Dùng túi nilon tự hủy sinh học đúng cách

Người tiêu dùng không nên phụ thuộc vào khả năng tự hủy của túi nilon sinh học mà sử dụng tràn lan và không đúng cách.

 

Bên cạnh việc đồng loạt một số siêu thị lớn trong cùng hệ thống ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội sử dụng lá chuối để gói thực phẩm thì nhiều gia đình đã nhận thức được tác hại về môi trường do hệ lụy của việc dùng túi nilon thông thường nên đã thay thế bằng túi nilon tự hủy sinh học. Nhiều người thậm chí còn bọc thực phẩm bằng túi này để bảo quản trong tủ lạnh với ý nghĩ an toàn thực phẩm và không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mỗi hộp găng tay tự hủy sinh học gồm 100 cái có giá bán trên thị trường từ 22.000 - 60.000đ tùy loại. Còn giá bán túi nilon đựng thực phẩm sinh học là 25.000 - 50.000đ/cuộn. Trên mỗi hộp, bao bì thường ghi thông tin như: sử dụng chất liệu nhựa PE hay HDPE, tinh bột, phụ gia tự phân hủy, thân thiện với môi trường và có thể dùng để bảo quản các loại thực phẩm như thịt, cá, rau, củ quả… Do vậy, những sản phẩm này được người tiêu dùng ưa thích.

Nên tìm hiểu thông tin chất liệu để dùng túi nilon tự hủy sinh học an toàn.Khi hỏi về chất liệu thực sự làm ra những loại túi nilon tự hủy sinh học này cũng như sự an toàn khi sử dụng nó đựng thực phẩm? PGS.TS Trần Thượng Quảng, Trưởng bộ môn hóa hữu cơ (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: Chất liệu làm nên túi nilon tự phân hủy sinh học là hỗn hợp giữa các polyme có thể bị phân hủy sinh học và tinh bột. Một số loại polyme có thể bị phân hủy sinh học.

 Ví dụ: hỗn hợp giữa tinh bột và PVA, PCL hoặc PLA. Đây là dòng túi nilon phân hủy sinh học hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có loại chất liệu phân hủy sinh học một phần thành các phân tử nhỏ đó là loại hỗn hợp giữa tinh bột và polyethylene.

“Thật ra những túi nilon này để đựng thực phẩm tươi sống và những loại thực phẩm khô ráo. Mặc dù là sản phẩm rất có lợi cho môi trường, song người tiêu dùng không nên phụ thuộc vào khả năng tự hủy của sản phẩm mà sử dụng tràn lan và không đúng cách, cân nhắc để bảo vệ sức khỏe từ việc thay đổi thói quen dùng túi nilon bằng các vật dụng an toàn thay thế như hộp thủy tinh, sành, sứ…”, PGS.TS Trần Thượng Quảng phân tích.

Những túi nilon tự hủy sinh học tuy không độc hại nhưng lại có những chất phụ gia, chất bảo quản có thể gây độc nếu người tiêu dùng sử dụng không đúng cách. Do vậy, để an toàn, chỉ nên dùng đựng các thực phẩm khô, chưa chế biến và tránh để ở nơi ẩm ướt. “Người tiêu dùng có thể phân biệt túi nilon tự hủy sinh học bằng cách: sờ vào túi này thấy trơn mượt, thường có màu trắng hoặc trong suốt, không phong phú về màu sắc. Ngoài ra, có thể xác định sản phẩm phân hủy sinh học được mua về có độc hay không bằng cách đốt. Nếu thấy sản phẩm dễ cháy, không bốc khói thì tính độc hạn chế”, PGS.TS Trần Thượng Quảng lưu ý.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận