Luật Điện ảnh 2022 vẫn còn nhiều vướng mắc khi triển khai

Luật Điện ảnh có những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động điện ảnh, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh phát triển.

 

Ngày 15/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện ảnh số 05/2002/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Luật Điện ảnh năm 2022 đã kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều và quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009. Luật Điện ảnh năm 2022 có nhiều điểm mới. Trong đó về phần khái niệm (Điều 3) đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung các khái niệm, thuật ngữ quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 và bổ sung thuật ngữ “Công nghiệp điện ảnh”, “Phân loại phim”, “Phim Việt Nam”…

Tại Hội nghị - hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được tổ chức tại Hà Nội chiều 26/9, các đại biểu dự hội nghị đều có chung nhận định, Luật Điện ảnh có những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động điện ảnh, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc.

Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) Vi Kiến Thành đã giới thiệu và báo cáo tóm tắt một số nội dung mới, căn bản của Luật Điện ảnh số 06/2022/QH15.

Tỷ lệ 30% thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam khó khả thi

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nêu ý kiến về quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình rất khó khả thi, đặc biệt là đối với các Đài truyền hình có quy mô vừa và nhỏ, các kênh truyền hình được sản xuất để phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền. Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, hiện nay, trừ VTV, các đài truyền hình địa phương khó có thể đảm bảo thời lượng phát sóng nói trên.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng, việc mua bản quyền phim Việt Nam đến từ các hạ tầng OTT và các hạ tầng streaming xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cạnh tranh ngày càng gay gắt. Với tiềm lực tài chính mạnh cho phép mua độc quyền nội dung trong thời gian dài hạn (5-10 năm), những hạ tầng này hiện giữ quyền 80% tổng số phim Việt chiếu rạp trong vòng 4 năm trở lại đây.

Thứ hai là với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ OTT, các công ty sản xuất phim cũng xây dựng app OTTT của riêng mình và giữ quyền độc quyền những phim do mình sản xuất để phát trên hạ tầng của mình mà không chia sẻ quyền với đơn vị phát sóng như trước đây. Đây cũng là xu hướng của ngành nghe nhìn toàn cầu và sẽ ngày càng rõ rệt hơn trong thời gian tới tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông điều hành hội thảo.

Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, khó khăn trong việc mua bản quyền sẽ buộc các kênh truyền hình trong nước đầu tư sản xuất phim để đảm bảo tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư để sản xuất phim cũng ngày càng tăng cao và cao hơn nhiều so với chi phí mua bản quyền phim. Với xu hướng sụt giảm doanh thu của các kênh truyền hình tuyến tỉnh, đây thực sự là khó khăn rất lớn của các Đài truyền hình truyền thống và các kênh truyền hình trả tiền trong nước.

Hơn thế nữa, việc vi phạm bản quyền phim trên nền tảng internet trở nên rất nghiêm trọng và gây thiệt hại rất lớn cho những đơn vị sản xuất phim. Nếu không có những chính sách và biện pháp bảo vệ bản quyền cương quyết và mạnh mẽ hơn thì các doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó có thể đầu tư lâu dài trong việc sản xuất phim Việt Nam, đặc biệt là phim có chất lượng cao.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đề xuất giải pháp tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam nên giảm xuống còn 10% và cần có sự đồng bộ với chính sách khuyến khích phát triển điện ảnh trong nước, cần xem xét quy định ưu đãi thuế và các ưu đãi khác như hoàn một phần chi phí sản xuất phim đối với các dự án sản xuất phim trong nước.

Lo ngại về tính minh bạch của Quỹ hỗ trợ điện ảnh

Vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ vận hành như thế nào để đóng góp vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Nhiều ý kiến bày tỏ e ngại về cơ chế quản lý cũng như tính công khai, minh bạch khi sử dụng quỹ.

Theo đó, trong Điều 21 về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quy định nguồn hình thành quỹ bao gồm trích 3% doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam, 3% từ phí thẩm định và phân loại phim, 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới, 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền, 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình, 5% phí hậu kiểm.

Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Amcham Việt Nam - Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam nêu ý kiến: "Chúng tôi lo ngại về tính minh bạch, công bằng của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, những tỷ lệ đưa ra hiện tại còn nhiều bất công và phân biệt đối xử. Chúng tôi lo ngại tăng những khoản phí đó sẽ khiến người dùng phải gánh thêm chi phí".

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét làm rõ thêm nhiều vấn đề quanh phân loại phim, quy trình thực hiện dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, phổ biến phim trên không gian mạng, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông, cho biết Ban tổ chức sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ có những điều chỉnh phù hợp trước khi trình dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận