“Phải tận dụng tối đa các điều kiện thúc đẩy du lịch nội địa để các doanh nghiệp không bị giải thể, phá sản. Các cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ, du lịch cộng đồng không phải dừng hoạt động, chuyển mục đích sử dụng do quá khó khăn”. Đây là đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với lãnh đạo một số bộ ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, do tác động của dịch Covid-19, trong 5 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm 58,5%. Tổng nguồn thu du lịch đạt 150 nghìn 300 tỷ đồng, giảm 47,4%. 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với tỷ lệ 52% của năm trước.
cục Trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh dự báo số lượng khách du lịch nội địa năm 2020 sẽ đạt khoảng 60-65 triệu lượt. Còn đối với khách quốc tế, trường hợp có thể đón khách vào đầu quý 3 năm nay thì sẽ đạt khoảng 6-8 triệu lượt. Nếu đón khách vào đầu quý 4 năm nay có thể đạt khoảng 4,5-5 triệu lượt.
Tại cuộc họp, các đại biểu cho biết hoạt động du lịch nội địa đã dần được phục hồi sau khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Viettravel, cần xây dựng vùng du lịch trọng điểm, làm hạt nhân để thúc đẩy vùng du lịch trọng điểm theo từng vùng, từ đó liên kết các vùng nhằm tạo động lực cho du lịch cả nước. Còn ông Nguyễn Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng Chính quyền địa phương cần đồng hành với các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các cơ sở du lịch cộng đồng.
“Chúng tôi nghĩ nhà nước đồng hành với các doanh nghiệp, có thể ở tinh thần hoặc vật chất, không nhất thiết lúc nào cũng phải chia sẻ tiền. Nhưng nhà nước phải thể hiện rất rõ những gì trong số những gói kích cầu để doanh nghiệp được hưởng, và cảm thấy yên tâm. Hay những chuyện rất nhỏ như vé tham quan ở điểm du lịch, hiện nay có nhiều tỉnh chưa giảm, dù không đáng bao nhiêu nhưng nó thể hiện sự đồng hành với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thế Bình nhấn mạnh.
Sau khi nghe các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ nhận thức rất rõ, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Hơn 40 nghìn doanh nghiệp du lịch, 4,5 triệu lao động và hàng triệu người phụ thuộc bị tác động rất lớn. Hiện, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ đứng trước sức ép rất lớn. Vì vậy, cần phải tìm cách tiếp sức thêm cho các doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh các kiến nghị về thuế, thị thực nhập cảnh, giá điện… Phó Thủ tướng cho rằng, ngành du lịch phải chuẩn bị tâm thế tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng đối với phòng, chống dịch là ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập từ bên ngoài để phát triển bên trong. Ngành du lịch phải tận dụng tối đa các điều kiện thúc đẩy du lịch nội địa để các doanh nghiệp không bị giải thể, phá sản. Các cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ, du lịch cộng đồng không phải dừng hoạt động, chuyển mục đích sử dụng do quá khó khăn.
“Chúng ta rất lo các cơ sở du lịch nhỏ lẻ, không trụ nổi sau phải bán. Rồi du lịch cộng đồng homestay không giúp thu ngân sách nhưng góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cụ thể của người dân, xây dựng nếp sống văn hoá ở các vùng. Cái này chúng ta phải có nghiên cứu và trình Chính phủ sớm cái giải pháp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, các bộ ngành tiếp tục thúc đẩy các phương thức làm việc từ xa; có phương án về thời gian các kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè của học sinh… để tạo điều kiện kích cầu du lịch. Đối với du lịch quốc tế cần chuẩn bị sẵn sàng nhưng chỉ mở ra khi thực sự an toàn. Các bộ, ngành, hiệp hội cần cùng bàn bạc, thống nhất, khi điều kiện cho phép sẽ chọn những địa bàn, thị trường thực sự an toàn; chọn trước một số điểm đến ở Việt Nam; có quy trình chặt chẽ từ cho phép nhập cảnh, vận chuyển đưa dón, quản lý du khách quốc tế theo tour./.
Phương Thoa/VOV1