Gia đình, đồng nghiệp tiễn đưa nhạc sĩ Phú Quang về nơi an nghỉ cuối cùng

Trong lễ tang, những ca khúc nổi tiếng của Phú Quang vang lên khiến tất cả người thân và bạn bè, đồng nghiệp càng ngậm ngùi, thương tiếc nhạc sĩ tài hoa.

 

Lễ viếng và lễ truy điệu nhạc sĩ Phú Quang đã diễn ra sáng nay (13/12, tức ngày 10/11 âm lịch) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. 

Trước lễ viếng chính thức, gia quyến và bạn bè thân thiết của các thành viên trong gia đình nhạc sĩ Phú Quang đã có mặt từ sớm để lo các thủ tục cho lễ tang. Không ai giấu được đau buồn khi mất đi người chồng, người cha, người đồng nghiệp thân thiết. Nghệ sĩ piano Trinh Hương, con gái nhạc sĩ Phú Quang nghẹn ngào nói: "Từ ngày bố mất, tôi chông chênh, hụt hẫng. Nghe những ca khúc, đọc những điều mọi người viết về ông, tôi cảm thấy ông chưa rời khỏi nhân thế, vẫn ở đâu đó bên các con".

Lễ viếng nhạc sĩ Phú Quang đã diễn ra vào sáng 13/12 (tức ngày 10/11 âm lịch) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội. 

Phía bên ngoài Nhà tang lễ, đông đảo người thân, bạn bè, khán giả mến mộ đã để lời từ biệt với người nhạc sĩ của Hà Nội. Trong lễ viếng, những ca khúc nổi tiếng của Phú Quang như: "Em ơi Hà Nội phố", "Đâu phải bởi mùa thu", "Mùa thu và em"... vang lên khiến tất cả người thân và bạn bè, đồng nghiệp càng ngậm ngùi, thương tiếc nhạc sĩ tài hoa. 

NSND Lê Khanh viếng nhạc sĩ Phú Quang.

NSND Lê Khanh có mặt từ sớm để từ biệt người anh, người bạn thân thiết. Mối duyên giữa chị và nhạc sĩ Phú Quang bắt đầu từ khoảng năm 1990, khi cả hai cùng tham gia bộ phim "Có một tình yêu như thế". Ca khúc "Điều giản dị" được nhạc sĩ Phú Quang lấy cảm hứng từ vai diễn của Lê Khanh. Từ đó đến nay, cả hai vẫn luôn giữ được một tình bạn đẹp.... Nhiều năm qua, trong các đêm nhạc của Phú Quang, NSND Lê Khanh thường đảm nhận vai trò người dẫn chuyện. 

NSƯT Tấn Minh chia sẻ nỗi mất mát cùng gia quyến nhạc sĩ Phú Quang.

Âm nhạc của Phú Quang đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp của nhiều thế hệ ca sĩ, trong đó có Tấn Minh, Thanh Lam, Minh Chuyên... Các nghệ sĩ lặng người trước linh cữu nhưng dằn lòng không khóc vì “chú Phú Quang không cần sự ủy mị, chú cần sự mạnh mẽ, những năng lượng tích cực”.

NSƯT Thanh Lam và ca sĩ Tùng Dương chia buồn cùng gia quyến nhạc sĩ Phú Quang.

NSƯT Thanh Lam viết trong sổ tang: "Xa xa trong miền ký ức có lẽ một dòng sông/Xa xa đôi bờ dốc nắng... Chú ơi thương nhớ chú vô vàn". Ca sĩ Tùng Dương viết: "Cháu sẽ nhớ mãi nụ cười hiền hậu, những tác phẩm đã sống mãi cùng cháu cả thời ấu thơ cũng như thanh xuân. Cháu nhớ mãi những lời chú dặn và chia sẻ. Những thế hệ tiếp nối sẽ hát, yêu thích mãi những tác phẩm bất hủ của chú. Cháu hạnh phúc khi được hát tác phẩm "Mẹ" đầy xúc động, thiêng liêng của chú. Mong chú yên nghỉ. Ta dạo chơi hoài trên phố ở cảnh giới mới".

Nữ ca sĩ Minh Chuyên vào viếng nhạc sĩ Phú Quang.

Nữ ca sĩ Minh Chuyên từ Nha Trang đã kịp bay ra Hà Nội trước lễ viếng. Mấy ngày qua, khi biết tin nhạc sĩ Phú Quang mất, Minh Chuyên vô cùng đau xót. Với nữ ca sĩ, đó là nỗi mất mát lớn bởi cô coi nhạc sĩ Phú Quang như người cha, người chú trong gia đình. Cô đã kịp thực hiện MV "Khúc mùa thu" như một lời tiễn biệt nhạc sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng. 

Tai nhà riêng, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cho biết những ngày qua anh đã khóc rất nhiều vì không thể bay ra Hà Nội tiễn nhạc sĩ Phú Quang, do các bác sĩ khuyên không nên di chuyển xa sau đột quỵ. Vì thế anh đã thổi saxophone ca khúc "Nỗi nhớ mùa đông" tiễn biệt nhạc sĩ Phú Quang. 

Nhạc sĩ Phú Quang sinh ngày 13/10/1949 tại Phú Thọ, quê gốc ở Hà Nội. Trong gia tài âm nhạc hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội như: "Em ơi Hà Nội phố" (thơ Phan Vũ), "Im lặng đêm Hà Nội", "Chiều phủ Tây Hồ", "Lãng đãng chiều đông Hà Nội", "Đâu phải bởi mùa thu" (phỏng thơ Giáng Vân), "Nỗi nhớ mùa đông" (thơ Thảo Phương), "Trong miền ký ức", "Điều giản dị"...

Ngoài ra, nhạc sĩ Phú Quang còn viết rất nhiều nhạc sân khấu, điện ảnh, nhạc thính phòng, giao hưởng, nhạc múa, nhạc nền cho cải lương. Ông cũng đã xuất bản tập bài hát "Đâu phải bởi mùa thu" (1990), "Những tình khúc Phú Quang chọn lọc" (46 bài, 1995). Với những đóng góp của mình, nhạc sĩ Phú Quang được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014" trong lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014). Ông được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020. Nhạc sĩ Phú Quang là người người trẻ nhất vinh dự nhận giải thưởng này. 

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đọc điếu văn.

Nhạc sĩ Phú Quang nhiều năm chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, không ngừng sáng tạo. Trước khi nhập viện, nhạc sĩ dự định ra thêm một cuốn sách mới, ghi chép những câu chuyện đáng nhớ trong cuộc sống của ông, tương tự cuốn "Chuyện bình thường" và "Những mảnh hồi ức chợt hiện", nhưng chưa kịp hoàn thành. Nhạc sĩ ra đi vào hồi 8h45 ngày 8/12 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo. 

Đúng 9h, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đọc điếu văn, thuật lại cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, luôn một lòng cống hiến cho nghệ thuật: "Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Phú Quang là tác giả của hàng trăm ca khúc, phần lớn trong đó là ca khúc về Hà Nội. Ông xứng đáng là 1 tượng đài bất hủ với những bài hát khắc khoải, chứa đựng cả hồn cốt của mảnh đất này. Có thể kể đến một vài tác phẩm nổi tiếng như "Hà Nội ngày trở về", "Em ơi Hà Nội phố", "Chiều phủ Tây Hồ"...

Thậm chí có bài hát không chữ nào nhắc đến Hà Nội nhưng khi giai điệu vang lên, người yêu nhạc đều thấy phong vị Hà Thành chỉ tìm thấy ở mảnh đất ngàn năm văn hiến. Có lẽ, là bởi ông quá yêu Hà Nội như chính ông đã có lần từng nói: "Tôi yêu Hà Nội cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã thấy lá Hà Nội xanh hơn mọi nơi". Phú Quang viết về Hà Nội cũng là viết cho chính mình, viết trả nợ mảnh đất quê hương nơi ông lớn lên, nơi âm nhạc của mẹ cha đã đổ sâu trong con tim, nơi ông hoài thai ước mơ tuổi trẻ, nơi ông ra đi đau đáu nhớ thương và trở về".

Gia đình, đồng nghiệp, bạn bè xúc động trong giờ phút truy điệu nhạc sĩ Phú Quang.

Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam cho rằng nếu như nói nhạc sĩ Phú Quang chỉ thành công ở mặt tình ca thì thật thiếu sót. Nhạc sĩ Phú Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc, hòa tấu dàn nhạc giao hưởng như "Hồi ức", "Khát vọng", "Chuyện kể về tình yêu", "Tình yêu của biển"... Một số tác phẩm hòa tấu của ông được dùng để làm nhạc nền, nhạc hiệu của VOV trong rất nhiều năm và cho đến ngày nay.

Âm nhạc của ông góp phần vào sự thành công của nhiều phim điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam như "Bao giờ cho đến tháng 10", "Vị đắng tình yêu"... Ngoài ra ông còn là tác giả của nhiều vở nhạc kịch, kịch múa, kịch hát. Nhạc sĩ Phú Quang cũng là người tiên phong đưa tác phẩm của mình đến với khán giả bằng con đường ngắn nhất. 

Ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, ông đã tổ chức những liveshow đầu tiên của mình tại Nhà hát Lớn TP.HCM rồi tiếp đến là Hà Nội... Những đêm nhạc Phú Quang đã quen thuộc đến mức hàng năm, khi Hà Nội chớm mùa đông hay vào xuân là khán giả lại trông ngóng lại chờ đợi đêm nhạc Phú Quang.

Trong những đêm nhạc ấy, ông là người khó tính đến mức phải tự chọn ca sĩ mà ông cho là phù hợp với ca khúc của mình, chọn dàn nhạc chất lượng cao. Ông tự đứng vào vị trí chỉ huy dàn nhạc, tự lên sân khấu đệm đàn cho ca sĩ và giao lưu với khán giả. Thậm chí đôi khi ông còn đi đến góc khuất của khán đài để tự mình cảm nhận chân thực nhất âm nhạc đã mang đến cảm xúc gì cho công chúng.

"Khắt khe là thế, nhưng trong cuộc sống bình thường, nhạc sĩ Phú Quang lại là người vô cùng gần gũi và giản dị. Người ta dễ dàng bắt gặp ông trong một quán cafe quen thuộc mỗi sáng, tán gẫu với bạn bè, tìm cảm hứng cho âm nhạc của mình... Đối với gia đình, ông là người giàu tình cảm và sẻ chia. Sau nhiều đổ vỡ, ông đã dừng lại ở cuộc hôn nhân thứ 3 và một căn nhà xinh xắn, ấm cúng bên bờ sông Hồng. Các con của ông đều trưởng thành, trở thành những người có ích cho xã hội...

Như trong 1 ca khúc của mình, nhạc sĩ Phú Quang từng viết: "Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về nơi cuối cùng". Ngày hôm nay, tim người nhạc sĩ ấy đã không còn đập nữa, nhưng những tác phẩm của ông sẽ mãi mãi để lại trong lòng đồng nghiệp, khán thính giả yêu âm nhạc của ông".

Điếu văn do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc được khép lại bằng một khúc nhạc đẹp Phú Quang đã viết cho phim "Hải Nguyệt". Thay mặt gia đình, con trai nhạc sĩ Phú Quang đã gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ đã hết lòng cứu chữa, bạn bè, đồng nghiệp luôn động viên ông trong suốt thời gian qua. 

Gia đình nhạc sĩ Phú Quang cùng người thân, bạn bè đã đi vòng quanh linh cữu để tiễn biệt nhạc sĩ lần cuối cùng. Linh cữu của nhạc sĩ Phú Quang sẽ được đưa về an táng tại Công viên tưởng niệm Thiên Đức, xã Bảo Thanh - Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ vào chiều cùng ngày./.

Theo Thanh Thanh, Hạnh Lê/VOV.VN
Ảnh: Hoà Nguyễn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận