Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn sau dịch

Chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học là giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong bối cảnh hiện nay.

 

Phải đảm bảo an toàn dịch bệnh

Tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn” diễn ra sáng 6/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Thúc đẩy chăn nuôi lợn nhanh nhưng phải an toàn dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến chăn nuôi hộ và các hợp tác xã đáp ứng điều kiện an toàn sinh học”.

Chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là giải pháp chính được các đại biểu tập trung thảo luận để thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong bối cảnh hiện nay.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, đến nay tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn trước khi có dịch tả lợn châu Phi, tăng bình quân 5,78%/tháng. Trong đó, 9 tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có dịch. Chỉ tính riêng 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn và các điểm liên kết vệ tinh nuôi giữ khoảng 35% đàn lợn thương phẩm và tốc độ tái đàn lợn ở khu vực này đang tăng nhanh, đạt 17%.

Thúc đẩy tái đàn sau đại dịch

Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương, tái đàn lợn với các hộ chăn nuôi đủ điều kiện thực hiện an toàn sinh học cần được nhân rộng thời gian tới bởi đây là khu vực chiếm từ 60 - 65% tổng đàn lợn của cả nước. Hỗ trợ khôi phục đàn lợn sau dịch, nhiều địa phương đã ban hành những chính sách đối với những mô hình mới đối với chăn nuôi hộ và hợp tác xã.

Chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học là vấn đề được quan tâm hiện nay. (Ảnh: KT)

Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái chia sẻ:“Hỗ trợ phát triển các mô hình mới với quy mô nhỏ hơn nhưng tỷ lệ kinh phí hỗ trợ cao hơn so với trước đây. Như trước đây chỉ hỗ trợ các mô hình nuôi 100 lợn thịt, 15 lợn nái, hoặc 50 lợn thịt thì nay giảm quy mô xuống còn 50 lợn thịt cũng được hỗ trợ; 3 nái 30 lợn thịt cũng được hỗ trợ. Tức là yêu cầu đối với mô hình giảm xuống thì nhiều hộ gia đình được tiếp cận chính sách này, kể cả là hộ cận nghèo cũng có thể tiếp cận được”.

Khẳng định vai trò của chăn nuôi hộ và hợp tác xã trong thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn cũng như tái đàn sau dịch, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tốc độ tái đàn lợn ở các doanh nghiệp lớn hiện nay tăng rất nhanh, để đạt mục tiêu khôi phục đàn lợn cả nước bằng với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra vào cuối quý 3 và đầu quý 4 năm nay phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, đặc biệt chú trọng đến chăn nuôi hộ và các hợp tác xã đáp ứng điều kiện an toàn sinh học. Các địa phương cần nhanh chóng hoàn thành việc hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi có lợn chết và bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.

Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương, tái đàn lợn với các hộ chăn nuôi đủ điều kiện thực hiện an toàn sinh học cần được nhân rộng thời gian tới bởi đây là khu vực chiếm từ 60 - 65% tổng đàn lợn của cả nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, công tác tái đàn hiện nay cần nguồn vốn rất lớn vì vậy ngân hàng phải cùng đồng hành với bà con nông dân, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi để không chỉ phát triển nhanh mà còn hướng đến mục tiêu bình ổn thị trường với giá cả hợp lý, về lâu dài giảm bớt thiệt hại đối với ngành chăn nuôi. Các nhóm chính sách phải thực hiện đồng bộ từ khu vực Nhà nước đến các địa phương, trong đó đối với các hộ chăn nuôi, trang trại, hợp tác xã phải liên kết chặt chẽ theo chuỗi, trước hết phải tuân thủ nghiêm quy trình an toàn sinh học bởi vì nếu để xảy ra dịch bệnh thì nguy cơ rủi ro, thiệt hại đơn, thiệt hại kép là không thể lường hết được. Song song đó, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thương mại với vai trò dẫn dắt và trách nhiệm xã hội, tập trung chia sẻ các sản phẩm dịch vụ, con giống cho các nhóm hộ, hợp tác xã chăn nuôi.

“Chúng tôi yêu cầu các tỉnh, thành phố mời doanh nghiệp chăn nuôi lớn đóng trên địa bàn tổ chức triển khai. Yêu cầu rõ nhiệm vụ của doanh nghiệp lúc này phục vụ những sản phẩm, dịch vụ chính đăng ký của doanh nghiệp với giá cả hợp lý, đây là trách nhiệm thương mại, đây hoàn toàn theo đúng quy luật thị trường. Lúc nông dân cần thì lại không bán, hoặc là bán ít hoặc không đúng giá… Nhà nước vẫn hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ thị trường, khuyến khích tổ chức sản xuất, vẫn khuyến khích quản trị thay đổi để đảm bảo giá thành hợp lý nhất, vẫn có lợi cho doanh nghiệp, lợi cho người dân, đây là nghệ thuật nuôi dưỡng và bảo vệ thị trường lâu dài của chính doanh nghiệp chứ không phải chỉ có thị trường của cơ quan quản lý nhà nước, thị trường của người dân mà thị trường chung của chúng ta, doanh nghiệp phải có trách nhiệm”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.

Minh Long
 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận