Nằm cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Tây, cuối Đại lộ Thăng Long, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thôn Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là nơi giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu của đồng bào 54 dân tộc Việt Nam.
Tái hiện đến đâu, phát huy đến đó
Được xây dựng trên tổng diện tích 1.544ha, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (LàngVH-DL) bao gồm 7 khu chức năng là khu các làng dân tộc, khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí, khu di sản văn hóa thế giới, khu công viên bến thuyền, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, khu dịch vụ du lịch tổng hợp và khu quản lý điều hành văn phòng. Trong đó, cụm các làng dân tộc I gồm cảnh quan và các công trình văn hóa đặc trưng của 28 dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ; Cụm các làng dân tộc II gồm cảnh quan và các công trình văn hóa đặc trưng của 18 dân tộc vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Cụm các làng dân tộc III là cảnh quan và các công trình văn hóa đặc trưng của các dân tộc cư trú ở vùng bán sơn địa, cao nguyên, đồi núi, triền sông thuộc hệ ngôn ngữ Môn - Khơ Me và Nam Đảo; Cụm các làng dân tộc IV thể hiện cảnh quan và các công trình văn hóa đặc trưng của các dân tộc cư trú ở vùng bán sơn địa, đồi núi, đồng bằng, duyên hải, triền sông, thị trấn, thị tứ thuộc hệ ngôn ngữ Hán, Việt - Mường.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn tất, đồng bộ các dự án đầu tư, cụ thể, cụm các làng dân tộc IV và cụm dịch vụ còn nhiều hạng mục chưa hoàn tất, tuy nhiên, từ năm 2010, Làng VH-DL đã đưa vào khai thác cục bộ từng khu làng, cụm làng khi hoàn thiện, tức là vừa đầu tư xây dựng, vừa vận hành khai thác. Các công trình tại làng VH được xây dựng theo phiên bản 1:1 cả về chất liệu, tỷ lệ theo đúng như công trình của đồng bào tại nguyên gốc. Với tiêu chí như vậy, các chất liệu tranh tre nứa lá, gỗ và nhiều vật liệu tự nhiên sẽ xuống cấp rất nhanh nếu bỏ không, không đưa vào sử dụng. Chính vì vậy, từ năm 2010 đến nay, bất cứ công trình nào hoàn thiện cũng đều được đưa ngay vào khai thác cục bộ, vừa đảm bảo công tác bảo vệ, duy tu bảo dưỡng, vừa khai thác ngay được giá trị trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của công trình văn hoá.
Bên cạnh việc khai thác cục bộ các cụm làng, Làng VH-DL cũng rất tích cực trong việc kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân, các nguồn xã hội hoá vào khu vực chức năng, khu vực dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đảm bảo cung cấp tốt nhất những dịch vụ mong muốn cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Làng VH-DL.
Ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng VH-DL cho biết: “Hiện nay, du khách đến Làng VH-DL không chỉ được trải nghiệm trực quan, thưởng thức những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, du khách cũng có được không gian trải nghiệm dịch vụ nghỉ ngơi, học tập, giải trí tại khu dịch vụ như: ẩm thực dân tộc; trải nghiệm sắc hoa các vùng miền tại khu thung lũng hoa; cắm trại dã ngoại; trải nghiệm lái xe địa hình… Đây là những dịch vụ rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần”.
Đảng viên đi đầu khắc phục khó khăn
Theo quy hoạch ban đầu, Làng VH-DL còn 5 khu chức năng nhằm kêu gọi vốn đầu tư từ nguồn ngân sách ngoài nhà nước, hiện đang chưa kêu gọi được các nhà đầu tư. Theo ông Trịnh Ngọc Chung, việc chậm trễ trong kêu gọi đầu tư hiện nay do một số quy định tại Quyết định Số 39/2014/QĐ-TTg, ngày 15/7/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Ban quản lý Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam đang vướng so với một số luật được ban hành sau này.
Hơn nữa, khi kêu gọi đầu tư vào các khu chức năng này thì các nhà đầu tư cũng không mặn mà, bởi đầu tư vào văn hoá thì việc thu hồi vốn thường rất lâu. Thế nhưng, các nhà đầu tư lại không được hưởng bất kỳ ưu đãi đầu tư nào.
Thực hiện mục tiêu phát triển của Làng VH-DL, khắc phục khó khăn, thực hiện thành công nhiệm vụ, Ban Quản lý Làng VH-DL xác định nhân tố con người là mấu chốt. Làng hiện có tổng số 227 cán bộ, với 105 đảng viên. Cụ thể, Ban Quản lý Làng VH-DL đã đặt ra yêu cầu số một đối với cán bộ đảng viên là “Nói phải đi đôi với làm”. Đảng viên không thể nói chung chung, đại khái mà phải “Làm cái gì nói cái đó, nói thì phải làm”.
“Bên cạnh việc không ngừng nâng cao năng lực nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên để đáp ứng yêu cầu công việc, chúng tôi yêu cầu tất cả cán bộ đảng viên, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo phải thực hiện nghiêm túc việc lượng hóa các chỉ đạo của mình tại đơn vị. Mỗi cán bộ đảng viên mà không lượng hóa được các chỉ đạo của mình tại đơn vị bằng các công việc cụ thể hằng ngày thì không thể hiện thực hóa các chỉ đạo của Đảng uỷ cấp trên. Lượng hoá được công việc thì mới thực hiện được nhiệm vụ, thực hiện được các vấn đề Nghị quyết đã đề ra”, ông Chung cho hay.
Hiện Làng đang xây dựng đề án đổi mới phương thức quản lý Làng VH-DL để làm sao có những cơ chế, chính sách, đáp ứng được nguyện vọng nhà đầu tư và kêu gọi đầu tư vào các khu chức năng còn lại. Đưa khu chức năng vào hoạt động đồng bộ với các Cụm làng của Làng VH-DL, hỗ trợ đa dạng hoạt động, đa dạng dịch vụ tại Làng, tiến tới hoạt động tự chủ, không dựa vào ngân sách nhà nước trong các hoạt động của mình từ năm 2025”.
Nỗ lực trở thành trung tâm văn hóa lớn của cả nước
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Nghị quyết XIII), cũng là nhiệm vụ của Làng VH-DL theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 667/1997/QĐ-TTg ngày 21/8/1997, là: Bảo tồn, gìn giữ, tái hiện, phát huy những giá trị đặc sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc thiểu số để giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế, giáo dục cho các thế hệ tương lai. Du khách tham quan Làng VH-DL sẽ được trải nghiệm, cảm nhận chân thực nhất những giá trị văn hóa quý báu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sẽ giúp hình thành nhân cách tốt đẹp, hướng con người tới những hành động, việc làm có tính nhân văn, chân - thiện - mỹ. Hướng đến xây dựng hình ảnh con người Việt Nam, xã hội Việt Nam như Đảng và nhà nước mong muốn, là một xã hội văn minh, đậm đà bản sắc.
Các khu làng tại Làng VH-DL có không gian tái hiện hoàn toàn như một ngôi làng thật trong đời sống tự nhiên, vốn có, nguyên gốc của đồng bào các dân tộc. Cũng bởi vậy, các hoạt động thường nhật của Làng VH-DL cũng gắn với những gì thực tế nhất, gần gũi nhất của đồng bào khi về “trình diễn” tại Làng VH-DL phục vụ du khách tham quan.
“Xác định mục tiêu trở thành trung tâm Văn hóa - Du lịch lớn của các nước, nơi tập trung đặc sắc, tinh hoa văn hoá của 54 dân tộc Việt Nam, bởi vậy, chúng tôi đưa đồng bào về Làng, tái hiện các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng chứ không trình diễn như các nghệ sĩ trên sân khấu. Ở Làng VH-DL, chính đồng bào là chủ thể thực hiện những gì diễn ra hằng ngày trong đời sống, văn hóa của chính họ. Điều này khiến cho du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ có cơ hội tiếp xúc trực quan nhất, trải nghiệm thực tế, thưởng thức nét đẹp đặc sắc, riêng có của từng dân tộc và hiểu rõ nhất những giá trị văn hóa, đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam trong tổng thể văn hoá 54 dân tộc khi đến với Làng”, ông Chung cho biết./.