Nhà thơ Trúc Thông và 'Bờ sông vẫn gió' - Một tấm tình tài hoa đến thế!

"Tất cả đều hư vô cả nhưng còn lại ở bên này với đôi bờ này vẫn là một tấm lòng hay một tấm tình tài hoa đến thế!".

 

"Ông Trúc Thông mất rồi".

Tin ấy tôi nhận được trong đêm, rồi trên mạng, ầm ầm trong tin nhắn, vốn chỉ câm lặng của một ai đó, mà khi viết vài dòng này, tôi chợt quên phắt tên người viết trong sự hay quên của tuổi đã 74.

Tôi không sao làm việc được nữa khi các con chữ cứ nhảy múa trước mắt - hỗn loạn. Tôi buông máy tính. Tôi thần người và tự sợ những giây phút bất lợi trong một cơ thể vốn thần kinh ốm yếu của tôi. Ra phòng văn vội nắm lấy cọ, chọn lọ màu. Màu và cọ cũng không làm tôi an lặng.

Tôi chợt nhớ tới thi sĩ Trần Lê Văn và vài lời cụ Văn nói về Trúc Thông, vài lời ấm áp khá hay về "Bờ sông vẫn gió" vài năm trước khi cụ Văn lặng lẽ ra đi.

Nhà thơ Trúc Thông.

Tôi chợt nhớ tới năm ngón tay trong "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa đã đặt Trúc Thông ở vị trí thứ Nhất, ở một bài rất ngắn, hoàn toàn không có từ "ngón tay dài nhất" trong bàn tay lục bát... Ông Trúc Thông có "Bờ sông vẫn gió" đong nước mắt của biết bao người, sau cái bài văn ngắn, bằng nghệ thuật "ngôn ngoại ý tại"" thần tình của lão Khoa - nước mắt trong đó có tôi; nhất là khi tôi bên xứ người xa xôi, dầm chân trong tuyết lạnh, bỏng tay trong băng cứng mà vẫn nhớ thương cậu mợ tôi đã ở bên kia bờ... để sông tôi vẫn gió. Trúc Thông nói hộ bao người bằng bài thơ ngắn lục bát thần tình hay, trở nên thần tình tình.

Lịch sử thi đàn Việt Nam sẽ không có hồi kết cho một Trúc Thông rằng, ông ngồi ở đâu trong thi pháp cách tân - hiện đại. Nhưng 17h00 tôi nghe Khoa nói, sớm nay (27/12) ông sẽ đọc điếu văn tiễn cây thơ Trúc Thông ra đi. Điếu văn do ông Hữu Thỉnh - Nguyên chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết.

"Bờ sông vẫn gió" - Gió chưa khi nào đứng lại trên địa cầu này. Cái sự lặng của nó mà bạn không nhận thấy vẫn thổi ở các dòng khí đối lưu đấy thôi...

Mọi sự đều cát bụi hư vô anh Thông ơi. Như cuộc đời anh bao nhiêu điều mà thiên hạ đang nói về anh cũng chỉ là những ngọn gió thổi sau bước chân anh đã sang bờ kia với đất Địa đàng, sum họp với cha mẹ anh và các thi nhân, bè bạn anh ...

Vậy, Trần Đăng Khoa hai lần tiễn ông đi.

Bên bờ này dịu dàng, ba mươi năm trước, Khoa làm một làn gió nhẹ để thêm biết bao người đọc nhận rõ thêm một giá trị thuộc từ mỹ trong thơ của ngọn gió Trúc Thông, của màu vàng và xanh ở cây thơ Trúc Thông.

Lần này, ở giây khắc cuối cùng này, Khoa lại đưa tiễn ông sang bờ bên kia, âu cũng như lời cuối cùng vĩnh biệt của cái tình.

Thế là hai lần ông Khoa tiễn ông Trúc Thông đi. Lần đầu lên trời và lần hai về đất, hay đúng hơn là sang bờ bên kia xa rời cõi trần tục còn đương nhiên lắm gió này.

Tất cả đều hư vô cả nhưng còn lại ở bên này với đôi bờ này vẫn là một tấm lòng hay một tấm tình tài hoa đến thế! Tất cả chỉ là hư vô thôi, mà đọng lại ở phía sau mỗi cuộc mãi ra đi vẫn chỉ cái tình.

Ô hô! Anh Thông ơi, bờ sông vẫn gió, dòng sông vẫn gió...chỉ dẫn một bài thôi mà vẹn tròn hai từ thật là Tài Tình.

Xin cúi đầu vĩnh biệt anh!./.

Bờ sông vẫn gió

Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió người không thấy về

Xin người hãy trở về quê

Một lần cuối... Một lần về cuối thôi

Về thương lại bến sông trôi

Về buồn lại đã một thời tóc xanh

Lệ xin giọt cuối để dành

Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha

Cây cau cũ, giại hiên nhà

Còn nghe gió thổi sông xa một lần

Con xin ngắn lại đường gần

Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi.

Nhà thơ Trúc Thông

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận