Địa điểm Đài TNVN phát sóng tại hang Ngườm Chiêng, thuộc xóm Bình Lang, xã Đình Minh (nay là Thị trấn Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) cách biên giới Việt – Trung khoảng 10km là khu vực có nhiều hang đá và địa hình hiểm trở.
Năm 1966, trước tình hình giặc Mỹ leo thang bắn phá Miền Bắc, Đài TNVN đã quyết định lựa chọn nơi này để đặt Đài phát sóng dự phòng với tên gọi Đài A3. Rạng sáng 19/12/1972, Đài phát sóng Mễ Trì trúng bom B52, nhưng chỉ 9 phút sau, A3 đã cùng các đài dự phòng khác của Đài nối liền mạch sóng Tiếng nói Việt Nam tới mọi miền Tổ quốc và đến bạn bè thế giới. Trong suốt 12 năm tồn tại (1966-1978), dưới sự đùm bọc, chở che của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, Đài A3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngoài phát sóng liên tục thay thế cho đến khi Đài phát sóng Mễ Trì khôi phục, Đài A3 tiếp tục nhận nhiệm vụ phát sóng đi các nước Châu Âu cho đến ngày rút hoàn toàn về Thủ đô Hà Nội. Với ý nghĩa đặc biệt đó, ngày 29/6/2021, Bộ Trưởng Bộ VH-TT&DL đã ký quyết định công nhận Di tích Đài TNVN tại hang Ngườm Chiêng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Tâm, nguyên là cán bộ Đài A3 hiện sống tại thành phố Cao Bằng nói: “Di tích Ngườm Chiêng ngày xưa chúng tôi đã được đóng góp công sức ở đấy hơn 10 năm, hôm nay được công nhân di tích lịch sử Quốc gia chúng tôi rất mừng. Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình hoàn thành công việc lúc Đài TNVN bị đánh bom ở Đài phát sóng Mễ Trì, để không làm mất đi tiếng nói của Đảng, tiếng nói của đất nước mình”.
Ông Nông Thế Hải cũng là nguyên cán bộ Đài A3 chia sẻ: “Tôi may mắn là một trong 6 cán bộ khung của Đài A3, đến nay vẫn minh mẫn, vẫn có sức khỏe đến đến dự lễ công nhận là di tích lịch sử quốc gia, tôi rất phẩn khởi, tự hào. Tôi mong các cấp tôn tạo làm sao để công trình giữ được đúng tính chất của Đài A3, một di tích lịch sử quốc gia”.
Tại lễ đón nhận di tích Đài TNVN tại hang Ngườm Chiêng là Di tịch lịch sử Quốc gia, thay mặt lãnh đạo Đài TNVN, ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN bày tỏ sự biết ơn đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đóng góp công sức, hỗ trợ vận chuyển, xây dựng kho tàng, nhà cửa, phá núi, mở rộng lòng hang để đặt máy móc cũng như góp phần bảo vệ Đài suốt những năm chiến tranh ác liệt để “Tiếng nói Việt Nam” luôn bay xa.
“Đài TNVN rất tự hào có thời gian dài đóng chân tại hang Ngườm Chiêng. Trong suốt 12 năm đấy đã đảm bảo cánh sóng TNVN vẫn đến được thính giả trong và ngoài nước. Đấy là một sự tự hào của Đài TNVN. Di tích này xây dựng thành Di tích lịch sử Quốc gia là một việc làm cần thiết để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn của những thế hệ người Việt Nam nói chung và của riêng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài TNVN nói riêng.”, ông Ngô Minh Hiển nói.
Dịp này, huyện Trùng Khánh cũng vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia với thắng cảnh “Mắt thần núi” nằm trong quần thể 36 hồ Thang Hen, thuộc xóm Thăng Sặp, xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 30km. Mắt Thần Núi là một thắng cảnh nổi tiếng trong Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng, ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN khẳng định: Trong thời gian tới, Đài TNVN với ưu thế là một trong những cơ quan báo chí đa phương tiện hàng đầu quốc gia sẽ tiếp tục đồng hành, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa của Cao Bằng, góp phần đồng hành cùng tỉnh trong mục tiêu đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế địa phương./.
Theo VOV.VN