Đầu xuân Tân Sửu, trước sự bùng phát mới của dịch bệnh, đại đa số các cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã chấp hành nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của các địa phương trong việc phòng chống dịch, phát huy tinh thần chống dịch như chống giặc.
Ngay những ngày sát Tết, GHPGVN kịp thời có những văn bản hướng dẫn tăng ni, Phật tử, các cơ sở tự viện bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhiều chùa đã thực hiện tốt các khóa lễ cầu an online, ổn định đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Cùng với việc thực hiện các khóa lễ trực tuyến, GHPGVN cũng thử nghiệm hình thức công đức thông qua ứng dụng ví điện tử MoMo. Sự thử nghiệm này dự kiến thực hiện trong dịp xuân Tân Sửu, hiện có 12 chùa thí điểm ứng dụng ví MoMo, đã có sự thống nhất giữa GHPGVN và trụ trì các chùa này. Đã có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến thử nghiệm hình thức công đức mới của GHPGVN.
TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chia sẻ ý kiến: “Việc thí điểm cúng dường online của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một sáng kiến đáng được quan tâm, có thể phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sự phù hợp này thể hiện ở 3 lý do: thứ nhất là chúng ta đang ở trong giai đoạn chống dịch Covid-19, vì thế việc giãn cách xã hội là một yêu cầu bắt buộc và việc cúng dường online cũng giống như nhiều hoạt động online khác chính là cách để chúng ta chung sức cùng Chính phủ thực hiện chủ trương giãn cách xã hội này.
Thứ hai, thực tế chúng ta đang sống trong bối cảnh xã hội số, chúng ta đang là những công dân số, và chúng ta cũng đang thực hành văn hoá số. Thực hành tôn giáo hay bất cứ một thực hành xã hội nào khác cũng không thể tách mình ra khỏi bối cảnh xã hội này. Chính vì vậy, việc cúng dường online, không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ xuất hiện. Dịch bệnh Covid-19 chỉ khiến cho hoạt động này đến sớm hơn mà thôi.
Thứ ba, nhiều người dân đã sẵn sàng tâm lý cho việc cúng dường online. Việc cúng dường này đồng thời cũng là nhu cầu tự thân của rất nhiều người mà không nhất thiết phải là mang tính bắt buộc. Nhu cầu ấy bắt nguồn từ nhiều lý do, mang tính chủ quan, trong đó có việc mong muốn đóng góp để tu bổ, xây dựng các cơ sở thờ tự cũng như thông qua đó như là một cách làm việc thiện để có “quả lành”, sự an tâm, may mắn cho người cúng dường. Bối cảnh dịch bệnh hay những lý do mang tính cá nhân không cho phép họ đến trực tiếp các cơ sở thờ tự thì việc góp tiền của online cũng một phần giúp họ củng cố niềm tin vào hoạt động thiện nguyện này”.
TS. Bùi Hoài Sơn nói thêm: “Mọi lo ngại đều có lý do, đặc biệt đến từ một số hoạt động trục lợi tâm linh đã diễn ra ở một số rất nhỏ các chùa trong thời gian vừa qua khiến nhiều người có ánh mắt dè dặt mỗi khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến lợi ích vật chất cũng như bị trầm trọng hơn bởi vấn đề giả mạo, lừa đảo vốn đầy rẫy trên mạng xã hội. Trong một môi trường như vậy, sáng kiến cúng dường online, dù đã có ý thức về việc kiểm soát dòng tiền qua ví Momo, vẫn luôn cần có những giải pháp để thể hiện sự minh bạch trong việc nhận và sử dụng các khoản tiền cúng dường đồng thời tôn trọng tự do, bí mật riêng tư của cá nhân. Làm được như vậy, chúng ta hy vọng sẽ có sự thay đổi tích cực trong văn hoá đi chùa của người Việt, để việc đi lễ chùa không chỉ là dịp cầu an, hướng đến chân – thiện – mỹ, xây dựng đạo đức cho mỗi người, mà còn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc.
Chủ trương cúng dường chắc chắn sẽ tác động, làm thay đổi đến văn hoá đi lễ chùa nhưng theo tôi, không đến mức như một số người đang lo ngại. Theo quan sát của tôi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những chuẩn bị và giải pháp rõ ràng để tránh hiện tượng này xảy ra qua việc sử dụng ví Momo hay là mới chỉ dừng ở việc thí điểm ở một số chùa trước khi có thể triển khai rộng rãi. Chính sự thận trọng này cộng với việc đây là xu thế phù hợp, đáp ứng cả nhu cầu của nhà chùa và người dân, khiến cho chúng ta tin tưởng hơn vào việc cúng dường, công đức online sẽ hình thành nên một văn minh đi lễ chùa mới, tránh những hiện tượng phản cảm như đổi tiền lẻ, đặt tiền vào tay tượng tràn lan, sử dụng tiền công đức thiếu minh bạch...".
Còn Nhà Xã hội học, PGS.TS Trịnh Hoà Bình chia sẻ ý kiến: “Việc thí điểm cúng dường online của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là nhằm thoả mãn nhu cầu có thật của xã hội và cũng là hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Nhu cầu này xuất phát từ cả hai phía: từ các tổ chức Phật giáo và cả người dân. Về cơ bản, việc thí điểm cúng dường online vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó, chỉ có hạn chế là nó tước bỏ đi tương tác xã hội, hay các hình thức diễn xướng, tụ họp đông người. Không làm ở hình thức ngoài thực tế thì có nhiều cách như làm online..., miễn là những việc làm này giúp họ củng cố niềm tin vào hoạt động thiện nguyện này”.
Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết: “Việc Phật tử công đức, cúng dường qua hình thức trực tuyến, về mặt bản chất cũng không khác gì công đức theo hình thức thông thường. Đây là chủ trương phù hợp trong bối cảnh hạn chế tụ tập đông người, phòng chống dịch bệnh Covid-19”.
Theo PGS. TS Chu Văn Tuấn, cần phải hiểu việc cúng dường online là nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, chứ không có nhà chùa nào bắt buộc phật tử làm việc này. Cúng dường là một hoạt động có ý nghĩa của Phật giáo, đóng góp tiền thông qua nhà chùa để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Đồng thời, việc này cũng giúp cho cá nhân tín đồ, người dân nhận được sự thanh thản, chứng tỏ lòng thành tâm và thỏa mãn nhu cầu tôn giáo. Việc cúng dường thông qua cổng thanh toán điện tử còn giúp quản lý số tiền công đức một cách minh bạch, chính xác hơn.
PGS. TS Chu Văn Tuấn chia sẻ: "Cá nhân tôi chắc chắn sẽ lựa chọn cúng dường trực tuyến, vì hình thức này rất tiện lợi trong bối cảnh hạn chế đi lại, tụ tập như hiện nay. Thực ra việc chuyển khoản để cúng dường và đóng góp không phải là hình thức mới, khi Phật tử không có điều kiện để đến chùa trực tiếp".
Trên thực tế, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển và dịch bệnh Covid-19 hiện nay, việc mua hàng online, thanh toán, làm việc online... đang dần dần trở thành một phần của cuộc sống con người thì việc cúng dường online rồi cũng sẽ được mọi người chấp nhận. Trên thế giới, với việc mở trang web để thực hành tôn giáo trực tuyến, xây chùa online… hay với Tòa thánh Vatican gần đây cũng tổ chức lễ Phục sinh trực tuyến… cho thấy công nghệ sẽ dần dần thâm nhập vào đời sống tôn giáo.
"Tuy nhiên vì nhiều người dân còn bỡ ngỡ nên phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các nhà chùa cần thông tin rất rõ ràng, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu rõ ý nghĩa, tác dụng và hướng dẫn cụ thể giúp người dân và Phật tử hiểu đúng, tránh kẻ xấu lợi dụng cơ hội để lừa đảo, trục lợi" - PGS. TS Chu Văn Tuấn cho biết.
Là đơn vị chuyên tổ chức tour trải nghiệm, tour thiền và Phật giáo, anh Vũ Tuấn Phong – Giám đốc Công ty Haydi Tour cho biết: "Cá nhân tôi ủng hộ hình thức cúng dường online. Vì thực tế, cộng đồng Phật tử đã cúng dường tam bảo, quyên góp xây dựng chùa chiền qua hình thức chuyển khoản ngân hàng từ lâu. Tuy vậy, hình thức cúng dường online nên được cân nhắc dùng hạn chế, trong 1 số trường hợp cụ thể, cần kíp hoặc khẩn cấp. Hình thức cúng dường trực tiếp tại chùa, thiền viện vẫn nên được ưu tiên hàng đầu. Vì đó là dịp để quý Phật tử đến thăm chùa, nghe chia sẻ, giảng pháp từ các quý sư thầy, sư cô..."
Anh Bùi Xuân Long – Phật tử tại Hà Nội nói: "Trong lúc đại dịch Covid-19 thì việc cúng dường online đầu xuân rất hợp lý và bảo đảm an toàn cho Phật tử, tránh tụ tập quá đông người tại Phật đường hay tại Tam bảo trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp".
Tuy nhiên anh Long cho biết, khi dịch bệnh được kiểm soát anh muốn trực tiếp tới chùa để cúng dường: "Đối với Phật tử thì việc cúng dường diễn ra trong rất nhiều ngày lễ chính của Phật giáo, ví dụ lễ Phật đản, lễ Phật thành đạo, Phật nhập niết bàn, hay vu Lan báo Hiếu; nếu đi chùa được thường xuyên thì rất tốt, giúp phật tử thân tâm bình an, hoan hỷ đúng tinh thần Phật giáo. Kinh Phật nói Phật tại tâm, nên tuỳ duyên để hành thiện tích đức, nên không cần thiết phải gửi tiền online".
Anh Nguyễn Hoàng Việt, Phật tử ở Quảng Ninh cho biết: "Với tư cách là một Phật tử, tôi nghĩ trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc hạn chế di chuyển, tiếp xúc là thực sự cần thiết. Cúng dường, công đức là những việc làm xuất phát từ tâm mỗi phật tử và hoàn toàn tự nguyện, nên việc gửi công đức online là có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh, tình hình thực tế hiện nay"./.
Tố Uyên-Hoài Nam/VOV.VN