Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm Việt Nam lần thứ ba

Trong 2 ngày 1 và 2/11/2023, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte sẽ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

 

Chuyến thăm thứ 3 của Thủ tướng Mark Rutte diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hà Lan tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư, thương mại, nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong 2 ngày 1 và 2/11/2023, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte sẽ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. (Ảnh: AFP)Kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Hà Lan (năm 2010) tới nay, đây là lần thứ 3, Thủ tướng Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam (2 lần trước vào tháng 6/2014 và tháng 4/2019). Đặc biệt, chuyến thăm lần này diễn ra chỉ sau 9 tháng kể từ chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thể hiện Hà Lan coi trọng vị thế và quan hệ với Việt Nam.

Thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973, kể từ đó, Việt Nam và Hà Lan đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh… và ngày càng đi vào chiều sâu.

Chuyến thăm thứ 3 của Thủ tướng Mark Rutte diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hà Lan tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư, thương mại, nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước (năm 2010), Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (năm 2014) và Đối tác toàn diện (năm 2019).

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam vào năm 2014. (Ảnh: TTXVN)

Về chính trị - ngoại giao, hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn, đặc biệt là đoàn cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 12/2022). Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thăm Hà Lan vào tháng 7/2017 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hà Lan vào tháng 3/2018.

Hai nước cũng duy trì nhiều cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban liên Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước, Hội nghị Bộ trưởng đánh giá thực hiện Thỏa thuận đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Hai nước có sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế.

Về kinh tế, Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu. Quan hệ hai nước được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả. Trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt 11,09 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021. Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam với khoảng 400 dư án đầu tư, tổng vốn đạt 13,5 tỷ USD, trong đó nổi bật có các dự án đầu tư của các tập đoàn lớn, hiện đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam như Heineken, Unilever, Royal Dutch Shell, Foremost, Akzo Nobel Coating, Phillips… Đồng thời cũng là nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam lớn nhất tại châu Âu với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 11 tỷ USD.

Thủ tướng Mark Rutte gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong lần thứ hai thăm Việt Nam năm 2019. (Ảnh: TTXVN)

Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đầu tư sang Hà Lan. Theo trang tin điện tử đầu tư nước ngoài (Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 9/2021, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang Hà Lan 7 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 35 triệu USD. Đầu tư của Việt Nam sang Hà Lan chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bán buôn bán lẻ và công nghiệp chế biến chế tạo.

Về hợp tác phát triển, Hà Lan tiếp tục viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong nhiều chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nước, nông nghiệp bền vững… Hai bên cũng mở rộng hợp tác trong một số lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo, giao thông vận tải, kinh tế tuần hoàn… Hợp tác giữa các địa phương của hai nước chủ yếu trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, xử lý chất thải, thành phố thông minh.

Năm 2023, Việt Nam và Hà Lan kỷ niệm 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Hà Lan trong hơn 4 năm qua sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hà Lan đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nước, nông nghiệp bền vững…, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới, đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hà Lan bước vào giai đoạn phát triển mới, triển khai các kết quả của chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 12/2022.

PV/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận