Ngày xuân nói chuyện khoa học phong thủy

Hầu hết người Việt khi làm nhà, xây chùa chiền, đền miếu, chọn đất lập làng, chọn nơi an nghỉ… đều quan tâm đến địa thế, phương hướng, không gian...

 

Từ xưa đến nay, hầu hết người Việt khi làm nhà, xây chùa chiền, đền miếu, chọn đất lập làng, chọn nơi an nghỉ… đều quan tâm đến địa thế, phương hướng, không gian... Tại sao lại như vậy?

Cội nguồn phong thủy Việt

Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn ghi rõ: “…Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương ở nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Xem nội dung Chiếu dời đô có thể thấy, việc lựa chọn phong thủy không chỉ trong phạm vi hẹp của người dân như việc chọn đất xây nhà, an táng tổ tiên… mà từ xa xưa các bậc đế vương đã sử dụng kiến thức địa lý phong thủy để chọn nơi định đô yên quốc.

Việc ứng dụng kiến thức phong thủy vào xây dựng, quy hoạch tạo nên các quần thể liên kết, hỗ trợ nhau sẽ tạo nên không gian sống lành mạnh, thông thoáng.

Mặc dù không ai có thể khẳng định các ứng dụng phong thủy trong đời sống người Việt có từ bao giờ, nhưng nhắc đến phong thủy thì không thể không nhắc đến Thánh địa lý Tả Ao, người được coi là ông tổ nghề địa lý phong thủy nước ta. Theo cuốn “Nam Hải dị nhân” của tác giả Phan Kế Bính, Thánh địa lý Tả Ao tên thật là Vũ Đức Huyền, hiệu Địa Tiên. Sinh vào thời Lê sơ (1428 - 1527). Gốc người Sơn Nam (vùng Hải Dương, Hưng Yên), phiêu bạt và định cư ở làng Tả Ao (nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Trong khuôn viên của cụm đền huyện Nghi Xuân có đền thờ Tả Ao, giếng Tả Ao.

Tương truyền thuở nhỏ mồ côi cha, vì mẹ mắc bệnh lòa mắt, nhà lại nghèo, cậu bé Đức Huyền phải theo khách buôn sang phương bắc lấy thuốc về chữa mắt cho mẹ. Thầy thuốc thấy cậu bé nghèo hiếu thảo nên hết lòng dạy nghề thuốc. Về sau, nhờ chữa khỏi mắt cho một ông thầy địa lý phương Bắc, nên Đức Huyền được thầy địa lý truyền cho thuật phong thủy.

Một ngày, ông thầy muốn thử thách Đức Huyền bèn đổ cát thành hình núi sông rồi vùi 100 đồng tiền xuống các huyệt đạo, bảo cậu học trò hễ tìm thấy huyệt thì xuyên kim xuống. Đức Huyền đã cắm đúng lỗ (chính huyệt) 99 đồng tiền, chỉ duy có huyệt thứ 100 là cây kim cắm chệch ra ngoài. Thấy vậy, thầy địa lý than rằng: “Thế là tinh hoa địa lý đã về phương Nam mất rồi!”.

Và quả đúng là danh bất hư truyền, Đức Huyền sau này đã trở thành bậc thầy phong thủy, được mọi người kính cẩn gọi là “Thánh địa lý Tả Ao”. Một trong những huyền thoại về tài phong thủy của ông là câu chuyện giếng mắt cá làng Hành Thiện ở Xuân Trường, Nam Định.

Người dân làng Hành Thiện kể rằng, một lần đi qua phủ Xuân Trường, Tả Ao phải đi đò sang sông, đến gần bến thì phải lội xuống bùn mới lên được bờ. Lúc ấy người khách đi cùng chuyến đò đã hào hiệp cõng ông qua quãng lầy lội, sau ông lại được người dân Hành Thiện khoản đãi nồng hậu. Cảm mến dân làng hào phóng, trượng nghĩa, lại mến khách, Tả Ao liền ngỏ ý xem xét thế đất cho.

Tả Ao nói: “Kìa, các ngài xem, kiểu đất làng này rất đẹp, chẳng khác gì hình con cá đang quẫy đuôi tung mình ra biển. Cụm dân cư chỗ kia là đầu và mình cá, còn cánh đồng kia là khúc đuôi. Sau này kết phát, khúc đuôi đó sẽ nở to dần, do đất phù sa ở con sông kìa bồi vào. Lại nữa, những con lạch bao bọc quanh làng là mạch nước nuôi sống con cá, quanh năm chẳng bao giờ bị cạn, nhờ đó dân trong làng được thịnh vượng, làm ăn phát đạt, ít bệnh tật, ốm yếu. Chỉ hiềm một nỗi là con cá không có mắt, nên đến giờ làng vẫn không thể phát khoa danh”.

“Trong kiến trúc, bên cạnh việc tối ưu hóa công năng sử dụng và tính thẩm mỹ của các công trình, hạng mục… thì việc ứng dụng kiến thức phong thủy vào xây dựng, quy hoạch tạo nên các quần thể liên kết, hỗ trợ nhau để có không gian sống lành mạnh, thông thoáng, cân bằng về ánh sáng, nhiệt độ, gió, giao thông… tốt hơn cho đời sống, sức khỏe của người dân. Phong thủy còn giúp bảo đảm yếu tố văn hóa tâm linh, nó hoàn toàn không mang ý nghĩa mê tín dị đoan như nhiều người lầm tưởng”.

Nhà nghiên cứu Hoàng Thăng Long

Dân làng nghe vậy, bèn hậu đãi trà rượu và khẩn khoản xin ngài Tả Ao đặt lại hướng cho làng. Tả Ao đứng ngắm hướng, rồi tới chỗ mỏm đất trước cửa đền Thần Hoàng, nói rằng vì con cá còn thiếu mắt, nên cần đào giếng làm mắt cá. Giếng nước này rất thiêng, cần phải giữ sạch sẽ, được vậy thì trong làng ắt có người làm thầy, làm quan, giàu có nhất vùng.

Quả nhiên từ ngày đào giếng “mắt cá”, làng Hành Thiện ngày càng thịnh phát, nổi tiếng là ngôi làng Nho gia, nam thì học hành thi cử đỗ đạt, nữ thì dệt lụa ươm tơ khéo léo. Người dân quanh vùng vẫn dùng câu “Trai học hành, gái canh cửi”, hay “Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện” để nói rằng ở Hành Thiện có nhiều khoa bảng, gia đình nào cũng có người đỗ tú tài.

Kiến thức phong thủy và ứng dụng vào kiến trúc

Ngày nay, phong thủy được công nhận là một môn khoa học, là sự hội tụ của nhiều môn khoa học như địa lý, vật lý, tự nhiên… bao gồm cả các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh. Trong đó, những thầy địa lý phong thủy ngoài vốn kiến thức am tường về kiến trúc, hướng gió, mạch nước, biết cách thu hút khí tốt, năng lượng tốt phục vụ tốt hơn cho đời sống con người. Trải qua hàng ngàn năm, khoa học phong thủy ngày nay càng phát triển và được ứng dụng mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, cảnh quan…

Ông Hoàng Thăng Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Kiến trúc phong thủy chia sẻ: “Những công trình nghiên cứu đều khẳng định tính khoa học của phong thủy. Trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia phương Đông, khoa học phong thủy được áp dụng rất phổ biến trong quy hoạch kiến trúc, xây dựng với đủ các quy mô khác nhau từ mỗi gia đình cho đến quy hoạch cả một thành phố. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc ứng dụng khoa học phong thủy vào kiến trúc mới chỉ được quan tâm trong vài năm trở lại đây. Sở dĩ có chuyện như vậy bởi trong thực tế, có nhiều người làm nghề tư vấn phong thủy tự do trong cộng đồng trình độ chuyên môn còn non kém, lại đưa các yếu tố mê tín dị đoan vào trấn yểm hóa giải, hù dọa gia chủ lấy nhiều tiền, kết quả lại không đạt theo yêu cầu. Điều này dẫn đến một phần trong cộng đồng không tin vào phong thủy, thậm chí khái niệm phong thủy bị lẫn lộn với phù thủy”.

Quy hoạch hài hòa giữa thiên nhiên sẵn có, cảnh quan tôn tạo với giá trị thẩm mỹ cao. (Ảnh phối cảnh Novaland)

Cũng theo ông Hoàng Thăng Long, khoa học phong thủy trong quy hoạch, kiến trúc hiện đại có nhiều yếu tố. Trong đó, điều đầu tiên phải kể đến là yếu tố môi trường tự nhiên, cảnh quan xung quanh. Con người muốn có cuộc sống tốt nhất thì càng phải thuận theo tự nhiên, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, không gian sống ngày hẹp và môi trường ngày càng suy thoái.

Tiếp theo là yếu tố hạ tầng, giao thông có thuận tiện không, điện, nước và môi trường xã hội. Nếu sâu hơn thì còn cần tìm hiểu yếu tố cấu thành như trường của khu vực, lịch sử của khu vực, vùng đất, mảnh đất đó...

Nhưng có một cách đơn giản để nhận biết bằng cảm quan, đó là xem con người và sinh vật khu vực đó ra sao. Nếu cây cối tươi tốt, hoa lá xanh tươi bốn mùa thì chắc chắn đất nơi đó tốt. Đời sống cư dân xung quanh tươi vui, hạnh phúc…

Trong phạm vi hẹp, ứng dụng khoa học phong thủy trong mỗi gia đình, ngoài các yếu tố liên quan đến quy hoạch khu vực sống, thì hình thể miếng đất, kiến trúc, cấu trúc ngôi nhà, không gian nội thất... cũng đều phải đảm bảo các yếu tố phù hợp thì phong thủy sẽ tốt, con người sinh sống sẽ khỏe mạnh, vui tươi./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận