Tín hiệu tích cực trong bình ổn thị trường thịt lợn

Việc nhập khẩu lợn chỉ là giải pháp trong ngắn hạn giúp hạ nhiệt giá lợn hơi trong nước. Giải pháp căn bản, dài hạn vẫn là tập trung cho việc tái đàn.

 

Việc tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các đơn vị chăn nuôi nhập khẩu lợn bố mẹ và lợn con đã mang lại tín hiệu tích cực, từng bước bình ổn giá thịt lợn trong nước.

Kinh nghiệm trong bình ổn khi mất cân đối cung cầu

Theo các chuyên gia, việc mất cân đối cung - cầu nguồn thịt lợn hiện nay không thể đòi hỏi giá thịt lợn phải giảm mạnh ngay tức thì. Bản thân doanh nghiệp, người chăn nuôi vừa qua bị tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh, nên tâm lý muốn tận dụng giá thịt lợn cao để tranh thủ kiếm lời cũng là điều dễ hiểu. Bài toán đặt ra là cần làm gì để đưa sản phẩm thịt lợn về đúng giá trị thực, để vừa đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, vừa bình ổn thị trường giá cả. Đây cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp tham gia đồng hành nhập khẩu lợn sống trong thời gian qua.

 Việc tái đàn và chăn nuôi nông hộ là biện pháp tốt nhất bình ổn thị trường thịt lợn. (Ảnh: Trube)

Ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức cho biết, đến tháng 8 năm nay doanh nghiệp sẽ hoàn tất việc nhập khẩu toàn bộ 20.000 con lợn bố mẹ và 200 lợn đực giống từ Thái Lan về Việt Nam. Số lợn này không những đáp ứng đủ con giống để tăng đàn và tái đàn cho các trang trại vệ tinh mà còn cung cấp con giống ra thị trường đáp ứng nhu cầu tái đàn cho các gia trại, trang trại ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Vĩnh Phúc.

“Trong giai đoạn này Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp cùng chia sẻ với người tiêu dùng về giá thịt lợn, việc nhập khẩu lợn giống là hết sức cần thiết. Nó không chỉ giúp doanh nghiệp có con giống để tái đàn mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp phải làm sao giảm được nhanh nhất giá thịt lợn hơi trên thị trường để bảo đảm lợi ích người tiêu dùng và chỉ số giá tiêu dùng”, ông Phạm Trần Sum nhấn mạnh.

Đến tháng 8 năm nay doanh nghiệp sẽ hoàn tất việc nhập khẩu toàn bộ 20.000 con lợn bố mẹ và 200 lợn đực giống từ Thái Lan về Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Tuấn)

Đại diện một số doanh nghiệp tham gia nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam thời gian qua cho rằng, trong thời điểm nguồn cung trong nước đang thiếu hụt thì việc nhập khẩu lợn sống về là một trong những giải pháp tức thì để bổ sung cho nguồn cung thịt lợn trong nước. Tiếp tục hiện thực hóa chủ trương này, trong 2 ngày 30/6 và 1/7, các cơ quan chuyên ngành thú y của Bộ NN&PTNT đã phối hợp với 4 doanh nghiệp nhập khẩu lô lợn sống lớn nhất từ Thái Lan về Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc công ty TNHH Một thành viên dịch vụ quốc tế Đồng Lợi -1 trong 4 doanh nghiệp vừa nhập khẩu lô lợn để giết mổ làm thực phẩm cho biết: “Thấy giá thịt lợn trong nước tăng đột biến nên doanh nghiệp mong muốn cùng Bộ NN&PTNT bình ổn giá thị trường. Kế hoạch của doanh nghiệp là sẽ nhập khẩu cả lợn thịt và lợn giống để cung cấp cho thị trường trong nước. Công ty dự kiến nhập khẩu khoảng 1.000 con/ngày cung cấp thực phẩm cho thị trường miền Trung và Tây Nguyên cũng như các đối tác ở những địa phương trên cả nước khi có yêu cầu”.

Những giải pháp bình ổn

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá thịt lợn hơi trong nước những ngày gần đây giảm nhẹ là do tâm lý lo sợ lợn Thái Lan ồ ạt nhập khẩu về Việt Nam nên các thương nhân và giới đầu cơ đồng loạt bán ra tránh rủi ro. Về cơ bản, nguồn cung trong nước vẫn đang thiếu hụt. Việc nhập khẩu lợn hơi từ Thái Lan chỉ là giải pháp trong ngắn hạn giúp hạ nhiệt giá lợn hơi trong nước. Giải pháp căn bản và dài hạn nhất vẫn là tập trung cho việc tái đàn.

Giải pháp căn bản và dài hạn để bình ổn thị trường thịt lợn vẫn là tập trung cho việc tái đàn. (Ảnh: Mạnh Tuấn)

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng:“Để bình ổn được ngành hàng thịt lợn thì phải đảm bảo sản xuất trong nước và quan trọng nhất là phải tái đàn. Ngoài các địa phương đã làm tốt việc tái đàn, vẫn còn những tỉnh, thành phố tỷ lệ tái đàn chưa cao thì cần tập trung tái đàn trở lại. Chúng tôi cho rằng, trong tái đàn nếu chỉ tập trung ở những công ty lớn là chưa đủ bởi vì hiện nay chăn nuôi nông hộ và gia trại chiếm hơn 60% tổng đàn lợn của cả nước. Vai trò thúc đẩy tái đàn ở địa phương là rất quan trọng”.

Để khôi phục ngành chăn nuôi lợn góp phần bình ổn nguồn cung thị trường và giá thịt lợn trong thời gian sớm nhất, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định trước mắt phải quyết liệt ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học ở mức cao nhất. Trong bối cảnh nguồn cung con giống trong nước chưa đáp ứng yêu cầu, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường nhập khẩu lợn giống bố mẹ để đáp ứng con giống phục vụ công tác tăng đàn và tái đàn.

“Các doanh nghiệp có thể nhập lợn sống về cần đảm bảo xét nghiệm âm tính, để giết mổ ngay. Với lợn nhỏ trọng lượng từ 10-30kg có thể tiếp tục nuôi sẽ đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng”, ông Phùng Đức Tiến hướng dẫn.

Cùng với các giải pháp đồng bộ đang triển khai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sự tham gia của người tiêu dùng trong việc sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, chuyển sang tiêu dùng các loại thực phẩm khác như: thịt bò, gia cầm, trứng là rất quan trọng, từ đó giảm tiêu thụ thịt lợn. Một khi người dân giảm thói quen ăn thịt “nóng”, chuyển sang ăn thịt nhập khẩu và dần đa dạng hóa thực phẩm, thì doanh nghiệp chăn nuôi cũng không thể mãi “neo” giá thịt ở mức cao được./.

Minh Long


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận