Những năm đầu thế kỷ 21, nước hoa được coi là mặt hàng xa xỉ dành cho số ít, thì nay, nhu cầu sử dụng nước hoa của người Việt đã gia tăng rất mạnh và tạo ra cơ hội cho những nhà pha chế và kinh doanh mặt hàng đặc biệt này.
Thị trường “mùi hương” của Việt Nam
Bắt đầu được nhân rộng trong phân khúc khách hàng đô thị khoảng 15 năm nay, thị trường nước hoa Việt Nam đặc biệt phát triển trong 5 năm trở lại đây với một thực tế là bất kể dòng nước hoa nào lên kệ các store nước ngoài hôm trước thì hôm sau đã xuất hiện ở Việt Nam, thậm chí sớm hơn. Tất cả các thương hiệu nước hoa đắt tiền, lạ, hiếm đều có ở Việt Nam, cho dù giá một chai có thể lên tới hàng nghìn USD như Clive Christian, Frederick Mall, hoặc thấp hơn một chút như Le Labo, MFK. Cùng với đó là những thương hiệu quen thuộc như Chanel, Dior, Lancôme, Bvlgari, Burberry, Elie Saab...
Cùng với những dạng đóng gói nước hoa thông thường như chai nguyên nilon, bộ nước hoa (gồm nhiều chai nước hoa hoặc một chai nước hoa và một số sản phẩm phụ trợ của cùng một hãng như sữa tắm, dầu gội, kem sau cạo râu, ví, móc khóa, dây chuyền…), nước hoa mini… thị trường Việt Nam còn có hai dòng sản phẩm khá đặc trưng là nước hoa tester và nước hoa chiết. Nước hoa tester là chai mẫu để khách hàng có thể thử mùi hương ở các trung tâm thương mại lớn, thường không có nắp và được đựng trong hộp bìa carton và theo quy định của các hãng thì không được bán. Nước hoa chiết là nước hoa được rút từ chai to sang chai nhỏ, dung tích khoảng 5ml hoặc 10ml cho khách hàng dùng thử. Hai loại nước hoa này được nhiều người ưa chuộng vì giá rẻ hơn rất nhiều so với một chai nước hoa tiêu chuẩn có dung tích tương ứng. Cùng với việc kinh doanh nước hoa chiết, các sản phẩm vỏ chai chiết, dịch vụ in decal tên nước hoa để dán lên chai chiết cũng rất phát triển.
Tuy nhiên, cái khó của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay là thị trường phát triển tự phát, việc mua bán chủ yếu thông qua internet và mạng xã hội nên cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý đều khó kiểm soát về nguồn gốc, giá cả cũng như chất lượng. Rất nhiều nước hoa giả, nhái (thường được gọi là nước hoa fake) chỉ có giá vài chục nghìn đồng/chai được một số trang bán hàng online bán với giá vài trăm nghìn đồng dưới danh nghĩa hàng nhập dư, thanh lý, thậm chí bị trà trộn bán cùng nước hoa chính hãng với giá hàng triệu đồng.
Một dòng sản phẩm khác cũng đang thịnh hành ở Việt Nam là nước hoa dạng copy-cat với mẫu mã và mùi hương tương tự như những dòng nước hoa được ưa chuộng, có thể kể ra đây thương hiệu Charme. Đáng chú ý là nước hoa copy-cat tuy được gắn mác Việt Nam nhưng thực chất sự đầu tư cho nghiên cứu phát triển đều rất ít, nguyên liệu và mẫu mã đều có chất lượng không cao, tuy nhiên giá cả phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng trẻ, đặc biệt ở thị trường nông thôn, khoảng 200.000 - 300.000 đồng/chai.
Thị trường nước hoa toàn cầu năm 2018 đạt trị giá khoảng 45,6 tỷ USD. Đến năm 2023 sẽ đạt giá trị khoảng 64,6 tỷ USD. Doanh số nước hoa nữ đạt 37,24 tỷ USD, nước hoa nam đạt 23,85 tỷ USD. Châu Âu vẫn chiếm thị phần lớn nhất với 35,98%. Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng kép 6,2%/năm.
|
Cơ hội cho các nhà sản xuất nội địa
Ít người biết được, từ những năm 70 của thế kỷ trước, Việt Nam đã có một số hãng sản xuất nước hoa nội địa, nhưng do chủ nước ngoài đầu tư. Một trong số đó là hãng nước hoa Imortel, tiền thân của Công ty cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn SCC. Sau nhiều lần tái cơ cấu, SCC đã đầu tư nhà xưởng, xây dựng quy trình ISO 9001:2000 áp dụng cho hoạt động quản trị. Sản phẩm Miss Sài Gòn không chỉ làm nên tên tuổi của doanh nghiệp mà còn được VCCI và hãng nghiên cứu thị trường AC Nielsen công nhận thương hiệu nổi tiếng. Các sản phẩm mới mang phong cách hiện đại như bộ sưu tập The Notes of Mekong, nước hoa của người nổi tiếng như Mỹ Tâm, Vũ Cát Tường cũng được thị trường đón nhận.
Những năm 1980, nước hoa Thanh Hương của ông chủ Nguyễn Văn Mười Hai cũng nổi đình đám đến mức nhắc đến nước hoa là nhắc đến Thanh Hương. Nếu như ông chủ trẻ ngày đó không vướng vòng lao lý thì sự phát triển của nước hoa Thanh Hương sẽ khó mà dự báo trước.
Trên thực tế, dù đã phát triển những thương hiệu nội nhất định, nhưng cũng như đa số các mặt hàng phi nông nghiệp khác, các nhà sản xuất nước hoa Việt Nam đều phải nhập khẩu hương liệu từ nước ngoài, và ngành sản xuất hương thơm thế giới cũng phụ thuộc vào một số nhà cung cấp hương liệu nhất định. Bởi vậy, theo một số perfumer (người pha chế nước hoa), xét ở góc độ kinh tế, sản xuất nước hoa không phải là lựa chọn khôn ngoan, bởi nguy cơ tới 90% là thất bại. Khách hàng trong nước vẫn còn nhiều định kiến với nước hoa nội, không tin tưởng vào các nhà pha chế trong nước. Nhiều người chỉ chọn sản phẩm Việt Nam khi giá rẻ hơn khoảng 60 - 70% sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nước hoa Việt như các sản phẩm của SCC, đặc biệt là bộ sưu tập Miss Saigon, Miss VietNam lại được khách hàng nước ngoài ưa chuộng bởi sự khác biệt.
Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm 7% - 12% doanh thu nước hoa. Giữ kỷ lục về giá bán hiện nay chính là Opera Prima của hãng Bvlgari (Italy) với 5,6 tỷ đồng. Thành phần nguyên liệu trong nước hoa chỉ chiếm gần 2% tổng chi phí.
|