Tham dự sự kiện có đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại các trường, viện, hội, và gia đình 21 cán bộ đi Liên Xô 1951 cùng đại diện các nhà sách, nhà xuất bản và các cơ quan truyền thông.
Cuốn sách phát hành nhân kỷ niệm 70 năm đoàn cán bộ đầu tiên được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Liên Xô học tập và tròn 10 năm Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu chuyên đề này, chúng tôi đã xuất bản cuốn sách “Hồ sơ những hạt giống bí mật”. Đoàn 21 cán bộ được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Liên Xô học tập là những ai? Tại sao có chuyến đi Liên Xô năm 1951 này? Kế hoạch bí mật đó là như thế nào? Những kết quả từ chuyến đi đó ra sao?...
Trao đổi về cuốn sách “Hồ sơ những hạt giống bí mật”, nhóm tác giả và các vị khách quý, độc giả đã được nghe nhiều chia sẻ xúc động về nhóm cán bộ được Trung ương Đảng và Bác Hồ cử đi học tại Liên Xô năm 1951.
GS Vũ Dương Ninh là người may mắn biết sớm kế hoạch viết cuốn sách này nên rất hiểu về nỗi vất vả, trách nhiệm tận tâm của cán bộ Trung tâm và nhóm tác giả trong quá trình tìm tài liệu, phỏng vấn, sưu tầm. Ông nhấn mạnh: “Tôi nhận thấy Trung tâm có bản ghi chép cũng như tài liệu hiện vật của cán bộ trong đoàn là vô cùng quý giá. Chúng tôi cảm ơn các gia đình của 21 cán bộ đã cung cấp tài liệu sống cho thế hệ sau hiểu về sự kiện này. Đây cũng là chất liệu thành công cho cuốn sách. Qua sự kiện này nói lên 2 điều: Thực ra những người trí thức chúng ta cần gì, muốn gì, chúng ta cần sự tin cậy. Đây là bài học rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với những người có trình độ khoa học, sau này trở thành những cán bộ cao cấp. Tất cả những con người này xuất thân ở những vị trí khác nhau nhưng có điểm chung tinh thần yêu nước, muốn tham gia vào cuộc kháng chiến, kiến quốc. Chính điều đó là sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Thời điểm ấy họ thấy rằng họ được tin cậy. Tiếp theo là họ được cống hiến, đi học nhận trọng trách về phục vụ đất nước, phục vụ cách mạng”.
PGS.TS Vũ Thị Phụng bày tỏ: “Thật tuyệt vời! Từ tầm nhìn, cách chọn lựa những người đi học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sự nỗ lực, cố gắng của các thành viên và ý tưởng, công phu sưu tầm tư liệu của các hành viên nhóm nghiên cứu. Lịch sử Việt Nam còn rất nhiều những sự kiện, huyền thoại như nhóm Liên Xô 51, cần được tiếp tục nghiên cứu để giới thiệu với thế hệ sau”.
Tại buổi giao lưu, ông Phạm Hồng Việt - con trai của Thiếu tướng Phạm Như Vưu xúc động nói: “Đọc xong cuốn sách tôi cảm thấy rất tự hào và xúc động vì những gì cha mình và các bác đã làm trong quá khứ. Đây là một cuốn sách được viết và trình bày một cách công phu và cũng rất hấp dẫn. Xin chân thành cảm ơn Trung tâm Di sản”.
PGS.TS Phạm Minh Phúc, Giám đốc NXB Khoa học xã hội nhận định thêm “Cuốn sách là một công trình khoa học rất hay và có nhiều ý nghĩa. Để góp phần quảng bá cuốn sách và giới thiệu rộng rãi hơn nữa nội dung, những câu chuyện, bài học lịch sử… trong cuốn sách tới công chúng/độc giả, về phía NXB Khoa học xã hội, chúng tôi cũng sẽ quan tâm đến vấn đề này và sẽ trao đổi với Trung tâm”.
Cuốn sách là kết quả của sự nỗ lực trong công tác nghiên cứu, sưu tầm suốt một thập kỷ. Thông qua hai nhân chứng sống trong đoàn là Thiếu tướng Lê Văn Chiểu và Thiếu tướng Phạm Như Vưu cùng ký ức, kỷ vật… những bí mật của chuyến đi năm xưa dần được hé mở. Thông qua cuốn sách làm sống lại những câu chuyện lịch sử, rất đúng với sứ mệnh của MEDDOM, đó là nghiên cứu, sưu tầm và phát huy Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Do yêu cầu “bí mật” của chuyến đi nên trong các cơ quan lưu trữ Việt Nam vẫn chưa tìm thấy văn bản có liên quan. Việc không có nhiều tài liệu về đoàn Liên Xô 51 có lẽ nguyên nhân là ở sự bí mật của chuyến đi đó./.
PV