Nhập khẩu lợn sống: Giải pháp hiệu quả giảm nhiệt giá thịt lợn trong nước

Hiện tại, công việc rà soát, chuẩn bị cho việc nhập khẩu lợn sống về để giết mổ tại Việt Nam nhằm tăng nguồn cung trong nước về cơ bản đã hoàn thành.

 

Liên tiếp những ngày gần đây, giá lợn hơi ở thị trường miền Bắc đã giảm xuống mức từ 90.000 - 95.000 đồng/kg. Nguyên nhân được cho là nhờ động thái sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, giá lợn hơi có xu hướng giảm rõ rệt, đây được xem là phản ứng của thị trường trước thông tin cơ quan chức năng dự kiến nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan.

“Hơn 1 tuần nay giá giảm, vừa rồi có dịch Covid-19 nên sức mua cũng giảm. Chúng tôi kinh doanh mà bán chậm đi ở lò lợn chắc cũng giảm nữa” - chị Đỗ Thanh Tuyền, tiểu thương ở chợ Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội nói.

Giá lợn sống nhập khẩu về từ Thái Lan khoảng trên dưới 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển phải đi qua các nước Lào, Campuchia được chuyển xe nhiều lần nên giá thành cũng sẽ bị đội lên ít nhiều, nhưng chắc chắn sẽ thấp hơn giá trong nước hiện nay. Không chỉ nhập khẩu lợn sống, thời gian qua các bộ ngành chức năng cũng tiến hành nhập khẩu lợn bố mẹ từ Thái Lan.

Việt Nam cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để nuôi, giết mổ từ 12/6. (Ảnh minh họa: internet)

 Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhập khẩu lợn giống từ nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi. Mặc dù vậy, về lâu dài để giải quyết bài toán cung – cầu và ổn định giá thịt lợn vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thúc đẩy tái đàn lợn ở các địa phương.

“Bình ổn được ngành hàng thịt lợn phải xác định sản xuất trong nước và quan trọng nhất là phải tái đàn. Ngoài các địa phương đã làm tốt việc tái đàn, vẫn còn những tỉnh, thành phố tỷ lệ tái đàn chưa cao, vì vậy cần tập trung tái đàn trở lại. Trong tái đàn nếu chỉ tập trung ở những công ty lớn chúng tôi cho là chưa đủ bởi vì hiện nay chăn nuôi nông hộ và gia trại chiếm hơn 60% tổng đàn lợn của các nước vai trò khu vực này là rất quan trọng” - ông Dương nói.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ tái đàn lợn nhanh nhất trong thời gian qua, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang thì cho rằng, việc nhập khẩu lợn giống bố mẹ sẽ sớm cho lợn giống con, giúp đáp ứng được nhu cầu tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi, để bình ổn giá thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Theo tôi cần khuyến khích mạnh hơn những gia trại, nông hộ mạnh dạn trong tái đàn để giúp tổng đàn tăng nhanh trở lại thì nguồn cung sẽ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, giảm giá thịt lợn trong thời gian tới” - ông Tùng nói.

Đến thời điểm hiện tại, công việc rà soát, chuẩn bị cho việc nhập khẩu lợn sống về để giết mổ tại Việt Nam nhằm tăng nguồn cung thịt lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước về cơ bản đã hoàn thành.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản số 3936/BNN-VP gửi Cục Thú y, đồng ý đề xuất của Cục Thú y về việc nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, đây là vấn đề quan trọng, phải tuân thủ không chỉ quy định kiểm dịch trong nước, mà còn phải theo các quy định quốc tế, nên các thủ tục phải được kiểm tra, cân nhắc kỹ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình thực hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đảm bảo lợi ích của cả 3 nhóm đối tượng là người chăn nuôi, người chế biến và người tiêu dung.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu phía Thái Lan cung cấp thông tin về giám sát dịch bệnh, tiêm phòng đàn vật nuôi đáp ứng miễn dịch các bệnh trên lợn. Hiện nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng, nguồn nhập khẩu dồi dào khi Thái Lan lấy mẫu xét nghiệm và gửi hồ sơ sang Việt Nam, chúng ta sẽ tiếp tục cách ly lợn sống nhập khẩu và xét nghiệm nếu đảm bảo sẽ đưa vào giết mổ để cung cấp ra thị trường, giảm áp lực về giá, cân đối cung cầu đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi, người chế biến và người tiêu dung” - Thứ trưởng Tiến cho biết.

Để bình ổn giá thịt lợn, đảm bảo cân đối cung - cầu ngành hàng thịt lợn thời gian tới vẫn rất cần sự đồng hành của người tiêu dùng trong thay đổi thói quen sử dụng thịt lợn truyền thống sang thịt lợn động lạnh để góp phần bình ổn giá thịt lợn trên thị trường./.

Minh Long/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận