Họa sĩ Lê Thế Anh: 'Cần có văn bản cam kết về việc bảo vệ tác phẩm'

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam được tổ chức thường niên 5 năm một lần, là sự kiện nghệ thuật lớn được giới hội họa quan tâm.

 

Thế nhưng hầu như kỳ triển lãm nào cũng xảy ra sự cố liên quan đến việc xước tranh, hỏng tranh. Triển lãm diễn ra mới đây tại Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cũng không ngoại lệ. Phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Thế Anh - giảng viên Khoa Thiết kế mỹ thuật, Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội về vấn đề này.

Trách nhiệm thuộc về Ban tổ chức

Triển lãm mỹ thuật Việt Nam năm 2020 có hơn 10 bức tranh bị xước, bị hỏng trong quá trình vận chuyển. Anh có ý kiến như thế nào về sự cố không mong muốn này?

Triển lãm mỹ thuật 2020 quy tụ số lượng tranh khá lớn của họa sĩ thuộc nhiều vùng, miền, trong khi không gian của trung tâm Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam lại không đủ đáp ứng. Bên cạnh đó, số lượng nhân viên phục vụ cho triển lãm không đủ nhiều và có người kỹ thuật chưa đạt chuẩn. Vì vậy, việc một số bức tranh bị xước, bị hỏng là một điều đáng phải lưu ý đối với Ban tổ chức cũng như là nỗi niềm băn khoăn đối với họa sĩ.   

 

Với những tranh bị hỏng, bị xước ai là người phải chịu trách nhiệm, thưa anh?  

Khi một bức tranh đến với triển lãm nó trải qua nhiều công đoạn, từ đóng gói đến vận chuyển, nhận hàng, bảo quản… Với các bức tranh bị hỏng tại triển lãm lần này theo tôi biết là lỗi của các kỹ thuật viên trong quá trình tập hợp tranh về triển lãm và mi tranh, treo tranh. Hầu hết tranh bị xước sâu ở bề mặt hoặc ở các góc. Hơn nữa đã có xác nhận là trước khi đến với triển lãm, các bức tranh hoàn toàn vẹn nguyên. Như vậy, trách nhiệm thuộc về Ban tổ chức.

Ngay sau khi khai mạc triển lãm, Ban tổ chức đã họp báo về vấn đề này. Theo anh, phản hồi của Ban tổ chức đã thỏa đáng hay chưa?

Trong cuộc họp báo, Ban tổ chức đã đưa ra quan điểm nhưng tôi thấy chưa thỏa đáng. Họ cho rằng, triển lãm vẫn phải trải qua những chu trình như thế thì vẫn có những sự cố lặp lại như thế. Tôi nghe mà hoang mang không biết kỳ sau có còn dám gửi tranh tham gia triển lãm nữa hay không? Cần đặt ra những câu hỏi như có nhất thiết tập trung một số lượng tranh lớn về một địa điểm hay không? Liệu có thể chia tranh ra thành nhiều thể loại khác nhau, trưng bày ở các không gian đặc trưng, tránh gây áp lực cho Ban tổ chức và có khi lại tạo hiệu quả tốt cho việc theo dõi của người xem. Ví như có thể thực hiện những triển lãm chuyên đề về sơn mài hay sơn dầu, điêu khắc, đồ họa…

Với những tranh được chọn để trưng bày trong triển lãm nhưng lại bị xước không thể xuất hiện, thậm chí họa sĩ không thể bán tranh thì phải giải quyết như thế nào để đảm bảo công bằng cho họa sĩ, thưa anh?

Trong số những bức tranh bị xước có khá nhiều bức đã được rao bán, thậm chí đã rao bán thành công và họa sĩ mượn lại của nhà sưu tập để trưng bày. Rồi nhiều nhà sưu tập muốn thực hiện giao dịch ngay tại triển lãm. Vậy mà tác phẩm bị trầy xước, họa sĩ không biết ăn nói như thế nào với nhà sưu tập. Vì rõ ràng với một bức tranh bị xước, bị hỏng thật khó để hai bên có thể thực hiện giao dịch mua - bán như bình thường. Lỗi này còn ảnh hưởng đến uy tín của tác giả, giá trị những bức tranh sau đó của họ.

Họa sĩ Thế Anh cho rằng việc mua bảo hiểm cho tranh là rất tốt.

Tranh giống như những đứa con tinh thần của họa sĩ. Không ít bức tranh trong triển lãm họa sĩ dành cả năm trời để vẽ, thậm chí họ luôn dành những đề tài đau đáu nhất cho sự kiện lớn này. Mà vẽ tranh bây giờ, họa sĩ thường đầu tư nhiều tiền bạc. Khi có vấn đề xảy ra họa sĩ bị thiệt hại rất nhiều. Vì thế đã đến lúc Ban tổ chức triển lãm, Bộ VH-TT&DL, Cục Mỹ thuật cần có một cơ chế cụ thể, hay chí ít là văn bản cam kết về việc phải bảo vệ tác phẩm để khi có vấn đề  xảy ra sẽ xác định được lỗi ở bên nào thì bên ấy phải chịu trách nhiệm.

Nên mua bảo hiểm cho tác phẩm

Việc mua bảo hiểm cho những bức tranh theo anh có khả thi không ạ?

Mua bảo hiểm cho tranh là rất tốt. Điều này trên thế giới họ đã làm nhiều rồi, ở Việt Nam chưa phổ biến thôi. Nhưng qua vụ việc này, các họa sĩ phải tìm ra cách thức để bảo vệ thành quả cũng như công sức của mình. Trước rủi ro có thể xảy ra cách tốt nhất chúng ta nên có phương pháp đề phòng. Họa sĩ muốn mọi người trân trọng tác phẩm của mình thì chính họ cũng cần chứng minh rằng họ yêu mến đứa con tinh thần của họ ra sao. Chỉ khi ấy thái độ của xã hội trước vấn đề mới thay đổi và họa sĩ cũng tránh được rủi ro.

Anh có gửi gắm gì qua triển lãm lần này?

 Không chỉ Việt Nam mới tổ chức triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Trung Quốc, Thái Lan, thậm chí các nước châu Âu như Pháp họ cũng làm. Và không phải chỉ có Việt Nam mới có những tiêu chí tuyển chọn khắt khe mà hầu hết các nước đều phải tuân theo những tôn chỉ về văn hóa, chính trị, tôn giáo ngặt nghèo. Có điều họ làm rất chuyên nghiệp. Chẳng hạn như Trung Quốc, họ chia làm hai vòng tuyển chọn rõ ràng. Vòng sơ khảo tại các vùng, miền địa phương, sau đó tác phẩm nào được chọn mới đưa về phòng triển lãm chính tại Bắc Kinh. Vì triển lãm rất uy tín nên khi tranh được chọn, tác giả phải trả thêm cước vận chuyển, rồi phí triển lãm nhưng họ rất thoải mái. Với họ tranh được treo tại một cuộc triển lãm lớn là điều vinh hạnh. Công tác tổ chức, truyền thông, thậm chí bán vé và tìm nhà tài trợ của họ làm rất bài bản. Hầu như kỳ triển lãm nào người dân muốn đi xem đều phải xếp hàng mua vé. Các hoạt động thiết kế, trưng bày tại triển lãm được làm tỉ mỉ, công phu. Tôi kể chuyện này để nói về mơ ước của tôi. Tôi mong đến một ngày nào đó Việt Nam có thể làm được như vậy để họa sĩ chúng tôi thấy được tác phẩm của mình, công việc của mình có giá trị./.

Xin cảm ơn anh!

Vũ Nga thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận