Nghĩ về 'thương hiệu' điện ảnh Việt

Xây dựng thương hiệu điện ảnh nước nhà không thể thiếu một tầm nhìn dài hạn, trong đó đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành 'đầu tàu' điện ảnh của cả nước.

 

Tác phẩm điện ảnh cũng là một loại hàng hóa đặc biệt. Doanh thu từ đây sẽ đóng góp cho nền kinh tế, đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật nước nhà. Muốn đạt được doanh thu như kỳ vọng thì điện ảnh cần phải xây dựng được một thương hiệu xứng tầm. Vậy Việt Nam đã có những điều kiện “cần” và “đủ”cho điều này?

Điện ảnh không chỉ là đầu tư để cho ra đời một bộ phim, để thu hồi vốn và có lời mà còn để lại cho khán giả những câu chuyện, có thể sau 10 năm, 20 năm và thậm chí lâu hơn nữa, người ta còn nhắc đến.

Theo nhà báo Nguyễn Phong Việt, bài toán đặt ra là cần có tầm nhìn dài hạn cho thị trường này: "Các nhà làm phim cơ bản đang nhìn thị trường ở góc nhìn ngắn hạn - làm phim để kiếm tiền tái đầu tư trước hay làm phim để tạo ra những cú hích, dấu ấn để thúc đẩy chính bản thân họ cũng như cả thị trường cùng phát triển. Những bộ phim dở thì không nên ra rạp. Nó ảnh hưởng đến khán giả cực lớn, ảnh hưởng đến khán giả, khiến khán giả mệt mỏi, họ cảm giác như bị lừa, khiến cho thị trường bị thụt lùi vì những thứ “rác” đưa ra rạp."

Cái thiếu của điện ảnh thị trường chính là sự giao lưu, học hỏi và tiếp cận với cách làm phim mới.

Thành công rực rỡ về doanh thu của bộ phim “Bố già” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng là cú hích cho các nhà làm phim tự tin tiềm năng phát triển thị trường phim Việt trong tương lai rất rộng. Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng: Khán giả Việt hào hứng với những bộ phim hay, khi họ được nhìn thấy mình trong đó, nhưng ngược lại, các nhà làm phim Việt lại hiếm khi tạo được sức hút lớn như vậy. "Chúng ta thấy họ vẫn ở trong vòng an toàn, khai thác những đề tài đơn giản quá, nông, chưa kịp đào đã lộ hết lên bề mặt rồi. Và nó chỉ có như vậy thôi. Một cái tệ nữa là nó bám theo công thức để làm chứ không thấy được phong cách cá nhân nổi trội, một đặc trưng mà chỉ cần nhìn khung hình là nhận ra ngay được đạo diễn đó".

Có nhiều yếu tố tạo nên thành công cho 1 bộ phim, nhưng căn cốt nhất vẫn là nội dung kịch bản. Một bộ phim nhận được sự chào đón của khán giả và có thể đi xa hơn ra nước ngoài, được trình chiếu trên nhiều nền tảng thì phải có sự khác biệt như nhận định của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, đại diện công ty BHD: "Đưa phim Việt ra nước ngoài không thể mang một phim là được mà là cả một nền công nghiệp cùng phát triển, cùng đưa phim ra và có tiếng nói riêng của Việt Nam. Đó là điểm quan trọng nhất, là khi tìm được ngôn ngữ riêng của Việt Nam, kể từ những câu chuyện bình dị nhất thành những câu chuyện hấp dẫn".

Ai cũng muốn bộ phim của mình đến được với số đông khán giả. Nhưng khán giả vẫn trông đợi sau những phút giải trí, chúng ta có gì đó để suy ngẫm, tâm hồn của chúng ta phong phú hơn, hướng đến những điều tích cực… Chúng ta có quyền kì vọng nhiều hơn nữa ở phim Việt như nhận định của nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm: "Ngay cả những bộ phim thành công như “Em và Trịnh” hay “Bẫy ngọt ngào” thì mới dừng ở mức độ mua vui, chưa có những điều khiến chúng ta suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống, về con người. Đó là một hạn chế của điện ảnh Việt Nam.

Trong quá khứ điện ảnh Việt Nam có khá nhiều bộ phim tác động về mặt xã hội đặc biệt là những bộ phim của Nhà nước, những bộ phim thời bao cấp làm lay động, thay đổi cảm quan của con người, đánh dấu một cột mốc nào đó về mặt xã hội, ví dụ như “Bao giờ cho đến Tháng Mười”, “Mùa ổi”, “Thương nhớ đồng quê”, hay những bộ phim của những Việt Kiều như Trần Anh Hùng".

Tuy vậy, điện ảnh Việt khi nhìn rộng hơn trong bối cảnh nền kinh tế đang lạm phát, sức mua ở rạp đang xuống, những người đầu tư vào phim điện ảnh cảm thấy ngần ngại hơn… thì số lượng phim ra rạp mỗi năm khoảng 40 - 50 phim là không khác nhiều so với 4 - 5 năm về trước. Khi số lượng sản phẩm bị hạn chế thì tay nghề của đạo diễn cũng như diễn viên cũng khó có thể nâng tầm.

Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn thì cái thiếu của điện ảnh thị trường chính là sự giao lưu, học hỏi và tiếp cận với cách làm phim mới: "Chúng ta thiếu những khóa đào tạo chuyên sâu, cập nhật cách làm mới cho người trong nghề. Chúng ta cũng thiếu những cơ hội giao lưu với những nền điện ảnh phát triển. Thiếu những cái đó vô tình làm cho người trong nghề cứ xoay vòng trong cách làm phim cũ kĩ, ảnh hưởng đến chất lượng phim."

Do vậy, một nền điện ảnh mạnh cũng cần có sự liên kết, thay vì mạnh ai nấy lo, ăn đong từng bữa, như nhận định của nhà báo Hoài Hương, Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh: "Hôm nay tôi sản xuất phim đề tài A, anh sản xuất đề tài B để không trùng lặp nhau và chính điều đó tạo nên thị trường phim đa dạng hơn, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, khi ra rạp người ta sẽ được nhiều món ăn hơn là cùng một món mà hai ba nhà cùng làm, thắng và thua thì cứ nhìn thấy nhau, đôi khi lại trở thành cạnh tranh không lành mạnh. Nó sẽ tạo ra cuộc Pr phim hay những cuộc làm truyền thông mà bên nọ đá bên kia. Mà chuyện đó thì ở điện ảnh nước ta cũng đã có rồi."

Cảnh trong phim Song lang của đạo diễn Leon Quang Lê - một trong những bộ phim được đánh giá chắc chắn về mặt nghề nghiệp làm phim.

Xây dựng thương hiệu điện ảnh nước nhà cũng không thể thiếu một tầm nhìn dài hạn, trong đó đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành “đầu tàu” điện ảnh của cả nước. Theo bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh: cần đẩy mạnh xây dựng công nghiệp văn hóa, trong đó điện ảnh góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam:

"Thành phố Hồ Chí Minh chưa có một kế hoạch phát triển điện ảnh dài hơi. Ví dụ hiện nay chúng tôi còn thiếu đào tạo lực lượng trẻ để kế thừa. Bên cạnh đó là việc xây dựng phim trường và xa hơn là kế hoạch để phát triển điện ảnh một cách quy củ. Thành phố cũng đã xây dựng chiến lược phát triển điện ảnh thành một ngành công nghiệp văn hóa nhưng chưa đi vào thực hiện. Thách thức chính là làm sao để một trung tâm điện ảnh đúng nghĩa, có chiến lược, có cơ sở vật chất và đội ngũ hùng hậu, biến sản phẩm điện ảnh thành một sản phẩm hàng hóa công nghiệp để có thể đối ngoại và bán được ở nước ngoài", bà Thúy nói.

Thành công của một tác phẩm điện ảnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: nội dung kịch bản, ekip thực hiện, chiến dịch truyền thông cùng các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Suy rộng ra, thương hiệu của một nền điện ảnh cũng là sự hợp lực của các nhà làm phim, hãng sản xuất cùng cơ chế hỗ trợ thông thoáng để sáng tạo. Không phải ngẫu nhiên nhiều quốc gia có một nền điện ảnh phát triển, với những chiến thắng lẫy lừng tại các liên hoan phim uy tín trên thế giới. Còn ở nước ta, đầu tư cho điện ảnh vẫn là một khái niệm mơ hồ, “thiếu thực tế” so với cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản. Trong khi chờ những thay đổi từ phía quản lý nhà nước thì các nhà làm phim vẫn đang nỗ lực từng ngày để hiện thực hóa giấc mơ điện ảnh của mình.

Có thể nói tiềm năng để phát triển điện ảnh là rất lớn, điều còn lại là làm thế nào để thị trường ấy đi lên, bắt đầu từ những thay đổi rất nhỏ. Một nền điện ảnh phát triển không chỉ có những bộ phim hay mà còn tạo ra một môi trường sáng tạo, một hệ sinh thái lành mạnh với những cơ chế hỗ trợ phù hợp. Và cuối cùng, một nền điện ảnh vững mạnh cũng cần lắm sự ủng hộ, bắt đầu từ phía khán giả trong nước./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận