Mặc dù đã thực hiện quyết liệt các biện pháp trong phòng chống, nhưng sau gần 3 tháng xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã lây lan khắp 24 quận, huyện chăn nuôi trên địa thành phố Hà Nội.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở gần 8.000 hộ tại 24 quận, huyện chăn nuôi; làm mắc và tiêu hủy trên 120.000 con lợn (chiếm 6,54% tổng đàn), với trọng lượng khoảng 8.200 tấn. Các địa phương có số lợn bị tiêu hủy lớn là huyện Sóc Sơn, Quốc Oai, Đông Anh, Phú Xuyên…
Điều đáng chú ý, một số nơi sau khi đã khống chế được dịch thì nay đã tái phát như tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất), xã Phú Thị (huyện Gia Lâm), xã Liên Phương (huyện Thường Tín)...
“Chạy đua” phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ngành chức năng thành phố Hà Nội đã triển khai 4 đợt tiêu độc khử trùng môi trường, cấp 272 tấn hóa chất, 2.219 tấn vôi bột, 1.200 bộ test, 50 máy phun điện, 500 bộ bảo hộ phòng dịch cho các địa phương. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, hộ chăn nuôi về phương pháp phòng, chống dịch.
Tại huyện Thanh Trì, nơi có đàn lợn trên 15.000 con và cơ sở giết mổ lợn tập trung tại xã Vạn Phúc, hàng ngày giết mổ khoảng 1.800 con lợn, UBND huyện Thanh Trì đang tập trung mọi biện pháp khống chế, chống lây lạn dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết: “Đến thời điểm này, việc giết mổ ở khu tập trung vẫn được chúng tôi thực hiện rất nghiêm ngặt, từ thăm khám, giấy tờ nguồn gốc. Khi giết mổ xong thì kiểm tra thân thịt lợn, đóng dấu trước khi xuất bán. Trong quá trình kiểm dịch chú trọng khâu khử trùng tiêu độc khi xe vào và khi xe ra. Phối hợp với chi cục thú y chúng tôi đã test nhanh và tất cả đều âm tính”.
Theo nhận định của ngành chức năng Hà Nội, bất cập trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi hiện nay là lực lượng tham gia xử lý tiêu hủy lợn không được trang bị đầy đủ bảo hộ và chưa thực hiện chặt quy trình khử trùng phương tiện, dụng cụ khi ra vào vùng dịch. Một số địa phương chưa quản lý được hoạt động của thương lái đi thu gom lợn, trong đó có lợn ốm và đặc biệt là các hộ giết mổ nhỏ lẻ không có hệ thống xử lý nước, chất thải khi thải ra môi trường. Việc tiêu hủy số lượng lớn lợn gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất, quản lý hố chôn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc không tiêu hủy ngay lợn dịch đã làm nảy sinh lây lan bệnh tại khu vực.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, với mục tiêu cao nhất là ngăn chặn, khống chế dịch, Hà Nội luôn ưu tiên, tập trung nguồn lực để các quận, huyện phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Trước diễn biến phức tạp, nguy cơ kéo dài của dịch tả lợn châu Phi, thành phố đã đề nghị Chính phủ cho cơ chế để Hà Nội tăng mức hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nói: “Cái cơ bản là chúng ta phải tuyên truyền thật tốt, nhất là việc chăn nuôi an toàn sinh học. Điều này ở các trang trại làm tốt rồi, nhưng tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực sự được quan tâm...”.
Hà Nội là địa phương có tổng đàn lợn gần 2 triệu con, đứng thứ hai cả nước. Nếu dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng, tốc độ nhanh sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi và đời sống người dân. |
Huy Nam/VOV1