành đóng góp lớn nhất vào GDP 6 tháng đầu năm 2024.
Điểm sáng 6 tháng đầu năm 2024
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, du lịch trở thành điểm sáng của nền kinh tế khi đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam nhờ nhu cầu du lịch nội địa tăng và khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) nửa đầu năm 2024 tăng 6,42%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ, du lịch tăng 6,64%, đóng góp 49,76% vào tăng trưởng chung.
Tính riêng trong tháng 7/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,15 triệu lượt, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, Du lịch Việt Nam đã đón xấp xỉ 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019. Phục vụ gần 80 triệu lượt khách nội địa.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, ngành du lịch duy trì mức tăng trưởng cao nhờ động lực từ chính sách visa thông thoáng, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh và nhu cầu du lịch nội địa của người dân tăng cao. Những yếu tố này đã giúp ngành du lịch trở thành một điểm sáng về kinh tế - xã hội trong Quý II và 6 tháng đầu năm 2024.
Cơ quan này dự báo trong thời gian tới, các ngành dịch vụ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực bởi các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Nhiều thị trường chính phục hồi mạnh mẽ
Nhờ chính sách thị thực thông thoáng và hiệu quả từ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế, kết quả đón khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 rất tích cực. Đáng chú ý, mặc dù hiện nay nước ta đang ở mùa thấp điểm du lịch quốc tế, tuy nhiên lượng khách quốc tế trong tháng này vẫn cao hơn 5,3% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Việt Nam khi mùa du lịch quốc tế cao điểm sắp bắt đầu. Số liệu cũng cho thấy hiệu quả từ chính sách thị thực thông thoáng và hàng loạt hoạt động xúc tiến quảng bá của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thời gian qua tại các thị trường chính như Pháp, Đức, Ý, Nga.
Theo thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các thị trường quốc tế trọng điểm đều đang phục hồi mạnh mẽ. Về quy mô thị trường: Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 26%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,1 triệu lượt (chiếm 21,4%). Đây là 2 thị trường chính đóng góp gần 1/2 tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024.
Ở vị trí thứ 3 là Đài Loan (732.000 lượt), Mỹ ở vị trí thứ 4 (478.000 lượt), Nhật Bản ở vị trí thứ 5 (380.000 lượt). Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Malaysia và Úc (281.000 lượt), Ấn Độ (272.000 lượt), Campuchia (260 nghìn lượt), Thái Lan (248.000 lượt).
Về động lực tăng trưởng: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó châu Á tăng 57% với động lực chính từ các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á: Trung Quốc (tăng 190%), Hàn Quốc (tăng 37%), Nhật Bản (tăng 34%), Đài Loan (tăng 76%).
Các thị trường Đông Nam Á cũng đạt tăng trưởng tốt, như Indonesia (tăng 107%), Philippines (tăng 58%), Malaysia (tăng 7%), Campuchia (tăng 15%), Singapore (tăng 6%). Hai thị trường tiềm năng ở vị trí thứ 7 và 8 là Úc và Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng tốt, đều đạt 27%. Các hoạt động kết nối thị trường, xúc tiến du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tại Úc trong tháng 6 vừa qua sẽ tạo động lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của thị trường này trong thời gian tới.
Các thị trường khu vực châu Âu tiếp tục tăng trưởng tốt trong 7 tháng năm 2024 với mức tăng khoảng 47%. Các thị trường chính đều tăng trưởng khả quan, như Anh, Pháp, Đức, Nga. Nhiều thị trường khác cũng có mức tăng trên 20% như Italia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Bỉ, Na Uy...
Tận dụng đà phục hồi, phát triển mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 đối với thị trường khách quốc tế, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, tổ chức chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ; tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế, trong đó có WTM 2024 tại Anh... để đón mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ đến trong những tháng cuối năm, cùng với hàng loạt hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở nhiều thị trường trọng điểm, kỳ vọng du lịch Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.
Sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra cho năm 2024
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, những kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua được ví như cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam. Nắm bắt được nhu cầu của du khách, nhiều hoạt động kích cầu, khuyến mại sản phẩm đã được triển khai, tiêu biểu là Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch quốc tế 2024... và nhiều chương trình xúc tiến hiệu quả tại các thị trường nước ngoài trọng điểm như châu Âu, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, các sự kiện để tạo điểm nhấn thu hút du khách cũng được các địa phương triển khai tích cực với nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội, chương trình nghệ thuật hấp dẫn. “Đây chính là bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức để thu hút du khách tới điểm đến”, ông Bình nhấn mạnh.
Lý giải nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, lượng khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách visa thị thực thuận lợi, chương trình kích cầu xúc tiến du lịch đã dần phát huy hiệu quả. Thời gian tới để tiếp tục thu hút du khách quốc tế chọn Việt Nam, ngành du lịch cần tiếp tục thực hiện tốt việc truyền thông, xúc tiến quảng bá trong tình hình mới, xác định rõ thị trường mục tiêu, tăng cường tiếp cận trực tiếp khách hàng để cung cấp thông tin điểm đến. Đồng thời cần có giải pháp nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ để giữ chân du khách ở lại và tiêu tiền nhiều hơn trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia…
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhận định, với đà tăng trưởng này, nếu toàn ngành nỗ lực chủ động vượt qua những khó khăn, đặc biệt là những khó khăn của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, thực hiện quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ và hoạt động quản lý, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch và tạo dựng môi trường điểm đến văn minh, thân thiện và hiếu khách, đồng thời tổ chức tham gia chuyên nghiệp các sự kiện và hoạt động xúc tiến du lịch, đặc biệt ở các thị trường quốc tế trọng điểm và tiềm năng, Du lịch Việt Nam sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra năm 2024./.