Văn Dung - người nhạc sĩ gắn đời mình với Đài Tiếng nói Việt Nam​

Gần 40 năm công tác tại Đài TNVN, các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Dung gắn liền với làn sóng phát thanh. Ông đã vẽ lên một bức tranh âm nhạc độc đáo.

 

Nhạc sĩ Văn Dung - người nhạc sĩ tài năng mà sáng tác đã đi vào đời sống, là kho tư liệu quý giá trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Thính giả nhớ đến ông là nhớ đến những trang nhật ký âm nhạc sống động, ghi lại những câu chuyện, sự kiện mà ông từng trải nghiệm.

Nhạc sĩ Văn Dung thường nói rằng, ông đến với âm nhạc là một cơ duyên. Tốt nghiệp báo chí, nhận công tác tại Ban Công nghiệp, Đài TNVN nhưng rồi lại làm biên tập viên âm nhạc theo yêu cầu của nhạc sĩ Cầm Phong. Vì vậy, Văn Dung không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức âm nhạc từ các đồng nghiệp đi trước để có thể làm tốt nhiệm vụ của mình.

Nhạc sĩ Văn Dung (Ảnh: Nguyễn Thị Minh Châu).

Nhạc sĩ Văn Dung từng tâm sự: "Chúng tôi quan niệm rằng nếu mình làm một nghề gì thì phải biết sâu về nghề đấy, chúng tôi không nghĩ là chúng tôi sẽ trở thành người sáng tác. Nhưng điều kiện ở Đài lúc bấy giờ tiếp cận những thông tin cập nhật mà có nhiệm vụ quan trọng nhất là làm thế nào động viên tất cả những người lao động trên miền Bắc ra sức sản xuất trên các lĩnh vực và cổ vũ các chiến sĩ trên các chiến trường, vì chúng tôi nắm được những tin tức sốt dẻo nhất cập nhật nhất. Trong môi trường như thế thì tôi bước vào sáng tác".

Môi trường công tác đã cho nhạc sĩ Văn Dung có điều kiện đi thực tế và sáng tác. Năm 1965, trong chuyến đi thực tế ở Vĩnh Linh, đến những vùng giáp ranh vĩ tuyến 17, Văn Dung viết “Giải phóng quân ta ra đi” với tiết tấu hành khúc dồn dập như những bước chân của đoàn quân giải phóng. Khi đến mặt trận Khe Sanh năm 1968, ông sáng tác “Đường Trường Sơn xe anh qua”, kể lại cho khán thính giả một câu chuyện bằng âm nhạc về những nữ thanh niên xung phong quả cảm.

Năm 1971, khi mặt trận đường 9 mở ra, Văn Dung lại viết “Bài ca đường 9 chiến thắng” với tiếng reo vui nức lòng, giai điệu trẻ trung, ngôn ngữ hiện đại “Em nghe tin vui bên Đông Trường Sơn/ Em nghe tin vui bên Tây Trường Sơn/ Nghe sấm dội cả non ngàn/ Nghe bão nổi cả đôi miền…”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người từng làm việc nhiều năm tại Đài TNVN chia sẻ: "Là một người làm công tác báo chí, anh Dung đi rất nhiều nơi và mỗi nơi để lại cho anh ấy những cảm xúc rất tươi mới. Với thiếu nhi anh cũng có bài, với thanh niên anh cũng có bài đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng".

Là thế hệ nghệ sĩ sống trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, nhiệt tình đem âm nhạc góp vào ngọn lửa đấu tranh, xây đắp niềm tin về ngày toàn thắng, âm nhạc của nhạc sĩ Văn Dung là những ca khúc hừng hực khí thế như “Giữa màn đêm ta đi vượt núi băng rừng/ Qua dốc cao suối sâu đoàn ta mau rộn bước/ Vì quê hương yêu dấu chờ ta bao năm tháng/ Hờn căm bao năm nung nấu thề giết hết quân thù…” nhưng cũng sâu lắng thiết tha đi vào lòng công chúng “Em ơi nghe chăng mùa xuân đến/ Trong muôn tươi xanh hay trong cánh chim/ trong muôn tiếng ca ngọt ngào tình quê hương/ Say muôn sắc hoa dịu dàng trong nắng xuân…”.

Với những ai từng được tiếp xúc với nhạc sĩ Văn Dung đều thấy ông không chỉ hiểu biết âm nhạc một cách sâu sắc và tinh tế mà còn am hiểu về lịch sử, triết học, cách sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật như thế nào. Chẳng thế mà các sáng tác của ông đều thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, tôn kính lãnh tụ.

Nhạc sĩ Lân Cường cho biết: "Ông vốn là một nhà báo nên lời ca của ông rất hay, lời ca của ông vốn như lời thơ rồi, thứ 2 là tư duy, viết một bản nhạc phải có kết cấu, phải có trường độ cao độ. Nhạc của anh vang lên luôn mới. Ví dụ như “Những bông hoa trong vườn Bác” của anh không nói gì đến cụ Hồ nhiều chỉ nói đến các loài hoa thôi nhưng lại khiến người ta liên tưởng đến Bác Hồ. Đấy là điều rất khó".

Xuyên suốt những tác phẩm phổ biến của nhạc sĩ Văn Dung là tính báo chí, sự gần gũi với cuộc sống, một tinh thần lạc quan trẻ trung, yêu đời. Thính giả vẫn ví Văn Dung là người ghi chép hiện thực cuộc sống bằng âm nhạc giàu cảm xúc. Các ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung dù được sáng tác từ rất lâu những vẫn còn mãi với thời gian bởi âm hưởng hào hùng, tha thiết của những ngày tháng cứu nước, hay cái da diết, sâu lắng của thời bình.

Nhạc sĩ Văn Dung luôn tâm niệm nếu trong kháng chiến, nhạc sĩ là người ghi chép lại hiện thực giàu cảm xúc hình ảnh cuộc kháng chiến đầy gian khó và hy sinh của quân và dân ta thì trong hòa bình, dựng xây, người nhạc sĩ phải đi tìm cái hay cái đẹp của cuộc sống, để đối tượng được phản ánh người ta thấy có mình trong đó. Vì thế mà, trong âm nhạc của Văn Dung người ta luôn thấy mùa xuân, tình yêu dành cho bạn bè, người thân.

Ông chia sẻ: "Trong âm nhạc của chúng ta ở phạm vi ca khúc, trong lúc gian khổ nhất nhạc sĩ Văn Ký viết “Bài ca hi vọng” và ở chiến trường ác liệt nhất thì chúng ta lại thấy một “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” của Hoàng Hiệp, thơ Phạm Tiến Duật. Chúng ta bắt gặp “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” của Huy Du với thơ Xuân Sách và một bài hát rất trữ tình, rất hay của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối là “Đường ta đi dài theo đất nước”. Qua những bài hát này, chúng ta thấy được đối lại với sự huỷ diệt là lòng nhân ái. Cho nên tôi cho rằng cái gốc của văn hoá âm nhạc là lòng nhân ái".

Gần 40 năm công tác tại Đài TNVN, các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Dung gắn liền với làn sóng phát thanh. Ông đã vẽ lên một bức tranh âm nhạc độc đáo với những cung bậc cảm xúc phong phú, đa dạng. Ông đã ghi tên tuổi của mình một cách xứng đáng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Với những đóng góp cho đời sống xã hội, cho quần chúng nhân dân qua nhiều ca khúc nổi tiếng, nhạc sĩ Văn Dung đã ghi danh tên tuổi của mình một cách xứng đáng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Ông đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận