Để khách hàng không rời xa chợ truyền thống

Việc thay đổi phương thức kinh doanh dịch vụ, cơ sở hạ tầng đang là vấn đề đặt ra nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống.

 

Khoảng gần 340 chợ truyền thống ở TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của các kênh bán lẻ hiện đại với hàng ngàn cửa hàng tiện lợi, siêu thị và trung tâm thương mại nên sức mua ở các chợ truyền thống giảm xuống còn 60-65% so với trước đây. Bởi vậy, việc thay đổi phương thức kinh doanh dịch vụ, cơ sở hạ tầng đang là vấn đề đặt ra nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống.

Nằm ở vị trí giao thông thuận lợi và gần 5 khu chung cư nhưng việc buôn bán ở chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh vẫn khá ế ẩm. Theo nhiều tiểu thương, sức mua hiện nay chỉ bằng một nửa so với trước đây. Nguyên nhân do người tiêu dùng đang thay đổi thói quen và chuyển đến mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng tiện lợi...

Chợ Bến Thành không chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm, mà còn là nét văn hóa trong đời sống của người dân (ảnh: Trube)Bà Nguyễn Thị Tâm, ở quận 1 cho rằng, mua đồ ở chợ khách hàng thường hay mặc cả giá, khi đó người bán có thái độ không hòa nhã, thì người mua không thích và sẽ không quay lại nữa.

Thực tế, chợ truyền thống ở TP.HCM phần lớn được xây dựng cách đây khoảng 40-50 năm nên cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, quầy sạp nhỏ, lối đi nhỏ, chật hẹp, nóng bức… hệ thống thu gom rác chưa đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, chợ Bến Thành ở trung tâm quận 1, dù là điểm đến của du khách khi tham quan TP.HCM, nhưng hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Lê Quang Thiện, Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành, quận 1 cho biết: “Chợ Bến Thành hiện nay trong bán kính 200m, không có bãi giữ xe phục vụ cho người mua sắm. Mùa nắng chợ nóng, mưa thì dột. Nếu mưa lớn thì nước ngoài đường tràn vào chợ, ảnh hưởng đến việc kinh doanh và mất an toàn về điện”.

TP.HCM đang có chủ trương xã hội hóa mô hình quản lý, mô hình đã triển khai tại các chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thành phố sẽ không xây dựng thêm mà tập trung cải tạo, nâng cấp và kêu gọi đầu tư chuyển đổi sang mô hình công ty quản lý để có thêm nguồn lực đầu tư các chợ hoạt động hiệu quả hơn.

“Sở Công Thương đề xuất UBND thành phố có chính sách để kết hợp vay tiền ngân hàng, huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, hộ tiểu thương để đáp ứng nhu cầu xây dựng, chỉnh trang chợ. Đồng thời sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo cho ban quản lý chợ và tiểu thương về phương pháp kinh doanh mới. Sở sẽ tiếp tục thí điểm triển khai mô hình chợ an toàn thực phẩm và triển khai truy xuất nguồn gốc, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa”, ông Phạm Thành Kiên bày tỏ.

Hiện nay, điều khiến nhiều người tiêu dùng e ngại khi mua bán tại chợ truyền thống, đó là nguồn gốc hàng hóa. Trong khi đó, tại các kênh mua sắm hiện đại thì hàng hóa phong phú, có xuất xứ rõ ràng và đặc biệt là cung cách phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện nên ngày càng thu hút được nhiều khách hàng hơn.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, cần vận động tiểu thương kiểm tra hàng hóa định kỳ, thông tin rõ ràng... cũng là cách để người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm ở chợ truyền thống.

 “Chúng tôi đề nghị Ban quản lý chợ vận động tiểu thương có thể định kỳ kiểm tra nhanh hoặc đưa đi kiểm tra định lượng một số loại thực phẩm. Kết quả kiểm nghiệm như vậy sẽ minh chứng, thông tin rõ ràng đối với người tiêu dùng”, bà Kim Cúc nêu ý kiến.

Hiện nay, các kênh bán lẻ hiện đại phát triển mạnh mẽ, nhưng chợ truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng, bởi không chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm, mà chợ truyền thống còn là nét văn hóa trong đời sống của người dân, là điểm đến của du khách mỗi khi đặt chân đến TP.HCM. Cho nên, việc huy động mọi nguồn lực để đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, cũng như việc nâng cao kỹ năng phục vụ khách hàng của các tiểu thương tại chợ truyền thống là những việc làm cần thiết.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận