Thị trường bất động sản luôn có nhiều biến động và tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế cũng như độ an toàn của các hoạt động tín dụng. Tuy nhiên đây là lĩnh vực hấp thụ khá tốt những hiệu quả tích cực mà việc nới lỏng giãn cách xã hội mang lại.
Hành lang pháp lý dần hoàn thiện
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục. Doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từng bước đưa sản xuất kinh doanh vào hoạt động trở lại. Hoạt động kinh doanh bất động sản đã có tiến triển tốt hơn, thị trường bất động sản đang dần từng bước khôi phục lại sau thời gian giãn cách xã hội và được kỳ vọng sớm lấy lại đà tăng trưởng phát triển.
Một trong những điều kiện thuận lợi để thị trường dần hồi phục đó là Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 và Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 với nhiều nội dung, quy định mới, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở, bất động sản; đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về Đầu tư, Đầu tư công và pháp luật về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cùng với đó là một số chính sách đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, nhất là những chính sách liên quan nhiều tới bất động sản cho người có nhu cầu nhà ở thực sự như nhà ở xã hội, chung cư, nhà ở thương mại giá thấp...
Nhờ đó, tất cả các lĩnh vực kinh doanh bất động sản đều có dấu hiệu khởi sắc. Trong lĩnh vực nhà ở, quý II/2020 cả nước có 325 dự án được cấp phép; 1.425 dự án đang triển khai xây dựng; 73 dự án hoàn thành. Số lượng dự án nhà ở được cấp phép tăng mạnh so với Quý I/2020, nhất là ở một số địa phương trọng điểm như: Hà Nội với 8 dự án, TP. Hồ Chí Minh 4 dự án, trong khi quý I cả hai thành phố này không có dự án nào được cấp phép. Tương tự, lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng có 92 dự án được cấp phép; 91 dự án đang triển khai xây dựng; 12 dự án hoàn thành. Ở một số địa phương số lượng dự án đã tăng từ 0 trong quý I/2020 lên 2 - 3 dự án trong quý II.
Giao dịch bất động sản có dấu hiệu khởi sắc
Sự khởi sắc của thị trường được thể hiện ở chỗ số giao dịch bất động sản thành công trong quý II bằng khoảng 130 - 140% quý I/2020 với 29.674 giao dịch. Tính đến thời điểm tháng 7/2020, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại cùng với các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước, doanh nghiệp đang trên đà phục hồi sau thời gian dài giãn cách xã hội, hiệu suất kinh doanh bình quân ngày một tăng, đạt khoảng 30-40%.
Đáng chú ý là giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm như nhiều người lo ngại mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với quý I/2020. Tại TP. Hồ Chí Minh giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15%. Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước trong khi giá mặt bằng kinh doanh giảm khoảng 30-50% so với trước đây, số mặt bằng trống tăng dần. Nhà phố, nhà riêng cho thuê giá giảm cả ở hai thành phố lớn với giá chào thuê ở Hà Nội giảm từ 2-7%, tại TP. Hồ Chí Minh giảm tới 5-16% so với quý trước.
Tính đến thời điểm này ước tính khoảng 15% sàn giao dịch bất động sản vẫn phải đóng cửa hoạt động, nhưng số lượng sàn thành lập mới tăng khoảng 20%. Như vậy, sau đợt cao điểm của đại dịch Covid thì số lượng sàn giao dịch bất động sản hoạt động gần như không thay đổi, thậm chí có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài chỉ bằng 95,1% so với cùng kỳ, và lĩnh vực bất động sản đã lùi từ vị trí thứ hai trong thu hút FDI xuống vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký gần 850 triệu USD, chiếm khoảng 11% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới.
Việc dịch Covid-19 xuất hiện trở lại và tăng nhanh ở Việt Nam sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng thực sự là một thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Chính phủ đang nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản, góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước. Với nội lực của ngành bất động sản, chúng ta vẫn có thể kỳ vọng thị trường tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng 2020./.