Cuốn sách mỏng, khoảng 160 trang (khổ 14,5x20,5), nội dung khúc triết, văn phong giản dị, chứa đựng những vấn đề lớn trong mối quan hệ và tác động hai chiều của VĂN HÓA và XÃ HỘI. Và cũng rất khác so với những cuốn tiểu luận trước đây của Hà Minh Đức với một mạch nội dung liền lạc từ mở đầu cho đến khi kết thúc, cuốn sách thoạt nhìn có phần rời rạc khi xen giữa những tiểu luận mang tính lý luận, lại là những tiểu luận khắc họa chân dung một số văn nghệ sĩ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau: người đã có những tác phẩm để đời, người đang sáng tác…
Trong tiểu luận đầu tiên “Sự kiến tạo của văn hóa và đời sống xã hội”, Hà Minh Đức đã rất tâm đắc với cách hiểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa mà theo ông, rất gần với định nghĩa về văn hóa của UNESCO. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, con người sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn mặc, ở, và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với những biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu của đời sống, và đòi hỏi của sự sinh tồn”( trong mục ”Đọc sách” cuối tập thơ “Nhật ký trong tù”).
Theo Hà Minh Đức, tác động của văn hóa đến đời sống xã hội là tác động của trí tuệ tri thức, sức sáng tạo tinh thần đến xã hội. Nhìn vào lịch sử của dân tộc có thể tự hào về sức mạnh của truyền thống văn hóa trong quá khứ và sức mạnh của văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Cha ông ta đã sử dụng trí tuệ và chứng minh sức mạnh của văn hóa trong nhiều áng văn thơ chống giặc ngọai xâm và xây dựng đất nước…
Hà Minh Đức nhấn mạnh: không chỉ có văn thơ, mà còn là dũng khí, hào khí của các danh nhân văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, cho đến Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu… Ở thời cận đại, vẫn gặp những trang thơ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà “ (Nguyễn Đình Chiểu). Đến thời hiện đại, sức mạnh văn hóa của thời đại mới đã góp phần quan trọng giành thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945, rồi hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thành công, tiếp theo là công cuộc đổi mới xây dựng đất nước.
Tác giả đặc biệt quan tâm đến tác động của thời cuộc với văn hóa và dấu ấn của văn hóa với thời cuộc. Tiểu luận “Con người – qua các hệ giá trị văn hóa văn nghệ” (trang 14) đã điểm lại sự phát triển của văn hóa qua các thời kỳ và mối quan hệ với con người, trong đó Hà Minh Đức nhấn mạnh, trong sự phát triển ấy “con người phải có quyền con người cũng như dân tộc phải có quyền dân tộc”. Và trong lịch sử văn học Việt Nam, thời kỳ nào cũng nổi lên hai vấn đề song song: Dân tộc và Con người. Con người VN trong văn chương được ca ngợi ở hai phẩm chất “anh hùng” và “nhân nghĩa” và có nhiều tác phẩm có giá trị bền vững. Trong giai đoạn hiện nay, cái gốc vẫn là vấn đề con người, tôn trọng đề cao giá trị con người. Vấn đề con người không phải chỉ là nhân vật chung chung mà là của mỗi dân tộc… Luôn gắn kết con người thời đại với dân tộc, con người tốt đẹp góp phần nói lên phần tốt đẹp của dân tộc và ngược lại một dân tộc tốt đẹp mới sản sinh ra những mẫu người tiêu biểu.
Xuất phát từ nhận xét chung như vậy, trong tập tiểu luận này, Hà Minh Đức đã giới thiệu chân dung một số nhà văn, nhà thơ mà sáng tác của họ mang đậm dấu ấn của thời cuộc và cuối cùng, dù ở lĩnh vực nào, cũng bám sát cuộc sống và từ khi có Đảng, đã tình nguyện dấn thân vào sự nghiệp cách mạng, vì đất nước, vì dân tộc. Đó là Tế Hanh với “ những cảm nghĩ sâu lắng và đẹp trong thơ”. Đó là Nguyễn Văn Bổng (tức Trần Hiếu Minh) “nhà văn chiến sĩ hào hoa”. Đó là nhà văn nhà báo Phan Quang, nhà thơ nhà văn Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên…
Cũng trên mạch tư duy “văn hóa nghệ thuật là một mặt trận” và các văn nghệ sĩ “là chiến sĩ trên mặt trận ấy” , Hà Minh Đức đã có những kiến giải xác đáng khi đề cập khuynh hướng miêu tả “thuận chiều” theo lối mòn trong văn chương (trang 67). Theo tác giả “khuynh hướng viết “thuận chiều” không đem lại giá trị gì mới mẻ. Những vấn đề mới của cuộc sống cần được phát hiện, ghi nhận, đấu tranh để khẳng định. Dù là sáng tác hay phê bình văn học, phải chịu phát hiện tài năng, say mê nghề nghiệp, khám phá, tránh lối mòn, tránh minh họa và khuynh hướng miêu tả “thuận chiều” tát nước theo mưa trong văn học.
Là một nhà sư phạm lão thành, lại là một người nghiên cứu gắn bó sâu sắc với nhiều thế hệ các nhà văn, trong tập tiểu luận “Văn hóa và đời sống xã hội”, Giáo sư Hà Minh Đức đã có một bài giới thiệu khá kỹ càng “một đội ngũ những nhà nghiên cứu – lý luận phê bình văn học sung sức tài năng có nhiều đóng góp cho văn học” Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Sinh năm 1935, nay tuổi đã cao lại thêm thị lực có phần giảm sút, nhưng Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức vẫn không ngừng làm việc. Cuốn sách mới của ông cho thấy ông “đặc biệt quan tâm đến tác động của thời cuộc với văn hóa và dấu ấn của văn hóa với thời cuộc”. Ông đã đi từ hai điểm tựa vững chắc là “con người” và “dân tộc “để nghiên cứu các vấn đề của văn học nghệ thuật Việt Nam.
Trong “Lời nói đầu” của cuốn sách, ông mong muốn bạn đọc “tiếp nhận” và “chia sẻ”./.