Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL về vấn đề này.
Xâm phạm di tích diễn ra phổ biến
Ông bình luận như thế nào về việc di tích bị hủy hoại, xâm phạm bởi “mác” trùng tu, tôn tạo?
Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích bên cạnh những thành công không thể phủ nhận thì vẫn còn rất nhiều bất cập. Xâm phạm di tích diễn ra một cách khá phổ biến, là một hồi chuông báo động đối với các cơ quan chức năng bởi đây là những di sản rất quý giá mà nếu mất đi thì không thể nào tìm lại được.
Nước ta có một hệ thống văn bản pháp luật nhưng dường như chưa đi vào cuộc sống. Trong bối cảnh hiện nay, những tác động của nền kinh tế thị trường cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý bảo vệ di tích, nó khiến cho việc lấn chiếm đất đai của di tích, buôn bán cổ vật... diễn ra rất nhiều. Một trong những nguyên nhân cơ bản là công tác quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập.
Vụ việc gây xôn xao dư luận thời gian gần đây là việc hai cánh cổng phỏng theo kiến trúc và họa tiết phương Tây đã được lắp ở di tích Quốc gia đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Đến thời điểm này, hai chiếc cổng đã được tháo bỏ sau khi nhận nhiều ý kiến bất bình từ giới chuyên môn và dư luận. Ông đánh giá thế nào về sự việc này?
Đó là một điều đau xót đối với những người làm di sản văn hóa. Đình Tây Đằng là 1 trong gần 200 di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng. Đối với những di tích như thế này đều có sự phân cấp theo luật định và giao cho các cơ quan, chính quyền các cấp quản lý và bảo vệ. Nó có quy định rất rõ ràng, nhưng công tác quản lý lại không được tôn trọng. Người ta tùy tiện, muốn làm gì thì làm. Đến khi chuyện vỡ lở, chính quyền thị trấn Tây Đằng lại nói là không biết gì và đổ cho dân tự làm.
Để xảy ra tình trạng như vậy là do quản lý chưa nghiêm và Ban quản lý di tích phải có trách nhiệm. Khi cánh cổng hỏng và có người muốn công đức, muốn xây dựng, sửa chữa hoặc thay thế thì Ban quản lý di tích phải đồng ý thì người ta mới dám làm. Khi đồng ý, Ban quản lý cũng phải xin ý kiến của chính quyền theo luật định. Việc này cần phải rút kinh nghiệm.
Vụ việc này không chỉ mang tính chất dân sự mà còn mang tính hình sự bởi nó xâm phạm đến tài sản quý giá của Quốc gia. Theo luật, những gì liên quan đến đình Tây Đằng thì Thủ tướng Chính phủ mới có quyền ra quyết định được, thế mà Ban quản lý di tích lại tự quyết định làm. Chính quyền thị trấn nói không biết gì về việc này là không được. Kể cả Bộ VH-TT&DL cũng phải có trách nhiệm về vấn đề này.
Tăng cường giám sát, thực thi Luật Di sản văn hóa
Qua sự việc ở đình Tây Đằng cho thấy, chính quyền địa phương có thiếu sót trong quản lý nhà nước, cũng như người dân và chính quyền chưa có tiếng nói chung trong việc bảo vệ di tích, thưa ông?
Tình trạng xâm phạm đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Ngoài việc tùy tiện thay thế các bộ phận cấu thành của di tích, người ta còn tự động đưa những đồ cung tiến vào, ví dụ như đưa ngựa đồng, giáp đồng, tượng Thánh Gióng vào trong khu vực đền Gióng một cách tùy tiện. Người ta còn tùy tiện tháo dỡ các di tích để xây mới như đình Lương Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, rồi các công trình mang "mác" phát huy giá trị của di tích như là đường lên núi Cái Hạ ở Khu di tích Tràng An, Ninh Bình cũng là hiện tượng cho thấy luật pháp chưa được tôn trọng.
Phải chăng những di tích được gắn cái mác là “trùng tu, tôn tạo” nhưng bị can thiệp một cách “thô bạo” đang đặt ra những thách thức trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích?
Cần phải xác định đây là những hành vi vi phạm pháp luật. Tôi kiến nghị cần phải thực hiện nghiêm chỉnh Luật Di sản văn hóa và các bộ luật khác có liên quan. Luật Hình sự cũng quy định, xâm phạm di tích thì bị phạt tù từ 10-15 năm, tôi thấy có những vụ động trời nhưng rồi chỉ cứ kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Tôi đã nhiều lần kiến nghị với Ủy ban Văn hóa của Quốc hội, rồi cả Bộ Công an là phải khởi tố hình sự một số vụ án hình sự điển hình liên quan đến di sản văn hóa, nhưng rất tiếc chưa làm được. Do đó, để luật đi vào cuộc sống thì đề nghị các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, các tỉnh thành phố cần phải tăng cường giám sát việc thực thi Luật Di sản văn hóa.
Xin cảm ơn ông!.
Đình Châu thực hiện
Nước ta có hàng vạn di tích, trong đó có gần 4.000 di tích được xếp hạng là di tích Quốc gia, 105 di tích Quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên đã được UNESCO vinh danh. Ngoài ra, còn có hàng nghìn di tích cấp tỉnh và thành phố.
|
Đình Tây Đằng nằm ở thôn Đông (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội), mang vẻ đẹp kiến trúc nghệ thuật - văn hóa độc đáo của đình làng thế kỷ XVI, đã được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua di tích này được thay cổng mới mang dáng vẻ hiện đại, không phù hợp với cảnh quan, kiến trúc của di tích.
Sáng 5/3/2021, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo UBND thị trấn Tây Đằng, các phòng, ban chức năng của huyện trả lại nguyên trạng cổng Di tích Quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng.
|