Những người làm phê bình văn học trẻ, họ ở độ tuổi nào? Nhận rõ được điều đó, chúng ta mới có thể có thao tác liệt kê để đi đến kết luận về số lượng cũng như chất lượng của đội ngũ này. Theo nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa, gọi "những người làm phê bình trẻ" chỉ là một cách gọi mang tính tương đối dựa theo tiêu chí độ tuổi.
Cũng theo ý kiến cá nhân, Trưởng ban Lý luận Phê bình - Tạp chí Văn nghệ quân đội, đội ngũ phê bình trẻ nên là những người dưới 30 tuổi. Đối với các trường hợp trên dưới 40 tuổi nhưng vẫn xếp vào phê bình trẻ thì cũng chưa thực sự thỏa đáng. Anh cũng cho rằng không nên đánh đồng phân loại độ tuổi với cách phân hạng dẫn tới tình trạng phê bình “già” dễ có kiểu “xoa đầu” phê bình trẻ và người phê bình trẻ dễ khúm núm trước phê bình già. Phê bình văn học là công việc vừa khoa học vừa nghệ thuật. Mà cả trong hai lĩnh vực này thì tất cả đều bình đẳng.
Những người chỉ nay mai thôi, sẽ tiếp nối vai trò trụ cột nền phê bình văn học liệu đã đủ bản lĩnh để đứng“đầu sóng ngọn gió”? Tại nhiều kỳ cuộc, không ít ý kiến, trong đó có cả những người làm phê bình kỳ cựu, tỏ ra lo ngại, thậm chí bi quan về tương lai bấp bênh của sự nghiệp thẩm định, đánh giá, định hướng sáng tác khi cho rằng lực lượng trẻ làm phê bình văn học đang yếu và thiếu.
Tuy nhiên, là người trong cuộc, nhà phê bình văn học trẻ Nguyễn Thanh Tâm cho rằng lực lượng những nhà phê bình trẻ hiện nay, quãng từ năm 1980 đến 1985, thậm chí là 1990 rõ ràng là đang có biểu hiện mạnh lên. Ở các trường Đại học, các Viện nghiên cứu hoặc các Hội Văn nghệ địa phương đều có những hạt nhân rất đáng nể và đang làm việc rất nghiêm túc.
Từ Quảng Bình, với hoạt động phê bình tích cực cũng như tầm nhìn xa, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh cũng có cái nhìn lạc quan về đội ngũ. Chị khẳng định những năm gần đây các cây bút phê bình trẻ nổi lên rất nhiều. Từ đó phủ nhận ý kiến lực lượng phê bình thiếu hụt và khẳng định đó là cách nói quen cửa miệng. Không những không thiếu hụt mà phê bình vẫn đang đồng hành cùng với sáng tác và thậm chí định hướng cho sáng tác nữa. Đặc biệt những cây bút trẻ, họ rất xông xáo, nhiệt huyết đối với những tác phẩm, những giai đoạn văn học và những sự kiện văn học. Đồng ý kiến, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn cũng cho rằng không nên kết luận ngay là lực lượng phê bình văn học trẻ hiện nay là thiếu và yếu. Nhìn rộng ra trong môi trường Văn học nghệ thuật liên mạng, tiếng nói phê bình của người trẻ rất đa dạng, phong phú.
Để minh họa thuyết phục cho ý kiến rằng lực lượng trẻ làm phê bình văn học đang “mạnh lên”, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm chỉ ra những người trẻ mà theo anh đang chuyên tâm với công việc phê bình văn học như Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Trần Ngọc Hiếu, Cao Việt Dũng, Trần Thiện Khanh, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Hùng. Theo anh, đó là những người đang thể hiện được tiếng nói, uy tín trong làng phê bình hiện nay. Những người trẻ hiện nay có rất nhiều ưu thế, đang sống ở một thời kỳ họ đang là lực lượng chủ yếu để cảm nhận đời sống, cảm nhận văn chương, rõ ràng tiếng nói của họ là rất đáng chú ý.
Bằng sự giao lưu, quan sát khá tinh tường, rộng mở, với thực tế và những dẫn chứng khá thuyết phục như vậy, có thể thấy không thiếu những người trẻ đang dành thời gian cho công việc phê bình văn học. Chỉ có điều có những thời điểm họ gần như chững lại hoặc chưa xuất hiện một cách đồng thời đúng vào lúc cần có những tiếng nói đa chiều.
Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh cho rằng đó không phải là điều quá khó hiểu. Bởi tình hình chung những bài phê bình so với sáng tác thì bao giờ nhuận bút cũng rất thấp khiến cho lực lượng làm phê bình cũng có sự thiệt thòi và chính điều đó cũng là một phần khiến cho phê bình trẻ bị chia ra nhiều ngả. Họ cũng phải kiếm thêm miếng cơm manh áo cho mình buộc họ phải chuyên tâm những việc khác. Vì vậy cho nên ở lĩnh vực phê bình có sự giãn ra, không co cụm lại, không cô đặc lại.
Nhìn từ quan niệm về giá trị văn học, nhà phê bình Mai Anh Tuấn lại cho rằng phê bình văn học vốn không phải là mảnh đất nhiều “mời gọi”. Mặt khác, nhiều cây bút phê bình trẻ hiện nay dễ đảo chiều theo xu hướng xã hội. Điều này tác động phần nào vào việc cho ra đời các tác phẩm Phê bình văn học có chiều sâu. Hiện nay mối quan tâm bận tâm cho văn học nghệ thuật chưa phải là chính yếu, bộ phận tham gia phê bình văn học chưa nhìn thấy cơ hội hấp dẫn về mặt tiến thân, nghề nghiệp. Phê bình văn học là lĩnh vực khó. Những ai dấn thân vào lĩnh vực này đòi hỏi bản lĩnh. Nếu không được đồng cảm, chia sẻ thì dễ “đứt gánh giữa đường”.
Rõ ràng phê bình văn học trẻ đang có cả hai nguồn lực đó là đội ngũ và trình độ. Nên chấp nhận những tiếng nói khác nhau trong văn học nghệ thuâth. Muốn phê bình văn học phát triển cần có những tác phẩm văn học chất lượng, có tính kích thích. Nếu ai cũng mang nỗi băn khoăn làm sao để phát triển nguồn lực ấy như nhà phê bình Mai Anh Tuấn, tương lai của phê bình văn học xem chừng sẽ sáng sủa hơn phần nào. Nhìn từ quan sát, nhận định của nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa, đời sống văn học Việt Nam đang chứng kiến sự trình hiện của một đội ngũ làm phê bình văn học đông và mạnh chứ không hề thiếu và yếu. Rõ ràng tương lai phê bình văn học đang rất khả quan. Nhiều hướng mở đang đợi chờ lực lượng phê bình văn học trẻ, để phê bình dễ dàng đồng hành với sáng tác, cơ hội để đưa phê bình văn học Việt Nam ra quốc tế./.
Theo VOV.VN