Gần đây, người tiêu dùng, doanh nghiệp và cán bộ y tế đã có nhiều chuyển biến trong việc ưu tiên dùng thuốc Việt, tạo nên vị thế mới của ngành dược Việt Nam trên thị trường.
Thuốc Việt đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng của người dân
Tại Hội nghị tổng kết Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, với nhiều sáng tạo trong cách thức triển khai, 10 năm qua ngành y tế đã góp phần quan trọng làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng, doanh nghiệp và cán bộ y tế, tạo nên diện mạo mới của ngành dược Việt Nam, trong đó thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ngày càng tăng về số lượng, giá trị và được đánh giá cao về chất lượng, an toàn, hiệu quả.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: “Điều quyết định trong việc sử dụng thuốc trong nước chính là chất lượng an toàn, hiệu quả và chứng minh được giá trị chữa bệnh của thuốc trong nước không kém gì các thuốc nhập khẩu. Đến nay, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; Sản xuất được 12/13 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Nhiều sản phẩm thuốc được xuất khẩu ra khu vực và các nước châu Âu như Nga, Bulgari, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, các nước trong khu vực ASEAN”.
Các hoạt động tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đã tăng sự hiểu biết cho người dân, cán bộ y tế về thuốc Việt, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, giúp người dân hiểu đươc rằng thuốc nội bảo đảm hiệu quả điều trị, chất lượng trong khi giá thành rẻ hơn nhiều so với thuốc ngoại nhập.
Thuốc Việt ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường
Về cơ chế chính sách, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ/ngành liên quan đưa các nội dung liên quan đến Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 như ưu tiên trong việc đầu tư, nâng cấp nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP của các nước phát triển, ưu tiên trong hoạt động cấp giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc ít số đăng ký, dạng bào chế đặc biệt, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam, thuốc có báo cáo tương đương sinh học, đặc biệt là ưu tiên trong đấu thầu, cung ứng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Đến nay, nước ta đã có 652 sản phẩm thuốc trong nước có tài liệu chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.
“Bộ Y tế đã ban hành Danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu; thuốc sản xuất trong nước được phân nhóm để được đấu thầu riêng, đồng thời được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật. Với chính sách này, trong tương lai gần thuốc sản xuất tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ”, ông Vũ Tuấn Cường khẳng định.
“Chúng tôi luôn xác định chất lượng thuốc là yếu tố quyết định hiệu quả trong việc điều trị bệnh, là yếu tố quan trọng để đưa thuốc vào các cơ sở điều trị cũng như đảm bảo việc điều trị của người dân. Bộ Y tế đã tiến hành nhiều biện pháp để đảm bảo chất lượng trước khi đưa thuốc ra thị trường. Thuốc không đạt chất lượng ở Việt Nam những năm qua đạt tỷ lệ rất thấp (dưới 2%) đặc biệt tỷ lệ thuốc giả dưới 0,1% - đây là mức thấp nhất của các nước khu vực ASEAN” - Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). |
Đến nay, thuốc sản xuất trong nước đang ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường. Tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện tăng đáng kể. Tại Việt Nam, nhờ có vắc-xin và tiêm chủng, mỗi năm có hàng triệu trẻ em và phụ nữ được tạo ra miễn dịch chủ động để phòng bệnh… “Việt Nam đã có tên trong bản đồ của thế giới, là một trong những quốc gia tham gia sản xuất vắc-xin cúm, góp tay cùng với toàn cầu phòng chống đại dịch” - đây là nhận định của TS Lê Văn Bé, Viện trưởng Viện Vắc-xin và Sinh phẩm (IVAC), thuộc Bộ Y tế, đưa ra sau khi đơn vị này công bố sản xuất được các loại vắc-xin cúm mùa với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B và vắc-xin cúm đại dịch A/H5N1.
Với chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước, nhiều địa phương, bệnh viện đạt kết quả ấn tượng về sử dụng thuốc sản xuất trong nước và đạt mục tiêu của Đề án. Theo báo cáo, năm 2018 tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%. Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước.
Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.
Hương Giang