Từ 1/10/2020, Nghị định 91 của Chính phủ về “Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác” chính thức có hiệu lực. Các tổ chức, cá nhân khi gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại quảng cáo đến các số thuê bao điện thoại trong “Danh sách không quảng cáo” có thể bị xử phạt lên tới 100 triệu đồng. Nghị định 91 nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng thuê bao di động điện thoại như thế nào?
Bắt đầu từ ngày 1/10, các cuộc gọi điện thoại quảng cáo hoặc nhắn tin quảng cáo không được sự đồng ý của người sử dụng điện thoại được coi là quảng cáo rác và có thể bị xử phạt. Điều 32 của Nghị định 91 nêu rõ, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, đối với một trong các hành vi như: Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng; Gọi điện thoại đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo… Mức phạt có thể lên tới 80 đến 100 triệu đồng đối với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong “Danh sách không quảng cáo”. Thông tin về việc đăng ký tham gia “Danh sách không quảng cáo” có thể giúp các chủ thuê bao di động không bị ép buộc nhận tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo cũng được khá nhiều người hài lòng.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ với Nghị định 91 này, nhất là khi giờ đây chúng ta có thể tìm được rất nhiều thông tin trên mạng Internet. Nói chung là cũng không cần mất quá nhiều thời gian để đọc những tin nhắn quảng cáo. Thậm chí là tôi thấy có người đã bị lừa mất tiền, vì những tin nhắn quảng cáo như thế”, một chủ thuê bao di động chia sẻ.
“Danh sách không quảng cáo” là tập hợp số điện thoại mà người có quyền sử dụng số điện thoại đó đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào. Như vậy, khi đăng ký vào “Danh sách không quảng cáo”, thì các chủ thuê bao di động sẽ được bảo vệ quyền lợi.
“Việc có thêm những hành lang pháp lý, tạo tiền đề cho việc bảo vệ nhân thân, trong đó có số điện thoại là hết sức cần thiết. Số điện thoại của chúng ta cũng nằm trong dữ liệu cá nhân và ở thời công nghệ số như hiện nay, thì dữ liệu cá nhân chính là tài sản, chính là tiền bạc. Vì vậy ngăn chặn tin nhắn rác tới điện thoại, ngăn chặn cuộc gọi rác, ngăn chặn cái thư điện tử rác là rất quan trọng” - ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam VSEC nhận định.
Trong vòng 90 ngày từ ngày 1/10 khi Nghị định 91 có hiệu lực, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chuyển hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác trên đầu số mới là 5656. Ngoài ra, Khoản 3, Điều 13 của Nghị định 91 quy định, khi người sử dụng từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời sau khi nhận quảng cáo đầu tiên, người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo đến số điện thoại đó. Khoản 4, Điều 13 quy định thêm: Nếu trước đó đã được người sử dụng đồng ý nhận quảng cáo, nhưng sau đó yêu cầu từ chối, thì người quảng cáo phải chấm dứt việc gửi quảng cáo.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Người quảng cáo sẽ phải tuân thủ các quy định mới. Khi người nhận người ta có nhu cầu nhận quảng cáo, thì chúng ta khuyến khích”.
Như vậy, khi Nghị định 91 có hiệu lực, người làm dịch vụ quảng cáo phải lưu ý về tần suất, thời gian gửi tin nhắn, email, gọi điện quảng cáo, không được gửi quá 3 tin nhắn trong vòng 24 giờ, thời gian được gửi tin nhắn quảng cáo từ 7 - 22 giờ. Không được gọi quá một cuộc gọi quảng cáo trong vòng 24 giờ và chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 8 - 17 giờ./.
Mai Hạnh/VOV1