Diễn viên kịch TPHCM chật vật với nghề

Sân khấu kịch tại TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn. Cát-sê không đủ sống khiến đội ngũ diễn viên kịch ngày càng chật vật với nghề.

 

Sân khấu kịch ngày càng vắng khán giả

Để sân khấu sáng đèn và diễn viên sống được thì cần có khán giả, cần bán được vé. Mỗi vở kịch công diễn, ngoài kịch bản hay, đạo diễn giỏi và sự đầu tư của diễn viên, vở diễn sẽ chỉ thành công khi có sự quan tâm, đón nhận, ủng hộ từ phía khán giả. Vài năm trước, những sân khấu có tiếng như 5B, IDECAF, Hoàng Thái Thanh... liên tục ra vở mới, đông khán giả và diễn viên kịch có thu nhập khá, đủ để sống với nghề. Nhưng hiện nay, hầu hết các sân khấu kịch tại TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về tài chính để duy trì hoạt động. Không một chủ sân khấu nào có thể tự tin đảm bảo lương cứng hay cát-sê từng vai diễn cho các diễn viên cơ hữu của mình.

Hậu trường chuẩn bị cho một vở diễn của các diễn viên trẻ.
Năm 2020, mặc dù nhiều sân khấu cố gắng sáng đèn hàng tuần, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khán giả ngại đến xem nên tất cả các vở diễn đều phải bù lỗ. NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B cho biết: “Các sân khấu tại thành phố nói chung và Sân khấu 5B nói riêng vẫn sáng đèn, diễn thường xuyên, nhưng lượng vé bán ra phải bù lỗ suốt, bù lỗ trắng đêm. Trong năm 2020, tôi đã làm 7 tác phẩm, tiền đầu tư mất trắng, không những không lấy được vốn để tái đầu tư mà phải bỏ tiền túi để đầu tư tiếp”.

Diễn viên trẻ phải đi bán hàng rong để nuôi nghề diễn

Sân khấu kịch duy trì được trong thời điểm hiện nay phần lớn là từ tâm huyết của diễn viên, nghệ sĩ. Chủ sân khấu chấp nhận bù lỗ, đạo diễn thì tìm thêm các chương trình khác để làm, diễn viên thì kiếm sống bằng công việc không chuyên... Mọi người đều cố gắng bám trụ, theo đuổi đam mê diễn kịch.

Những buổi có khán giả hiếm hoi của một sân khấu kịch trẻ, đa số vẫn là khách mời.

Diễn viên Vĩnh Thịnh đang phụ trách một nhóm diễn viên trẻ của Sân khấu Kịch Quốc Thảo cho biết: Trong nhóm hầu như ai cũng phải làm thêm nhiều ngành nghề để có tiền trang trải cuộc sống, có người gặp hoàn cảnh rất khó khăn. Vất vả là vậy, nhưng khi được đứng trên sân khấu với vai diễn của mình, ai cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. “Có bạn sáng dậy phụ mẹ bán cua, có bạn đi dạy, có bạn bán xôi, có bạn đi phục vụ quán cà phê, nhà hàng. Bây giờ, dù chỉ có một khán giả thì mình cũng phải diễn, diễn hết mình, cảm xúc từ bên trong của mình khi được diễn cảm thấy sung sướng không diễn tả được bằng lời”, Vĩnh Thịnh chia sẻ.

Cát-sê thấp, buổi diễn không nhiều, nhưng phần lớn diễn viên, nhất là diễn viên trẻ ở sân khấu này đều cố gắng gắn bó với nghề bởi được diễn trên sân khấu là đam mê mỗi người. Thậm chí, có buổi diễn vắng khán giả thu không đủ chi, không có tiền trả thù lao cho diễn viên. Những lúc đó mọi người lặng lẽ ra về để tránh khó xử cho đạo diễn, bầu sô. Diễn viên Trường Phúc tâm sự: cát- sê thấp, lúc có lúc không, nhưng diễn thì cứ diễn thôi, diễn chỉ vì đam mê: “Chúng em chỉ nhận được cát-sê khoảng 500.000 đồng là nhiều nhất. Đó là buổi khích lệ tinh thần đầu tiên thì mới có cát-sê như vậy. Sau đó các bạn ổn định từ 150.000 đến 200.000 đồng, có hôm nhận cát-sê chỉ 20.000 đồng. Bao giờ thì nghề này đủ nuôi sống em, đó là điều mà em rất trăn trở và chưa trả lời được”.

Các bạn diễn viên trẻ tự tay chuẩn bị đạo cụ cho vở diễn.

Sống với đam mê và hy vọng

Là “người đưa đò” cho nhiều thế hệ diễn viên trẻ từ năm 2017, sau khi trở về từ Mỹ với các khoá học chuyên sâu về loại hình kịch nói, NSƯT Quốc Thảo ấp ủ nhiều dự định về nghề. Theo ông, hầu hết nghệ sĩ phải vật lộn với cơm áo gạo tiền hàng ngày, vì vậy, để gắn được với sân khấu kịch thì phải thật sự đam mê. Chính niềm đam mê ấy giúp diễn viên trẻ vượt qua trở ngại và những cám dỗ nhất thời. “Nhiều phụ huynh không muốn con mình làm một cái nghề bấp bênh. Tôi trong các bài giảng dạy của mình luôn luôn nói với các em: Quan trọng nhất là các em phải đủ đam mê thì mới theo nổi nghề này, chứ nếu chỉ thích cái ánh hào quang của nó, thích ánh đèn sân khấu, thích những cái gì mà các em thấy được ở những ngôi sao trên sân khấu thì chắc chắn một ngày nào đó các em cũng sẽ chịu thua thôi”, NSƯT Quốc Thảo tâm sự.

Được hướng dẫn từ các thế hệ diễn viên tên tuổi đi trước là một trong những may mắn mà diễn viên trẻ.

NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cho biết: Khó khăn của sân khấu kịch là khó khăn chung của tất cả những người làm nghề. Vì vậy, Hội rất cần sự quan tâm, chung tay của ngành chức năng và chính quyền trong việc tạo điều kiện về mặt bằng sân khấu biểu diễn, đào tạo diễn viên trẻ và tổ chức các giải thưởng xứng đáng để họ gắn bó lâu dài với sân khấu kịch.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nghệ sĩ, diễn viên kịch nói tại TP.HCM vẫn không ngừng sáng tạo, tìm hướng đi khác biệt, dành thời gian đầu tư cho tác phẩm để duy trì nghiệp diễn. Các nghệ sĩ, diễn viên kịch luôn mong chờ sân khấu kịch hưng thịnh trở lại để họ có thể sống được với nghề, với đam mê mà mình đã chọn./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận