...câu chuyện về đánh thức dòng văn học trinh thám được khơi lên, thu hút sự chú ý của công chúng.
Trinh thám Việt chưa bao giờ lỗi thời
Tiểu thuyết trinh thám Việt manh nha hình thành ở Việt Nam từ khá lâu. Trước năm 1945, có khá nhiều tác giả viết truyện trinh thám như Phạm Cao Củng, Thanh Đình - Lê Văn Giới, Thế Lữ, Phú Đức. Đặc biệt, những tiểu thuyết trinh thám suy luận, trinh thám mạo hiểm của Phạm Cao Củng như series Thám tử Kỳ Phát đã đưa văn học trinh thám Việt lên đến thời kỳ vàng son rực rỡ.
Thế nhưng thể loại văn học này dần phai dấu trên văn đàn. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, phải tới năm 1991, văn học trinh thám Việt Nam mới manh nha trở lại. Tuy vậy, nhìn tổng thể, đây vẫn là dòng sách có số lượng tác phẩm khiêm tốn và phát triển chậm.
“Lý do mảnh đất văn học trinh thám chưa được các tác giả khai thác nhiều bởi ở phương Tây, thể loại văn học trinh thám rất mạnh. Khi các tác phẩm này được dịch và giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam, nó đã thỏa mãn phần nào nhu cầu của độc giả, đồng thời có thể làm cớm nắng những nhà văn Việt Nam muốn theo đuổi dòng văn học này”, PGS.TS Trần Văn Toàn, Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lý giải.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa được nhắc tới là vấn đề bản quyền và nhuận bút. PGS.TS Trần Văn Toàn phân tích: “Lao tâm khổ tứ để viết được một cuốn tiểu thuyết mà bản quyền dễ bị xâm phạm, nhuận bút không tương xứng thì quá khó cho người viết. Nếu có hội bảo trợ các tác giả, tác phẩm, thậm chí những tác phẩm văn học đó có thể được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, được dựng thành phim thì đó là kênh truyền thông và sự tôn vinh rất tốt”.
Gần đây, dòng văn học này bắt đầu có sự "hồi sinh". Khi Phúc Minh Books cho tái xuất hàng loạt truyện trinh thám, hoặc nhà văn Giản Tư Hải với 2 tác phẩm “Mật mã Champa” và “Minh Mạng mật chỉ”, hay trước đó là Di Li với “Trại hoa đỏ” và “Câu lạc bộ số 7” và sự xuất hiện khá đều đặn của một số tác phẩm trinh thám hiện đại đem đến sức sống mới cho một thể loại tưởng đã phai dấu từ lâu.
Trên thực tế, dù là thể loại kén người đọc nhưng vẫn có khá nhiều độc giả yêu thích truyện trinh thám bởi thể loại này có cấu trúc logic, có thắt mở, phương pháp phân tích suy luận và sự lắt léo hấp dẫn, các tình huống đấu trí bất ngờ, các nhân vật chính mang nhiều cá tính, khả năng khác thường... Điều này kích thích trí tò mò cũng như óc tưởng tượng, phân tích và phán đoán mạnh hơn dòng khác.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần TM&PT Phúc Minh - Phuc Minh Books cho hay: “Dòng trinh thám chưa bao giờ lỗi thời. Khi tìm hiểu sâu về nhu cầu của độc giả, Phuc Minh Books thấy ngày càng nhiều độc giả thích đọc trinh thám. Bằng chứng là các đầu sách trinh thám nước ngoài được tái bản nhiều lần ở Việt Nam và số lượng bán ra khá lớn”.
Khai hoang “mảnh đất” trinh thám
Thế nhưng, để “đánh thức” dòng văn học trinh thám, đưa nó trở lại vị trí thời hoàng kim lại không phải điều dễ dàng. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn truyện trinh thám hay và, thu hút độc giả hơn thì phải tổng hòa được nhiều yếu tố; có sự chung tay của người viết, bạn đọc, các đơn vị xuất bản, truyền thông, quảng bá... Trong đó, vai trò chủ đạo là phải có những tác giả, tác phẩm thực sự hay.
PGS.TS Trần Văn Toàn nhấn mạnh: “Để viết được truyện trinh thám, đòi hỏi người viết phải có kiến thức rộng, đa ngành, đa lĩnh vực và cả hiểu biết về khoa học, xã hội, văn hóa. Thế nhưng hiện chúng ta thiếu đội ngũ tác giả, tác phẩm có chất lượng và hấp dẫn”.
Độc giả Đỗ Nam (Tôn Thất Tùng, Hà Nội) cũng cho rằng, trinh thám là một thể loại văn học thú vị nhưng khó viết, ngoài kỹ năng viết truyện, tác giả phải có tư duy chặt chẽ, tạo sự kịch tính. Khi tạo ra câu đố, tác giả phải có phương án xử lý thành công đoạn kết. Đoạn kết mà xử lý tốt là cuốn trinh thám đó thành công. Điểm yếu của các tác giả là khá lúng túng trong việc tạo lô-gíc cho câu chuyện. “Dòng văn học trinh thám hiện nay rất đa dạng nên mỗi tác giả sẽ phải chọn cho mình phong cách, bản sắc và lối đi riêng”, anh Đỗ Nam nhấn mạnh.
Là người trong cuộc, nhà văn Giản Tư Hải cho hay: “Văn học trinh thám được chia ra nhiều trường phái: trinh thám về điều tra hình sự, pháp y, tâm lý học tội phạm, trinh thám mật mã... Dù theo dòng phái nào thì để có tác phẩm trinh thám hay, tác giả phải có ý tưởng mới lạ, độc đáo, cốt truyện hấp dẫn, lắt léo, tạo được bất ngờ, gây thán phục cho độc giả”.
Theo nhà văn Giản Tư Hải, có 4 cái khó khi viết thể loại văn học trinh thám. Thứ nhất, tư liệu cần phải dày dặn nhưng lại rất khó kiếm vì liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của nhà chức trách, luật pháp. Thứ hai, tác giả phải hiểu rõ về thế giới tội phạm. Thứ ba, kết cấu của một cốt truyện trinh thám đòi hỏi có tính logic cao, lập luận sắc sảo, mạch truyện hợp lý... Cái khó nhất là nghệ thuật che giấu nhân vật “trùm”. Nói cách khác là nghệ thuật đánh lừa độc giả đến cùng để rồi gây bất ngờ lớn vào phút chót. Thứ tư, để thành công với dòng văn học trinh thám, đòi hỏi người viết phải có đủ niềm đam mê, nhiệt huyết theo đuổi đến cùng”.
Trong vai trò người làm sách, bà Nguyễn Thùy Dương cho biết: “Khó nhất là nguồn bản thảo. Tác giả viết trinh thám vốn đã không nhiều, trinh thám Việt lại càng ít nên các nhà sách không có nhiều lựa chọn. Thậm chí, khi tìm được tác phẩm ưng để tái bản thì việc ký kết bản quyền cũng vô vàn khó khăn, đặc biệt những tác phẩm thời trước, tác giả đã mất, hoặc cao tuổi nên khâu ủy quyền tác giả và giải quyết thủ tục cấp phép tác phẩm mất rất nhiều thời gian”.
Thế nhưng, vẫn còn đó một lối mở cho dòng văn học trinh thám. “Khi nhiều dòng văn học khác đang "bão hòa", trinh thám lại là một mảnh đất tiềm năng về thế mạnh của loại hình. Do vậy, rất có thể sẽ có thêm nhiều tác giả lựa chọn và đầu tư sáng tạo vào văn học trinh thám”, PGS.TS Phạm Xuân Thạch phân tích.
Sự trở lại của các tác phẩm "đình đám" một thời như series Thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng là một sự động viên rất lớn cho các ngòi bút, cũng nhóm lên hy vọng trinh thám Việt sẽ được hồi sinh mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới đây./.
“Để viết được truyện trinh thám, đòi hỏi người viết phải có kiến thức rộng, đa ngành, đa lĩnh vực và cả hiểu biết về khoa học, xã hội, văn hóa. Thế nhưng hiện chúng ta thiếu đội ngũ tác giả, tác phẩm có chất lượng và hấp dẫn”.
PGS.TS Trần Văn Toàn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
|