Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc từ trên ghế nhà trường

Ngành giáo dục Lai Châu đã đưa nội dung bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa các dân tộc vào giảng dạy như một môn ngoại khóa bắt buộc.

 

Giờ học múa, hát dân ca dân tộc Thái của Câu lạc bộ “Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian”, Trường THCS Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu rộn ràng trong tiếng nhạc đàn tính tẩu. Sau 2 năm thành lập, đến nay câu lạc bộ đã thu hút hơn 30 học viên có năng khiếu, là học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, con em đồng bào dân tộc Thái tham gia. Lớp học thu hút được nhiều học sinh tham gia là bởi sau giờ học các môn chính khóa, đây được coi là hoạt động vui chơi ngoài giờ.

Lớp học dệt thổ cẩm của học sinh Trường THCS Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu).

Em Tòng Thị Anh, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Ta Gia cho biết: "Thầy giáo dạy là các nghệ nhân am hiểu văn hóa dân tộc Thái, hướng dẫn bằng tiếng dân tộc nên các bài hát, điệu múa khi truyền dạy được các em tiếp thu rất hào hứng và nhanh thuộc. Nhờ hoạt động học vui của câu lạc bộ mà các em hiểu biết nhiều hơn văn hóa dân tộc mình".

Đứng chân trên địa bàn xã chủ yếu là đồng bào Mông, Thái, Dao sinh sống, cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, thời gian qua, Trường Mầm non xã Phúc Than, huyện Than Uyên đã lồng ghép triển khai nhiều hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vào chương trình học. Để có đủ trang thiết bị giảng dạy về văn hóa, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh làm đồ chơi tự chế và tổ chức hoạt động hướng dẫn các cháu trò chơi dân gian như: tù lu, ném pao, tó má lẹ, nhảy sạp, ném còn... Từ đó, trẻ em được rèn kỹ năng sống, giáo dục tình yêu quê hương, ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phúc Than, huyện Than Uyên cho biết: "Để cho các con cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đơn vị chúng tôi đã tổ chức các hoạt động ngoài trời và đầu giờ sáng. Cụ thể hàng tuần vào đầu giờ sáng ngày thứ 2, chúng tôi đã tổ chức 9/9 điểm trường, sau giờ chào cờ và thể dục buổi sáng thì tổ chức cho các con chơi trò chơi dân gian. Ví dụ như tại điểm trường có học sinh đồng bào dân tộc Mông thì cho các con chơi trò chơi như: tù lu, múa khèn; tại điểm trường có học sinh dân tộc Thái thì cho các con chơi tó má lẹ, múa xòe, nhảy sạp; để tạo cho các con thêm hứng thú và ngày càng chăm ngoan đi học".

Các hoạt động học vui ngoại khóa đã tạo sự hứng khởi cho học sinh đến lớp.

Với 10 dân tộc anh em cùng chung sống, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu là địa phương khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đến nay, huyện đã có cả một nghị quyết chuyên đề về nội dung này và được các cấp, các ngành ở địa phương triển khai hiệu quả. Toàn bộ 40 đơn vị trường học đã thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Từ đó, hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ngày càng lan tỏa, phát triển sâu rộng trong các nhà trường, với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Trong năm học 2020 – 2021, trên địa bàn đã có trường tiểu học và THCS thành lập điểm Câu lạc bộ “Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian” với các nhóm: khâu thêu, thổi khèn Mông, hát Thái, múa Thái, đàn tính tẩu. Đến nay, mô hình truyền dạy này đã được nhân rộng tại 100% các trường tiểu học và THCS. Qua đó, giúp các em hiểu biết, trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình và hiểu biết hơn về văn hóa của các dân tộc khác trên địa bàn.

Nhiều nơi đã đưa truyền dạy văn hóa các dân tộc thiểu số ở địa phương vào trường học.

Theo bà Đỗ Thị Kim Lý, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), hiện nay các trường đã thực hiện mỗi thầy, cô giáo, nhân viên, học sinh người dân tộc có ít nhất 1 bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình và mặc vào các ngày thứ 2 đầu tuần, ngày lễ, tết và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Các trường cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, nhân dân về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng

"Để thực hiện thành công Nghị quyết về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, với ngành giáo dục huyện Than Uyên để đưa nội dung đó vào nhà trường, chúng tôi cũng đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trường xây dựng Câu lạc bộ 'Bảo tồn văn hóa dân gian' các dân tộc. Từ đó tổ chức truyền dạy trong các nhà trường các nội dung mang đậm bản sắc dân tộc của đơn vị" - bà Đỗ Thị Kim Lý nói.

Để hoạt động bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa đi vào chiều sâu, hiện các trường ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu còn mời nghệ nhân, già làng, người có uy tín tham gia hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh. Với việc đưa các nội dung giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc vào trường học thông qua nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp học sinh các dân tộc lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn góp phần giúp các em bồi đắp nhân cách, để sống có trách nhiệm với gia đình, quê hương./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận