Tạo chuyển biến trong xây dựng văn hoá và con người Việt Nam

Phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam là một trong những mục tiêu được đề cập nhiều nhất tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra mới đây.

 

Phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam là một trong những mục tiêu được đề cập nhiều nhất tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra mới đây.

Lấy con người làm trung tâm

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí của phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh.

Ngành công nghiệp văn hóa chưa đủ điều kiện để hình thành chính là do chưa thống nhất về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Ảnh: T.C

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới, 10 giải pháp trọng tâm cũng được Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ ra. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; Đồng thời tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị Quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới; từng bước khắc phục các hạn chế của người Việt; Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Theo ông Nghĩa, cần xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, giám sát, các nhiệm vụ này cần được coi trọng.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng nêu, hệ sinh thái thực sự để các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như tạo ra sự cân bằng, đa dạng và bền vững hơn cho nền kinh tế chưa đủ điều kiện để hình thành chính là do chưa thống nhất về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, cũng như việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với văn hóa. Đây là một trong những nguyên nhân tạo nên khả năng cạnh tranh quốc tế cho ngành công nghiệp văn hóa còn yếu.

PGS-TS-Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhận định: Suy cho cùng, mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày nay đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra. Phải nói ngay rằng yếu tố căn cốt nhất làm nên con người văn nghệ sĩ là tài năng và năng khiếu. Thiếu yếu tố này thì dứt khoát không thể trở thành văn nghệ sĩ. Tài năng và năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo, rồi lại phải được bảo vệ, tôi luyện và trọng dụng thì mới phát huy được và mang lại lợi ích cùng những giá trị chân, thiện, mỹ cho xã hội.

Xây dựng con người mới

TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay. “Sẽ không thể có một sự phát triển nhanh và bền vững nếu không phát huy được nội lực của chính quốc gia đó. Mà nội lực quan trọng nhất của mỗi một quốc gia chính là con người, là những sáng tạo của người dân ở quốc gia đó”, bà Hậu nhấn mạnh.

Cần tạo ra môi trường cổ vũ sáng tạo văn hóa. Ảnh: T.C

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, muốn xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì phải xây dựng được thế hệ con người mới, ươm mầm thế hệ văn nghệ sĩ trẻ để họ tiếp nối con đường vẻ vang, viết tiếp những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

“Trong giáo dục phổ thông ở Việt Nam, âm nhạc chỉ là một bộ môn phụ và tương đối mơ hồ với học sinh. Trong giai đoạn hình thành, phát triển nhân cách, các nhà giáo dục chú trọng âm nhạc thì bộ môn này sẽ góp phần tích cực phát triển toàn diện nhân cách con người. Học sinh cần tiếp xúc thường xuyên, có hệ thống với âm nhạc để việc tập luyện, thưởng thức bộ môn này trở thành một thói quen trước khi thành một niềm yêu thích, đam mê với các em”, Tiến sĩ âm nhạc Lê Thư Hương, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 phải góp phần khơi dậy khát vọng toàn dân tộc trong phát triển, chống tụt hậu, tiếp tục tạo ra những xung lực mới, phát huy toàn bộ sáng tạo, sức mạnh toàn dân để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Trong kỷ nguyên mới của khoa học, công nghệ, hội nhập sâu rộng,... chúng ta tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại, giữ gìn bản sắc nhưng cũng cần mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh những biểu hiện văn hóa không phù hợp.

Về việc tạo ra môi trường cổ vũ sáng tạo văn hóa, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bác Hồ đã từng nói, văn hóa là tất cả mọi sự sáng tạo, phát minh của con người; do đó, phải tạo ra một xã hội, một môi trường cổ vũ, tôn vinh và phát huy được cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí khác biệt nhưng không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước./.

“Để phát huy được giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải quan tâm đồng bộ tới các yếu tố văn hóa, trong đó, xây dựng môi trường văn hóa là một trong các nhiệm vụ trọng yếu. Việc xây dựng môi trường văn hóa sẽ góp phần tạo ra những con người mới có nhân cách, đạo đức, tri thức, năng lực và bản lĩnh, đồng thời khắc phục và đẩy lùi cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội”.

Ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận