Đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Cùng thời điểm đó, trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, nhiều nhà yêu nước Việt Nam với một ý chí mãnh liệt, cũng xuất dương tìm đường cứu nước, tìm một hướng đi để giải phóng dân tộc, đưa nhân dân thoát khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp.
Nhưng cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra hướng đi đúng đắn, làm thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam. Sau này, khi trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài, Người khẳng định: “Tôi ra đi vì muốn tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Thời gian càng lùi xa, nhưng giá trị lịch sử và thời đại của sự kiện này vẫn mang tính thời sự sâu sắc, có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn hiện nay.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông giới thiệu đến độc giả bộ sách về sự kiện trọng đại này. Bộ sách gồm 2 cuốn sách "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước" và tuyển thơ "Vào cõi Bác xưa" .
Cuốn sách ảnh "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước" được nhóm tác giả thuộc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn, do tác giả Đỗ Hoàng Linh làm chủ biên. Cuốn sách ảnh xuất bản bằng 4 thứ tiếng Việt, Anh, Nga và Trung Quốc. Ngoài phần Tiểu sử và phần Biên niên sự kiện, các tác giả đã lựa chọn, biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc hàng trăm bức ảnh tư liệu, tài liệu, bút tích quý giá có liên quan đến quá trình hoạt động của Người từ năm 1911-1945.
Qua đó, mong muốn tái hiện lại quá trình hoạt động của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, góp phần tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn những công lao và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Đề tài về Bác Hồ có thể nói là nguồn mạch vô tận của văn nghệ sĩ trong nước mà cả quốc tế. Tuyển thơ "Vào cõi Bác xưa" do nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng và Tràn Hậu tuyển chọn và giới thiệu đến độc giả 141 tác phẩm của 115 nhà thơ đương đại Việt Nam và nước ngoài viết về Bác Hồ trong suốt hơn 75 năm qua, kể từ Cách mạng mùa thu Tháng Tám năm 1945 đến nay.
Những bài thơ viết về Bác được giới thiệu trong tuyển thơ "Vào cõi Bác xưa" dù là của các nhà thơ chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều thể hiện "muôn vàn tình thương yêu" dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc, ca ngợi công đức cao vọng của Người đối với non sông, đất nước với một tình cảm chân thành nhất. Cuốn sách được xuất bản kịp thời, ra mắt độc giả đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước.
Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng biên tập xuất bản Thông tin và Truyền thông cho biết: "Viết về Bác, nghĩ về Bác, chúng ta đều tìm thấy ở Người một chỗ dựa tinh thần trước những nỗi khổ đau hay giông bão cuộc đời; giúp chúng ta tự tin ở bản thân mình để vượt qua mọi thử thách, tìm thấy không gian mát lành của sự sống, như nàh thơ Việt Phương cảm nhận: "Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn".
Trong dịp này, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông còn giới thiệu tới đông đảo bạn đọc những đầu sách tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh như "Hồ Chí Minh biểu tượng của thời đại", "Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong cách mạng giải phóng dân tộc", "Tấm gương Bác - ngọc quý của mọi nhà", "Hồ Chí Minh một cốt cách văn hoá Việt Nam", "Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh", "Học tấm gương làm việc và học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp qua tư liệu Việt Nam và quốc tế" (4 thứ tiếng: Việt, Anh, Nga, Pháp),.../.
Theo Hạnh Lê/VOV.VN